Tuesday, November 23, 2010

KIỂM TRA TRI KIẾN VÀ ĐÁP ÁN # 1

Để tránh đi sự hiểu biết sai lệch dẫn đến tình trạng tu ức chế tâm và mất thời gian tu tập. Tu viện sẽ có những bài kiểm tra thường xuyên với Tu sinh, đến khi nào mọi người đã hoàn toàn thông hiểu.

1/ Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Hãy giải thích ý nghĩa của tâm và trình bày sự tu tập của mình khi tác ý câu này?

2/ Khi tâm sanh khởi niệm thì phải làm gì? Có mấy loại niệm?
Cho ví dụ và trình bày cách tu tập trên niệm đó?


3/ Khi bị hôn trầm thì phá như thế nào? Trình bày cách phá và nêu rõ tầm quan trọng (mục đích) một trong những pháp hành dùng để đối trị?

4/ Khi ngồi chơi tâm ở đâu? Hãy nói rõ trạng thái tâm lúc đó động hay tịnh. Tịnh như thế nào là đúng, như thế nào là sai? Động như thế nào là đúng, động như thế nào là sai?

5/ Khi một người tu tập có bao nhiêu pháp để tu tập trong một thời gian nhất định (ví dụ: 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ)?

ĐÁP ÁN

1/TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ là tâm ở trạng thái NIẾT BÀN của Phật giáo, khi tâm ở trạng thái này thì không có một ác pháp nào tác động được. Muốn giữ gìn và bảo vệ chân lý này để chứng đạo thì chỉ có pháp NHƯ LÝ TÁC Ý. Khi tác ý câu này phải để tâm tự nhiên không ức chế, ý thức cũng không bám giữ câu tác ý.

2/ Khi tâm sanh khởi niệm thì phải biết PHÂN BIỆT niệm đó. Có 3 loại niệm: Niệm THIỆN, niệm ÁC và niệm KHÔNG THIỆN KHÔNG ÁC.
Ví dụ: Có niệm ÁC thì TÁC Ý đuổi đi hoặc dùng TRI KIẾN NHÂN QUẢ quán triệt.

3/ Khi bị hôn trầm thì ĐI KINH HÀNH hoặc dùng pháp THÂN HÀNH NIỆM có nghĩa là tác ý trước thân hành sau.

4/ Khi ngồi chơi tâm ở trên TỨ NIỆM XỨ, lúc đó tâm TỊNH mà ĐỘNG.
  • TỊNH mà ý thức khởi niệm phân biệt biết tất cả các pháp mà không phóng dật theo pháp nào là đúng.
  • TỊNH mà ý thức không khởi niệm là sai.
  • ĐỘNG mà ý thức khởi niệm phân biệt biết tất cả các pháp mà không dính mắc các pháp là đúng.
  • ĐỘNG mà ý thức khởi niệm phân biệt biết tất cả các pháp mà dính mắc các pháp là sai.
5/ Trong một thời tu nhất định có 4 pháp tu tập:
  • Định niệm hơi thở
  • Quán tâm vô lậu
  • Thân hành niệm
  • Tứ niệm xứ.
Nguồn lấy từ Tu Viện Chơn Như

Wednesday, November 10, 2010

CHỚ CÓ TIN


Tuy rằng, bốn bộ kinh A Hàm và năm bộ kinh Nikaya là kinh gốc của Đạo Phật, nhưng trong ấy các Tổ đã có sự thêm bớt rất nhiều, nhất là kinh A Hàm, các Tổ đã dịch làm lệch ý của Phật và còn soạn viết những bài kinh gạch nối giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa. Vậy, quý Phật tử khi nghiên cứu đừng tin trọn những kinh sách này, mà hãy nhớ lời Đức Phật đã dạy :

“Này các Kàlàmà!
1-      Chớ có tin vì nghe truyền thuyết,
2-       chớ có tin vì nghe truyền thống,
3-       chớ có tin vì nghe người ta nói đồn,
4-      chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng,
5-      chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình,
6-       chớ có tin vì đúng theo một lập trường,
7-       chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện,
8-       chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình,
9-      chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền,
10-   chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình, v.v...

Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào, tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”. Thời này, Kàlàmà hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.

Những lời dạy trên đây của Đức Phật, là những lời nhắc nhở và cảnh cáo đệ tử của mình, đừng quá vội tin mà bị lừa đảo những pháp môn ngoại đạo giả mạo của Phật Giáo.

Rút ra từ những lời dạy này, khi bước chân vào các tôn giáo thì chúng ta cần phải dè dặt cẩn thận nhiều hơn, không nên tin mù quáng mà phải chọn đúng chánh pháp dạy đạo đức làm Người, làm Thánh. Vì chính đạo đức làm Người, làm Thánh là sẽ không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả những loài chúng sanh.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập I)


SỐNG TRẦM LẶNG


Đời sống của người tu sĩ Đạo Phật phải trầm lặng, cô đơn độc cư và ít nói chuyện v.v... Nhất là phải giữ gìn tâm mình trong trạng thái yên lặng, bất động, không được nhôn nhao, lăng xăng nghĩ ngợi, lo lắng, suy tư và sợ hãi, giận hờn, buồn rầu,  lo nghĩ v..v... .

Bài kệ nhất dạ hiền Đức Phật đã dạy chúng ta tu tập như thế nào để sống một cuộc đời tu sĩ trầm lặng?.
Ông A Nan nhớ lại lời huấn thị bài kệ “Nhất Dạ Hiền”, ông đã thực hiện trong một đêm không ngủ, sáng hôm sau ông dùng thần thông đi xuyên qua cửa đá vào hang Thất Liệp để kết tập kinh điển cùng với năm trăm vị A La Hán khác. Đây bài kệ:

NHẤT DẠ HIỀN
            “Quá khứ không truy tìm.
            Tương lai không ước vọng.
            Quá khứ đã qua rồi (đoạn tận).
            Tương lai lại chưa đến.
            Chỉ có pháp hiện tại.
            Chánh niệm tỉnh giác đây.
            Tuệ tri quán vô lậu.
            Không động không rung chuyển.
Biết vậy nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm.
Ai biết ngày mai chết.
Không ai điều đình được.
Với bọn tử thần kia.
Nhiệt tâm quyết tu tập.
Đêm ngày không mỏi mệt.
Xứng gọi Nhất Dạ Hiền.
Luôn luôn sống trầm lặng”.

Là một tu sĩ Phật Giáo, luôn luôn phải giữ tâm mình không cho suy nghĩ những chuyện vu vơ, không cho lo lắng hối tiếc buồn phiền những chuyện đã qua, không cho giận, hờn, căm thù, bất toại nguyện những chuyện hiện tại. Vì có suy tư những chuyện đã qua cũng chẳng ích lợi gì mà ngược lại còn làm buồn phiền đau khổ. Do chỗ buồn phiền đau khổ tâm ta không được thanh thản, an vui nên Đức Phật mới dạy muốn giải thoát tâm hồn được thanh thản, an lạc thì đừng nhớ, lo, nghĩ về những chuyện đã xảy rồi; nhớ, lo, nghĩ những chuyện đã qua rồi khiến tâm bất an, chẳng có ích lợi gì.

Giữ tâm mình không cho suy nghĩ những chuyện vu vơ, không cho lo lắng hối tiếc, buồn phiền những chuyện đã qua, không cho giận, hờn, căm thù, bất toại nguyện những chuyện hiện tại. Vì có suy tư những chuyện đã qua cũng chẳng ích lợi gì mà ngược lại còn làm buồn phiền đau khổ. Do chỗ buồn phiền, đau khổ tâm ta không được thanh thản, an vui nên Đức Phật mới dạy chúng ta muốn giải thoát tâm hồn được thanh thản, an lạc thì đừng nhớ lo nghĩ về những chuyện đã xảy ra rồi, nhớ lo nghĩ những chuyện qua rồi chỉ khiến tâm bất an, chẳng có ích lợi gì.

Đạo Phật dạy phải đoạn dứt những sự suy tư về chuyện quá khứ, vì chuyện quá khứ đã qua rồi, có lo nghĩ có buồn phiền thì cũng chẳng giải quyết gì được mà còn làm tâm ta đau khổ, u tối thêm, không còn sáng suốt đối với chuyện hiện tại.
Vậy, chúng ta nên lấy 2 câu kệ này làm pháp hướng nhắc tâm mình để xa lìa quá khứ.

“Quá khứ không truy tìm
  Quá khứ đã qua rồi ”.         

Còn tìm kiếm có ích lợi gì cho ta nữa, ta hãy xả đi, buông đi.
Quá khứ đã không tìm trở lại thì vị lai đừng nuôi hy vọng ước mơ. Vì tương lai đến, đến không bao giờ đúng với sự mơ ước, thế là thất vọng, thất vọng là khổ đau.

Bởi vì, luật nhân quả đang chi phối từng phút, từng giây trong thời gian và không gian của sự vật. Nên sự mơ ước của con người còn tùy thuộc ở nhân quả của người đó, nên sự ước mơ không bao giờ đúng và đạt được.

Người thấu rõ luật nhân quả chẳng bao giờ mơ ước một điều gì về tương lai, chỉ lo giải quyết mọi việc đang xảy ra trong hiện tại, không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh, thì vị lai không ước mơ nhưng vẫn thành sự tốt đẹp đến với mình.

Đạo Phật lấy mốc thời gian hiện tại để tu tập, để không nhớ nghĩ về quá khứ và cũng không lo lắng về tương lai.
Vậy thời gian hiện tại ta tu tập cái gì? Như trong bài kệ đã dạy:

“Chánh Niệm Tỉnh Giác đây.
Tuệ tri quán Vô Lậu”.

Đây là hai loại Thiền định mà Đức Phật đã dạy người mới tu, cần phải siêng năng tu tập để tâm không nhớ nghĩ về quá khứ và cũng không mơ ước về tương lai.

Chánh Niệm Tỉnh Giác đây tức là chánh Niệm Tỉnh Giác Định. Cách tu tập định này, trên thân quán thân tu về hành tướng ngoại (Tứ Niệm Xứ) nghĩa là thân đi biết thân đi, thân đứng biết thân đứng, thân ngồi biết thân ngồi, thân mặc y mang bát biết thân mặc y mang bát, thân làm việc gì đều biết thân làm việc nấy. Tâm luôn chú ý theo dõi hành động của thân đang hoạt động, không để thất niệm đang làm, mất niệm đang làm là thất niệm, thất niệm là mất tỉnh giác, mất tỉnh giác tức là mê, mê còn gọi là quên. Cho nên, tu tập mà để thất niệm là tu sai, tu như vậy không có kết quả tu suốt đời cũng chẳng có ích lợi gì.

Thất niệm có hai trạng thái khác xen vào:
1- Quên mất niệm hành động của thân, xen vào những vọng tưởng, nghĩ ngợi chuyện thế gian (bị vọng niệm).
2- Quên mất niệm hành động của thân (vô ký) hành động theo thói quen, không nhớ, hay quên.
3-Quên mất niệm là quên pháp như lý tác ý, quên pháp như lý tác ý là ý thức chìm thì tưởng thức hoạt động, tưởng thức họat động thì sẽ rơi vào Thiền tưởng.

Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, người mới tu phải dùng pháp hướng dẫn tâm tỉnh thức, nếu không dùng pháp hướng thì tâm dễ bị vọng tưởng và vô ký. Cái khó là ở chỗ tu tập nếu không có người có kinh nghiệm hướng dẫn thì khó mà tu tập tỉnh thức an trú thời gian dài được.

Tuệ tri quán vô lậu tức là Định Vô Lậu. Định Vô Lậu này được thực hiện trên thân quán thân tu về nhân tướng (Tứ Niệm Xứ) để khắc phục tham ưu tức là ly dục ly ác pháp. Cách thức tu tập định này có ba cách:

1- Ngồi kiết già thẳng lưng đặt niệm thân trước mặt quán xét tư duy, thấu suốt lý duyên khởi, lý duyên sanh, lý vô thường, khổ, không và vô ngã, lý bất tịnh, xấu xí, bẩn thỉu, hôi thúi, uế trược v.v..
Khi quán xét thân xong, ngồi đặt niệm thọ, tâm và các pháp trước mặt cũng quán xét như vậy.

2- Ngồi kiết già lưng thẳng đặt niệm thân trước mặt, quán xét tư duy về Nhân Quả, về Bốn Đại duyên hợp và Thập Nhị Nhân Duyên. Khi quán xét tư duy thân xong rồi đặt niệm thọ, tâm và các pháp cũng quán xét như vậy.

3- Khi đang tu Định Chánh Niệm Tỉnh Giác bỗng có một niệm khác xen vào ta nên lấy niệm đó đặt trước mặt quán xét tư duy, tu Định Vô Lậu liền, để xả bỏ niệm ấy cho rốt ráo, không còn tới lui, chớ không được buông ngang vì buông ngang niệm ấy sẽ sanh trở lại khiến cho tâm thất niệm.

Hai loại định: Chánh Niệm Tỉnh Giác và Định Vô Lậu sẽ hỗ trợ cho nhau, khi chúng ta biết câu hữu, chúng sẽ giúp chúng ta diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, nhờ thế tâm bất động trước các đối tượng, do vậy trong bài kệ có câu:

“Không động không rung chuyển”.

Nếu người siêng năng tu tập như vậy, tâm được thanh tịnh hoàn toàn, giống như cục đất không còn phiền não, khổ đau, giận hờn, thương ghét nữa.

Hiểu được và biết rõ sự lợi ích của hai loại định này chúng ta cần phải siêng năng tu tập nhiều hơn, không bỏ phí thì giờ. Kết quả mang đến tâm chúng ta được giải thoát, cuộc sống được an vui, thanh thản và vô sự, không có một vật gì hoàn cảnh nào làm động tâm được, thì trên đời này còn có gì hạnh phúc và sung sướng cho bằng.

Này, quý Thầy và các Phật tử, khi đã nhận được hai pháp Thiền định quý báu vô giá này, thì trên đời không còn có vật gì quý báu hơn và sánh bằng được.
Biết nó quý báu vô giá như vậy, nên Đức Phật khuyên chúng ta:

“Biết vậy nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm.
Đêm ngày không mỏi mệt.”.

Đó là, một lời khuyên chơn thật của Đức Phật, biết hai loại định này sẽ giải thoát tâm con người ra khỏi sông mê biển khổ. Vì thế, người tu sĩ phải thấy giá trị của nó to lớn và lợi ích biết dường bao.

Khi thấu suốt giá trị của hai pháp môn Thiền định này, thì đừng để mất thời giờ vàng ngọc của mình trôi qua quá uổng, dù là một phút cũng không tìm lại được. Phải nỗ lực siêng năng tu tập với một tâm thành nhiệt huyết, ngày đêm tinh tấn không biết mỏi mệt là gì.
Sự nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn, không biếng trễ, không bỏ qua một giây phút nào, thì kết quả sẽ nhanh chóng, giải thoát chỉ một đêm tu tập sẽ trở thành bậc Thánh Hiền.

“Xứng gọi nhất dạ hiền”.

Chỉ có một đêm tu tập không thất niệm, tâm hồn chúng ta sẽ trở thành trầm lặng, sống ít nói, tâm hồn không lăng xăng, không nhộn nhịp, sống độc cư an vui một mình.

Qua bài kệ này, quý Thầy và các Phật tử đã nhận ra được những kinh nghiệm trong hai pháp môn Thiền định quý giá để thực hành cụ thể và kết quả sẽ mãn nguyện.

Người cư sĩ tại gia cũng như người tu sĩ xuất gia đều dễ dàng tu tập hai pháp môn Thiền định này mà không sợ lạc Thiền, tẩu hỏa nhập ma hoặc rối loạn thần kinh, hoặc ông lên bà xuống như nhập đồng, nhập xác. 

Kết quả của hai pháp môn Thiền định này nhanh chóng, ngay liền tức khắc, không phải chờ đợi.

Nếu ai tha thiết con đường tu tập của Đạo Phật mà được hướng dẫn tu tập hai pháp môn này, như người đang chết đuối mà vớ được phao, như người bệnh sắp chết mà vớ được thần dược.

Người có hữu duyên gieo trồng chánh pháp của Đạo Phật mới gặp được hai Thánh pháp này. Do thế, phải nỗ lực siêng năng tu hành ngày đêm không biết mỏi mệt để cứu mình ra khỏi biển khổ, để đền đáp ơn Phật, ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha và ơn đàn na thí chủ, có như vậy mới xứng danh là người đệ tử của Đức Phật, là những bậc Thánh Tăng, là những bậc Thánh cư sĩ, là những bậc chân tu sống trầm lặng tuyệt vời.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập I)

THỌ DỤNG THỰC PHẨM ĐỘNG VẬT KHÔNG THẤY, KHÔNG NGHE, VÀ KHÔNG NGHI

Sáu nghề nghiệp ác đã dạy trong tập sách này, chúng tôi có ghi chú thêm để quý Thầy và các Phật tử nhận thấy rõ.
Tại sao lại có chư Tăng Nam Tông thọ dụng thực phẩm động vật ?.
Có phải Đức Phật đã cho phép chư Tăng thọ dụng thực phẩm động vật hay không ?.
Để trả lời những câu hỏi này và làm sáng tỏ Phật Giáo. Các nhà sư Nam Tông không biết dựa vào lời dạy nào của Đức Phật mà dám thọ dụng thịt động vật.

Thưa quý Hòa Thượng, quý Sư, Thầy và các Phật tử hãy đọc lại bài kinh số 55 Jivaka trang 71, kinh Trung Bộ tập 2, Tạng Kinh Việt Nam do HT Minh Châu chuyển ngữ  từ tiếng Pali sang Việt ngữ.
Trong bài kinh này, đoạn kinh thứ nhất Đức Phật đã dạy người tu sĩ không được thọ dụng thịt động vật thấy, nghe và nghi: "Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt động vật không được thọ dụng thấy, nghe và nghi”.

Theo nghĩa của đoạn kinh này, khi một vị Tỳ kheo “thấy” thực phẩm của người Phật tử cúng dường có thịt chúng sanh thì không được ăn, đó là trường hợp thứ nhất.
Khi thực phẩm của người Phật tử cúng dường “không thấy” có thịt chúng sanh nhưng lại “nghe” người khác nói trong thực phẩm đó, có thịt chúng sanh, thì không được ăn, đó là trường hợp thứ hai.

Khi thực phẩm của người Phật tử cúng dường “không thấy” có thịt và cũng “không nghe” nói có thịt chúng sanh nhưng tâm lại sanh “nghi ngờ” thực phẩm này có thịt chúng sanh, vì có mùi tanh thì không được ăn, đó là trường hợp thứ ba.

Xét qua ba trường hợp trên đây, rõ ràng Đức Phật không cấm ăn thịt chúng sanh mà chỉ có lời khuyên để chúng Tỳ kheo ý thức sự đau khổ của chúng sanh mà không ăn thịt. Ý thức sự đau khổ của chúng sanh mà không ăn thịt tức là thực hiện lòng từ bi thương xót chúng sanh, có nghĩa là sống đúng đạo đức hiếu sinh. Còn cấm, tức là giới cấm, giới cấm là có sự bắt buộc không ăn thịt chúng sanh, có nghĩa là ăn chay, nhưng ăn chay ấy là ăn chay theo kiểu Đại Thừa Bà La Môn Giáo (Ăn chay do giới cấm). Còn ngược lại, Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ dùng giới đức không cấm nhưng chỉ khuyên người tu sĩ phải tự giác ăn như thế nào để thể hiện được đạo từ bi đúng nghĩa của từ tâm.

Trường hợp thứ nhất và thứ hai thì quá rõ ràng, còn trường hợp thứ ba là nghi ngờ, dường như mơ hồ, nhưng thực ra thịt chúng sanh thì có mùi tanh hôi của chúng, mặc dù chúng ta không thấy, không nghe, nhưng mùi cá làm sao không tanh cá, mùi thịt bò làm sao không hôi bò, mùi thịt heo làm sao không hôi heo, mùi thịt gà làm sao không tanh gà v.v... Tất cả, thịt động vật đều có mùi riêng của nó, làm sao chúng ta không nghi ngờ, mà đã nghi ngờ thì không được phép ăn, vì lương tâm và tình thương của chúng ta, không cho phép nuôi mạng sống bằng sự khổ đau của loài vật khác.

Phật dạy lần thứ hai: "Này Jivaka! Ta nói trong ba trường hợp thịt được thọ dụng:"Không thấy, không nghe và không nghi". Có lẽ, dựa theo lời dạy này, mà các nhà sư Nam Tông dùng lý luận biện hộ cho những hành động tội ác của mình: “Không thấy nghĩa là không thấy người giết con vật, để cúng dường cho mình, không nghe, nghĩa là không nghe tiếng kêu của con vật khi bị giết để cúng dường cho mình, không nghi nghĩa là thấy thực phẩm động vật Phật tử cúng dường không nghi ngờ người ta giết con vật làm thực phẩm để cúng dường cho mình”. Cho nên, trong bài kinh Jivaka có mở ngoặc và đóng ngoặc (Vì mình mà giết). Bốn chữ này, là do người sau thêm vào để thỏa mãn dục vọng tham ăn thịt chúng sanh. Xưa, các Tổ không có điều gì mà không dám làm, họ thêm bớt rất nhiều trong kinh sách Nguyên Thủy, ngày nay cũng vậy, họ cũng dám lý luận làm sai lệch lời dạy của Đức Phật, có khi vì bảo vệ danh dự của mình trong lúc vi phạm giới luật và cũng có khi vì không hiểu phương pháp hoặc do tu tập chưa chứng.

Nếu bài kinh chấm dứt ở đây, thì chúng ta khó làm sáng tỏ được Phật Giáo. Nhưng bài kinh lại dạy tiếp phần thứ hai và phần thứ ba, nên chúng ta mới thấy rõ bộ mặt bất thiện và lòng tham dục của các nhà sư Nam Tông khéo thêm thắt, khéo lý luận bóp méo kinh sách của Đức Phật để gây tội ác tày trời, nên tất cả các xứ Phật Giáo Nam Tông tu hành chẳng đến đâu, nhập định điên khùng "Minh Sát Tuệ" tu hành không đúng Tứ Niệm Xứ và Tứ Thánh Định của Đạo Phật. Chẻ pháp môn Tứ Niệm Xứ ra từng mảnh: Đây là trường Thiền tu Tâm Niệm Xứ; đây là trường Thiền tu Thân Niệm Xứ; đây là trường Thiền tu Thọ Niệm Xứ. Chẻ pháp môn Tứ Niệm Xứ ra từng mảnh như vậy, mà lại còn hô hào rùm beng viết kinh sách phổ biến khắp nơi, làm cho người sau hiểu lầm Phật Pháp, tu hành sai lệch., chẳng giải quyết được sanh, già, bệnh, chết. Trong khi, Pháp môn Tứ Niệm Xứ rất tuyệt vời, tu là thấy kết quả ngay liền, tu tập là có những thần lực siêu việt không thể nghĩ bàn. Do chia chẻ pháp Môn Tứ Niệm Xứ, nên các nhà Sư Nam Tông tu hành chẳng tới đâu, chỉ loanh quanh trong các định tưởng, chẳng bao giờ đạt được sự giải thóat của Phật Giáo.

Các nước theo Phật Giáo Nam Tông, lấy Phật Giáo làm Quốc Giáo, mọi thanh niên đúng tuổi đều phải vào chùa tu tập ba năm, nếu ai muốn tu luôn thì ở lại tiếp tục tu hành còn không muốn tu thì phải “xuất sải”. Xuất sải có nghĩa ra đời (hoàn tục) lập gia đình. Nhưng, những người thanh niên này, đã tu theo Đạo Phật mà không có chút lòng từ bi nào cả, họ đã dám cầm dao, súng, vũ khí diệt dân tộc họ như giết heo, gà, dê v.v.. và tàn sát đồng bào Việt Kiều hàng vạn người đang cư trú trên đất nước Cam Pu Chia. Đó là, một bằng chứng dân tộc Cam Pu Chia lấy Phật Giáo làm Quốc Giáo, mọi người thanh niên công dân nước này đều phải tu hành ba năm, thế mà giết người như ác quỷ, làm cho cả thế giới đều ghê rợn và lên án tội ác của đất nước này.

Bởi, tu hành mà còn ăn thịt chúng sanh, thì thành ác quỷ chứ làm sao thành Phật được. Bài kinh Jivaka Đức Phật đã dạy như vậy, mà các Tổ bên Nam Tông dám bịa ra ăn năm thứ bất tịnh nhục. Thật là đau lòng.

Tại sao vậy ? Tại vì, tu sĩ Phật Giáo Nam Tông ăn thịt chúng sanh, nên tâm họ rất hung ác. Đời sống tu sĩ của họ sống  ngược lại với đạo đức không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh của Đạo Phật.

Đạo Phật, là đạo đức của loài người, đạo đức của loài người sao lại nỡ nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh, mà không chút lòng thương yêu. Vậy, những người tu sĩ này, có phải là tu sĩ của Đạo Phật hay không? Xin các bạn trả lời cho.

Cũng trong bài kinh ấy, Đức Phật dạy tiếp cho các vị Tỳ kheo không nên ăn thịt chúng sanh, bằng phương pháp tu tập và trau dồi " Tứ Vô Lượng Tâm".

Bài kinh dạy tiếp: "Này Jivaka! Tỳ kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn nào, vị ấy phải luôn tu tập tâm mình biến mãn khắp cùng một phương với lòng từ và an trú, phương thứ hai, thứ ba, thứ tư cùng khắp thế giới trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên, tâm vị ấy biến mãn và câu hữu với lòng từ quảng đại vô biên không hận, không sân và an trú".

Với ý nghĩa của đọan kinh này, khi một vị Tỳ Kheo ăn uống thì phải quan sát khắp cùng trên món ăn của mình đồng thời khởi tâm từ bi thương xót tất cả muôn loài chúng sanh, nếu thấy có thịt chúng sanh thà chết chớ không ăn. Đó là, thực hiện Đạo từ bi, lòng hiếu sinh của mình. Bài pháp dạy rõ ràng như vậy, thế mà các nhà sư Nam Tông nỡ nhẫn tâm ăn thịt được thì chúng tôi rất thương hại cho họ, chỉ một đời tu hành mà chẳng có ích lợi gì cho bản thân mình cho tất cả chúng sanh.

Đoạn kinh này, Đức Phật đã xác định rõ ràng: một người tu sĩ Đạo Phật phải luôn tu tập "Tứ Vô Lượng Tâm". Người đã tu tập Tứ Vô Lượng Tâm thì còn lòng dạ nào ăn thịt chúng sanh được. Phải vậy không các bạn? Vậy mà, các sư Nam Tông vẫn nuốt trôi được thịt chúng sanh mới thực là hay!

Về phần các vị Tỳ kheo Đức Phật đã dạy, không ăn thịt chúng sanh bằng hai bài pháp tuyệt vời:
1- Ăn thịt chúng sanh không thấy, không nghe và không nghi.
2- Ăn thịt chúng sanh với lòng từ bi biến mãn khắp cùng mười phương trên dưới.
Cũng trong bài kinh ấy Đức Phật dạy người cư sĩ phải cúng dường thực phẩm cho Phật và chúng Thánh Tăng : " Này Jivaka ! Người nào vì Như Lai hay vì đệ tử của Như Lai mà giết hại sinh vật làm thực phẩm cúng dường, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân. Khi người ấy nói như sau: "Hãy đi và dắt con thú này đến đây". Đó là, nguyên nhân thứ nhất, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Con thú ấy khi bị dắt đi, bị lôi kéo nơi cổ, nên cảm thọ đau đớn khổ ưu. Đó là, nguyên nhân thứ hai, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy nói :"Hãy đi và giết con thú này". Đó là, nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi con thú ấy bị giết, cảm thọ đau đớn khổ ưu vô cùng, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử của Như Lai một cách phi pháp. Đó là, nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.".

Qua đoạn kinh này, chúng ta thấy rất rõ, Đức Phật đã dạy rất kỹ cho người cư sĩ không nên cúng dường Phật và chúng Thánh Tăng thực phẩm động vật. Vì cúng dường như vậy, là cúng dường phi pháp, không có phước mà tổn đức thêm trọng tội vì sát hại sanh linh.

Một bài kinh rất có giá trị với các tu sĩ Nam Tông. Bài Jivaka trong Trung Bộ kinh đã khẳng định người tu sĩ Đạo Phật không được ăn thịt chúng sanh nên ăn thực phẩm thực vật với mục đích là để trau dồi tâm từ, bi, hỷ, xả của mình để ly dục ly ác pháp, khiến cho thân tâm thanh tịnh, nhập được các loại Thiền định, làm chủ được sự sống chết luân hồi. Ngược lại, một người tu sĩ còn ăn thịt chúng sanh tức là tâm dục chưa ly, ác pháp chưa lìa, thì rất uổng cho một đời tu hành theo Đạo Phật, mà chẳng hưởng được sự giải thoát của Đạo Phật, mà lại còn đọa vào địa ngục (địa ngục ở đây không phải cõi địa ngục mà là trạng thái đau khổ của thân hay phiền não của tâm).  Tu mà còn tâm ác như vậy, thì phải mang nợ đàn na thí chủ muôn đời, muôn kiếp. Hiện giờ, các nhà sư Nam Tông ăn uống cho khoái khẩu, thân hình mập béo, lấy ác pháp mà nuôi thân mạng, thì thân mạng này phải chịu thọ khổ muôn vàn, vì đã đem vào thân những sự đau khổ của chúng sanh thì làm sao tránh khỏi sự đau khổ ấy.
----&----
Ghi chú:
Đọc bài kinh Jivaka, chúng ta nhận xét về Đạo Phật. Đạo Phật là một tôn giáo tự lực, dạy đạo đức nhân bản – nhân quả rất thực tế và cụ thể. Cho nên, Đức Phật là một nhà tâm lý học thông suốt mọi tình cảm, tâm tư và nguyện vọng của mọi người. Vì thế, giáo pháp của Ngài dạy toàn là đạo đức làm người. Vì dạy đạo đức làm người nên nói về tâm lý của con người rất là sâu sắc:

1- Dạy người cư sĩ không làm nghề nghiệp ác để tránh nhân quả xấu như : tai nạn, bịnh tật, yểu tử v.v...
2- Dạy chư Tăng không ăn thịt chúng sanh bằng sự ý tứ cẩn thận trong từng miếng ăn của mình bằng một tấm lòng thương yêu rộng lớn đối với muôn loài chúng sanh.
3- Dạy Phật tử không nên cúng dường thịt chúng sanh làm ra thực phẩm cho Phật và chúng Thánh Tăng. Cúng dường như vậy là phi pháp, phi công đức ( không có phước báo mà còn thêm tội lỗi).

Toàn bộ giáo lý của Đức Phật từ sơ thiện, trung thiện, đến hậu thiện, Ngài dạy con người cách thức sống trong thiện pháp, ngăn ngừa và đoạn dứt các ác pháp. Vì thế, mà ngay từ bước đầu tiên Đức Phật đã dạy người cư sĩ không làm sáu nghề nghiệp ác như trên đã giảng.

Cách thức tu của Đạo Phật rất cụ thể. Ở đây, quý Thầy và các Phật tử phải hiểu cho rõ ràng, đổi nghề nghiệp, không làm nghề ác nữa tức là tu hành, tu tức là sửa đổi, thay đổi, làm tốt lại, làm thiện lại và không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, chứ không phải ngồi đó gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật, lần chuỗi, ngồi Thiền hay lạy hồng danh sám hối mà tiêu tội hưởng phước được v.v..

Quý vị đừng lầm hiểu theo sự hướng dẫn tu tập của các nhà học giả Đại Thừa, khi tu tập là phải ngồi Thiền, nhập thất, tụng kinh, sám hối, niệm Phật, niệm chú, truyền tâm ấn, la hét, đánh, xô đẩy để ngộ Phật Tánh. Đó là, hình thức tu tập chịu ảnh hưởng ngoại lai của các tôn giáo khác, chẳng giúp gì cho chúng ta giải thoát tâm tham, sân, si, phiền não, thương, ghét, giận hờn, thù oán, tật đố, nghi kỵ và các ác pháp khác.

Cách thức tu tập của Đạo Phật trong kinh điển Nguyên Thủy dạy, thực tế và cụ thể hơn, có kết quả ngay liền khi bắt tay vào tu, không như những pháp hành của các nhà học giả dạy ở trên theo kinh sách phát triển Đại Thừa.

Như trên đã nói, quý vị đổi nghề ác làm nghề thiện là quý vị không làm khổ chúng sanh, không làm khổ đau cho chúng sanh tức là quý vị không làm khổ đau cho quý vị, không làm khổ đau cho quý vị tức là giải thoát.

Dạy người không làm nghề ác, không làm việc ác tức là tu thiện đấy các bạn. Các bạn có hiểu biết điều này không?.
Dạy người không cúng dường thực phẩm bằng xương máu chúng sanh tức là tạo nghiệp thân ít bịnh, tuổi thọ sống lâu.
Dạy chư Tăng không ăn thịt chúng sanh là trau dồi tâm từ, bi, hỷ, xả để đối trị tâm tham, sân, si, ích kỷ, nhỏ mọn v.v... .

Bài kinh này, quý Thầy và quý Phật tử nên lưu ý lời dạy của Đức Phật : "Ăn thịt chúng sanh phải không thấy, không nghe và không nghi". Lời dạy này, có nghĩa là trong sự ăn uống phải trau dồi mắt tai của mình, phải ý tứ cẩn thận, khi ăn khi uống phải biết rõ trong thực phẩm đang ăn có xương máu và sự chết chóc đau khổ của chúng sanh trong đó hay không?. Nếu có chúng ta thà chết trong giới luật của Phật chớ không ăn mà phạm giới. 

Tại sao vậy ?.
Tại vì, người tu sĩ Đạo Phật thường trau dồi tu tập tâm mình lòng thương yêu rộng lớn đối với tất cả chúng sanh, đối với nhân loại khắp mười phương thế giới.

Nếu chúng ta chỉ vì bổ béo cho xác thân vô thường bất tịnh này và chạy theo dục lạc, ảo giác ngon ngọt của vị giác thì chúng ta chưa phải một vị tu sĩ Đạo Phật chân chánh có lòng từ bi.

Đạo Phật ăn chay trên ăn chay, ăn chay vì lòng thương yêu chúng sanh vô bờ bến. Ngược lại, trong thế gian này có những người ăn chay, không ăn thịt chúng sanh nhưng làm thực phẩm giống như thịt chúng sanh, thì đó là ăn chay theo kiểu phàm phu, ăn chay còn thèm thịt, nên tạo thực phẩm chay giống như thực phẩm thịt chúng sanh để ăn đỡ thèm.

Cách thức ăn chay như thế, Đức Phật không chấp nhận. Đạo Phật tu thật, làm việc thiện từ trong lòng thiện sanh ra, ăn chay vì thương xót chân thật đối với chúng sanh nên không nỡ ăn thịt chúng sanh.

Ăn chay chỉ vì sợ địa ngục, sợ quỷ Vô Thường, quỷ Dạ Xoa hành hạ, thiêu đốt, đâm chém, cắt lưỡi, móc họng, rút gân v.v..
Ăn chay để cầu sanh về Cực Lạc, Thiên Đường v..v..
Ăn chay để cầu cho tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, tuổi thọ sống lâu v..v...
Ăn chay như vậy, Đạo Phật không chấp nhận vì không phải pháp tu hành để giải thoát, đó là một loại ăn chay để an ủi tinh thần, ăn chay như vậy giống như con bò ăn cỏ, không có nghĩa lý gì của Đạo giải thoát cả.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập I)

----&----

Tuesday, November 9, 2010

CHÂN LÍ THỨ NHẤT “KHỔ ĐẾ”


Khế kinh có câu: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển”, lời nói này có quá đáng chăng? Chúng ta chưa vội xác định câu nói này mà hãy dùng Định Vô Lậu quán xét tư duy chân lý thứ nhất, rồi mới xác định sau. Người không hiểu biết cho rằng đời là một hạnh phúc, nhưng họ không ngờ những khoái lạc của cuộc đời đều là giả dối, lừa phỉnh, chẳng khác gì như người khát nước mà cứ uống nước mặn, càng uống lại càng khát và càng khổ đau. Cho nên những sự vui của cuộc đời chỉ là tạm bợ, hào nhoáng như một lớp sơn bên ngoài mà thôi. Bản chất của cuộc đời là khổ đau. Cõi đời này là một biển nước mắt và mồ hôi của loài người, trong ấy, mọi người đang bơi lội, hụp lặn, chìm nổi, trôi lăn. Nếu ai đã từng nếm mùi vị của cuộc đời thì không ai bảo rằng đời là hạnh phúc là sung sướng, người thấy rõ đời sống là khổ không ai hơn Đức Phật, nên chân lý của Ngài đưa ra mọi người đều phải công nhận, chỉ có một vài người mang tà kiến mới cho nó là “vô khổ, tập diệt, đạo”, như Long Thọ, còn các Tổ sau này chỉ là những người hùa theo, cho nên Thiền sư Thường Chiếu bảo: “Một con chó sủa một bầy cho sủa theo”.

Không ai có thể kể ra hết mọi sự đau khổ trong thế gian, nhưng căn cứ vào lời dạy của Đức Phật thì có ba loại khổ:
1- Khổ khổ
2- Hoại khổ
3- Hành khổ

« Khổ khổ:  Cái khổ chồng chất lên cái khổ; bản thân đã là khổ mà hoàn cảnh chung quanh lại đè lên bao cái khổ khác: đó là khổ khổ.
Chúng ta quán xét tự thân mình là nạn nhân của bao nhiêu cái khổ, cái xấu xa đê tiện; thân thể là một bao đựng đầy thịt xương dơ bẩn hôi thúi bất tịnh, nếu một vài  ngày không tắm rửa chăm sóc, thì thối tha không chịu được. Vả lại, cái thân của chúng ta rất dòn bở mong manh; khát nước độ ba ngày, ngạt thở độ năm phút, đứt một mạch máu, bị nhiễm vi trùng độc…thế là mạng vong không còn sống được nữa. Lại nữa, cái khổ sống chết bất ngờ mà không ai làm chủ, còn biết bao nhiêu cái khổ khác nữa chồng chất lên nhau, không sao tránh khỏi  như: bịnh tật, tai họa đói khát, bão lụt, chiến tranh, động đất, hỏa hoạn, chiến tranh áp bức sưu cao thuế nặng, v.v….đó là khổ khổ.

« Hoại khổ: Thật vậy, vạn vật trong vũ trụ có hình tướng đều phải bị hoại diệt vì luật vô thường chi phối từng giây từng phút, nên không có vật gì được tồn tại mãi, dù cho sắt đá lâu ngày cũng phải mục nát, to lớn như đất trời còn phải tan hoại. Yếu ớt nhỏ nhoi như thân người thì mạng sống như bong bóng nước, như mây nổi giữa trời, như hoa phù dung sớm nở tối tàn, mỗi phút mỗi giây chúng ta đang sống là mỗi phút mỗi giây đang hủy hoại, dù cho chúng ta có sức khỏe, có quyền thế, có giàu sang tiền của châu báu ngọc ngà vàng bạc có chất đầy cả không gian này thì cũng không cản ngăn, chống đỡ không cho thời gian hủy diệt đời sống của chúng ta được. Chúng ta hoàn toàn bất lực trước sự vô thường của thời gian.

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng
Tấc vàng tìm được không gì khó
Tấc bóng thời gian khó hỏi han”.

Thật là khổ sở, tủi nhục, đau đớn! Cho kiếp sanh làm người.

« Hành khổ: Là chỉ cho mọi hành động của chúng ta thương, ghét, giận, hờn, lo lắng, ưa thích, ham muốn, v.v.. Vả lại, mỗi hành động của chúng ta đều mang theo bản chất thiện và ác; ác thì làm khổ mình khổ người; thiện thì không làm khổ mình khổ người, nhưng phần nhiều hành động thân, miệng ý của chúng ta thường đem đến sự khổ đau cho nhau hơn là đem đến sự an vui hạnh phúc. Bởi vậy, Đức Phật dạy: “các hành là vô thường, là khổ”, lúc thì nó hành như thế này, lúc thì nó hành như thế khác, nó không bao giờ đứng yên lặng một chỗ. Nếu chúng ta chịu khó quan sát và sẽ nhận thấy rõ ràng: thân thì chẳng lúc nào chịu im lặng, không đi thì ngồi, không ngồi thì đứng, không đứng thì nằm, không nằm thì làm việc này việc khác, lúc nào thân cũng động đậy trừ ra lúc nằm ngủ.

Miệng lúc nào cũng muốn nói chuyện không chuyện này thì nói chuyện khác, nếu  vắng một lúc không nói là đi tìm người để nói chuyện, con người vốn thích động không thích tịnh, sống độc cư trầm lặng một mình chịu không nổi, cho nên các Tổ quở trách các đệ tử: “Không chịu để miệng đóng móc meo”.

Ý thì lăng xăng nghĩ chuyện này sang chuyện khác như con ngựa không cương, như con vượn chuyền cây, không bao giờ dừng nghỉ. Đó là ba chỗ hành của thân con người, ba nơi đó nếu chúng ta không biết dừng nghỉ những hành động ác thì sẽ mang lại cho mình và mọi người biết bao nhiêu là muôn ngàn thứ đau khổ xảy ra, cho nên Đức Phật nói: “hành là khổ” là vậy.

Ba thứ khổ này chia ra làm tám thứ khổ:
1/ Sanh khổ: Sanh ở đây có hai nghĩa đời sống và sự sanh đẻ.
a) Khổ trong lúc sanh ra: Người sanh và đứa bé được sanh đều khổ. Khi người mẹ mới mang thai đã bắt đầu biếng ăn, mất ngủ, nôn oẹ, dã dợt, bần thần, người gầy ốm trong những tháng đầu. Thai nhi mỗi ngày mỗi lớn, thì người mẹ mỗi ngày mỗi mệt mỏi, nặng nề, đi đứng khó khăn, làm lụng chậm chạp. Khi gần đến ngày sanh thì sự đau đớn không sao nói hết được. Đến ngày hoa khai nở nhị, nếu thuận thai thì người mẹ cũng đau đớn thập tử nhất sanh, khi sanh con ra mẹ phải chịu nhơ uế nhiều ngày, yếu đuối nhiều tháng, vì máu huyết hao mòn, ngũ tạng suy kém. Còn nghịch thai thì người mẹ phải bị mổ xẻ, 100 phần chết chỉ có một phần sống mà thôi, đôi khi  giải phẩu người mẹ và phải chịu bệnh tật suốt đời khi sinh con.

Còn đứa bé từ khi chào đời cũng phải chịu nhiều điều khổ sở. Chín tháng mười ngày trong bụng mẹ sống trong cảnh tối tăm chật hẹp. Đến kỳ sanh nở thì thân còn phải chen qua chỗ chật hẹp như bị đá ép bốn bề, nên khi vừa thoát ra ngoài vì khổ quá, vả lại còn bị móc miệng đau đớn không cùng nên vội khóc thét lên.

“Thảo nào lúc mới chôn nhao
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra !”.

b) Khổ về đời sống: Khổ về đời sống có hai phương diện vật chất và tinh thần:
- Khổ về vật chất: Cuộc sống của con người đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu như: món ăn, thức uống, y phục, nhà ở, thuốc men. Muốn có những nhu cầu ấy, con người phải lao động cần cù quanh năm suốt tháng vất vả khổ sở mới đổi lấy nó được, phải bằng mồ hôi nước mắt và sức lực của mình. Nhiều khi, suốt đời làm lụng cơm không đủ ăn, nhà ở không đủ ấm.

Chẳng những đợi đến cảnh đói khát mới là khổ; ăn uống thất thường bữa đói bữa no, thiếu thốn trước sau cũng đã là khổ. Chẳng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, hay ăn lông ở lỗ mới gọi là khổ; áo quần không đủ ấm, nhà cửa không che được nắng mưa đó cũng là khổ lắm rồi. Người nghèo đã khổ như thế thì người giàu có khổ hay không?

Muốn có tiền bạc của cải tài sản, tất phải thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần đầu tắt mặt tối trong công việc, mồ hôi nước mắt đổ ra biết bao nhiêu mới có được, chứ đâu phải tiền bạc, của cải, tài sản ở trên trời rơi xuống mà phải bằng công sức và đầu óc tính toán, nhiều khi phải quên ăn, mất ngủ, nhưng khi đã có của cải rồi, đâu phải là sung sướng, phải lo giữ gìn bảo vệ nó, nếu một mai bị trộm cướp, nước trôi, hỏa hoạn hoặc bị vua quan sung vào công quỹ thì khổ sở vô cùng, có người vì của cải tài sản mất mà điên, cũng có người vì của cải mất mà phải buồn khổ đến chết, đó là khổ sở về vật chất.

- Khổ về tinh thần: Thì không biết bao nhiêu sự khổ kể ra làm sao cho hết. Chúng tôi nêu lên một vài ví dụ như: thua kém mọi người từ ăn mặc đến nhà ở là chúng ta đã khổ, thua kém từ học thức đến địa vị trong xã hội là chúng ta cũng khổ, khổ từ những lời nói khen chê của kẻ khác, khổ vì bị lừa gạt, bị áp bức, khổ vì những người thù oán, khổ vì bị kẻ khác khinh bỉ, v.v…

Tóm lại, về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống của chúng ta có biết bao nhiêu là sự khổ đau, mà làm con người phải gánh chịu, cho nên chơn lý thứ nhất của Đạo Phật là “Khổ Đế”, Khổ Đế là chỉ cho đời sống của con người khổ thật, khổ thật nhưng không phải biết khổ để mà trốn khổ để mà tiêu cực yếm thế bỏ đời. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy một sự thật hiển nhiên của cuộc sống là khổ như vậy để mà vượt lên trên những nỗi khổ đó, để xây dựng cho mình cho người có một nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người để biến cảnh thế gian thành cảnh giới Cực Lạc Thiên Đàng. Cho nên kẻ nào thất tình thất vọng vào chùa tu hành để nhờ câu kinh tiếng kệ mà quên đi sự đau khổ của cuộc đời là kẻ hèn nhác không xứng đáng là đệ tử của Đức Phật, còn kẻ nào mượn Phật Giáo kinh doanh làm giàu trên mồ hôi nước mắt của tín đồ, ngồi mát ăn bát vàng là kẻ ăn cướp của đàn na thí chủ, của mọi người, bày ra nhiều trò mê tín lừa đảo, những người còn vô minh, mang nặng lòng kiến chấp những phong tục tập quán lạc hậu. Đó là những loài ma vương đội lốt tu sĩ và cư sĩ Phật Giáo để diệt Phật Giáo, chứ không phải là chấn hưng Phật Giáo.

2/ Lão khổ: Con người đến lúc già, thân thể hao mòn, tinh thần suy kém nên thể xác lẫn tinh thần đều khổ.
Càng già khí huyết càng hao mòn, ngày ngày càng mỏi mệt, hoạt động một cách yếu ớt, mắt lờ tai điếc, tay chân run rẩy, đi đứng khó khăn làm việc gì cũng phải nhờ đến kẻ khác, khi trời trở tiết thì toàn thân đau nhức, đó là cơ thể già là khổ như vậy.

Càng già thân thể càng suy yếu, trí tuệ càng lu mờ, do đó sanh ra lẫn lộn quên trước quên sau, hành động giống như kẻ ngây dại có khi ăn dơ uống bẩn mà không biết, nói năng lặp đi lặp lại như người mất trí; ăn rồi bảo chưa ăn, chưa ăn bảo ăn rồi, có khi nói nhảm nhí một mình thật đúng là già khổ.

3/ Bệnh khổ: Bất luận thân của chúng ta đau bệnh gì, từ cái đau lặt vặt như đau răng, nhức đầu, mỏi tay, mỏi chân cho đến những bệnh hiểm nghèo trầm trọng như ung thư, lao phổi, hoặc cùi phong, đái đường, lên máu, sơ gan, củ trướng, v.v..đều làm cho con người phải đau khổ, nhức nhối, rên xiết… Nhất là những bệnh trầm kha thì lại hành hạ xác thân, đắng cơm, nghẹn nước, cầu sống không được, cầu chết cũng không xong, oan oan ương ương thật là khổ não.

Thân bệnh đau mà tiền thì không, có người sau khi lành bịnh tiền bạc không còn, của cải tài sản bán sạch, chỉ còn hai bàn tay trắng, sống một đời sống tràn đầy sự khổ đau bất tận, cuộc sống là một màn đêm đen tối hướng về tương lai.

Đó là về bản thân phải chịu lấy những bệnh khổ, còn về những thân bằng quyến thuộc thì buồn rầu lo sợ cho nên mỗi khi trong nhà có người bị bệnh, thì cả gia đình đều rộn ràng bâng khuâng đứng ngồi không yên, quên ăn mất ngủ, bỏ cả công ăn việc làm, thật đúng như lời Đức Phật dạy: “Bệnh là khổ”. Khổ về tinh thần và khổ về thân xác vật chất, cho nên ai có thân bệnh đều sợ cả, không ai mà không sợ bệnh khổ.

4/  Tử khổ:  Trong bốn cái khổ của đời người là sanh, già, bệnh, chết, nhưng chết thì ai nghe nói đến cũng đều kinh hãi, nhất là ai cũng biết rằng con người sớm muộn gì rồi cũng phải chết, nhưng nghe nói chết thì ai cũng sợ, sợ nhưng không ai tránh khỏi. Chết là khi cơ thể tan rã, nhưng trước khi tan rã hoại diệt nó đau đớn từng đốt xương lóng tay, da thịt như ai đần ai bầm rêm cả thân người, nằm không yên, ngồi không được, người đời thường gọi đó là lúc trăn trở để mà chết, nên trước khi chết, mọi người ai cũng phải chịu sự đau khổ tận cùng, sức chịu đựng thân mạng này, rồi mới chết. Cho nên Đức Phật dạy: “chết là khổ chứ không phải chết là hết khổ”.

Người đời thường nghĩ chết là hết khổ, sự thật không phải vậy, chết là một sự nối tiếp sự khổ. Hiện tượng người chết quá ư khổ thì khi họ tái sanh cũng khổ và còn khổ hơn nữa, ngược lại người chết không khổ thì tiếp tục tái sanh không khổ.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý, trong thế gian có bốn hạng người:
- Hạng người thứ nhất: Chết khổ là hạng người bị bệnh đau khổ sở vô cùng, ăn, ỉa, đái một chỗ, chịu hôi, chịu thối của xác thân tứ đại, cho đến khi chết phải đau nhức trăn trở khổ sở tận cùng, rồi mới chịu chết, đó là hạng người chết khổ.

- Hạng người thứ hai: Chết ít khổ là những hạng người bị bệnh mà không phát hiện ra, đến khi thình lình đứt mạch máu não hoặc rút tay giựt chân, méo miệng rồi ngã lăn ra chết, những người này thời gian thọ bệnh khổ rất ngắn, đó là hạng người chết ít khổ.

- Hạng người thứ ba: Chết không khổ là hạng người không bị bệnh đau gì cả nằm ngủ rồi ngủ luôn, đó là hạng người chết không khổ.

- Hạng người thứ tư: Làm chủ sự sống chết, họ muốn sống là sống và muốn chết là chết, chết lúc nào cũng tự tại dễ dàng, không phải chờ bệnh đau tận cùng rồi mới chết, đó là hạng người làm chủ sự sống chết như Đức Phật và các bậc Thánh Tăng ALaHán.

Cho nên trong đời sống của loài người có bốn hạng người như vậy.
+ Hạng người thứ nhất, chuyên làm ác giết hại chúng sanh như những người làm nghề đồ tể, săn bắn, chài lưới, v.v..và những hạng người chuyên lừa đảo thiên hạ buôn thần bán Thánh, v.v..

+ Hạng người thứ hai, có làm ác có làm thiện, nên chết ít khổ hơn.

+ Hạng người thứ ba, sống chuyên làm thiện không làm khổ mình khổ người.

+ Hạng người thứ tư, là những bậc tu hành toàn thiện, toàn định, toàn tuệ đầy đủ thần lực làm chủ nhân quả, chấm dứt luân hồi, nên luật nhân quả không còn tác động họ được.

5/ Ái biệt ly khổCon người sanh ra ở đời ai cũng có lòng yêu thương, loài thú vật cũng có lòng thương yêu, chúng cũng biết buồn thương và khóc, huống là con người như chúng ta, tình thương giữa vợ chồng, con cái, anh em, chị em, cha mẹ, quyến thuộc, bạn bè, thân hữu, v.v.. đang thương yêu mặn nồng thắm thiết mà bị sự bắt buộc chia ly, thì thật không có gì đau đớn hơn khi kẻ bắc người nam hoặc kẻ còn người mất. Sự chia ly chia ra làm hai loại:

a) Sanh ly khổ: Một gia đình đang sống trong cảnh xum họp, đầm ấm, an vui, bỗng có một hoàn cảnh bắt buộc hay vì một thiên tai, giặc giã, v.v..làm cho mỗi người bơ vơ, thất lạc nhau, kẻ đông người tây, kẻ nam người bắc, kẻ góc biển, người chân trời, nỗi nhớ mong, thương xót không cùng. Sự sống mà chia ly nhau là sự đau khổ không cùng nên người đời khổ quá mới nói ra lời: “Thà lìa tử chứ ai nỡ lìa sanh”.

b) Tử biệt khổ: Người ở đời mỗi lần chết là một lần vĩnh viễn không còn gặp nhau nữa, dù là ly biệt có khổ nhưng còn có ngày hy vọng gặp lại nhau, chứ một khi đã chết rồi thì bao thuở được sum vầy nữa. Cho nên trước cảnh chết, là một sự ra đi vĩnh viễn, làm người trước cảnh ấy ai mà chẳng nức nở, khổ đau, vì thế trước cảnh này đã có nhiều người xót thương rầu rĩ không còn thích ăn thích ngủ, có người quá đau đớn tuyệt vọng vì thương nhớ đến nỗi phải toan chết theo người thân thương quá cố của mình, có người ôm quan tài của người quá cố lăn lộn nức nở nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi lả tả dường như ai cắt ruột cắt gan mình. Đó là cái khổ của tử biệt, mà sanh ra làm người ai ai cũng phải biết, và bao lần đứt ruột đứt gan nước mắt đổ xuống vì những người thân thương ra đi vĩnh viễn. Chính bản thân chúng tôi, khi người cha thân yêu của chúng tôi ra đi vĩnh viễn, nước mắt của chúng tôi đã đổ xuống chan hòa, cổ chúng tôi nghẹn ngào, chúng tôi thầm ước nguyện: “Con nguyện sẽ tìm cha cho bằng được dù bất cứ có gian khổ như thế nào con cũng không chùn bước trước mọi gian nguy thử thách trừ ra con chết, nếu còn một chút hơi thở dư tàn con cũng quyết tìm cha cho bằng được”. Lời nguyện ước này cộng thêm sự sách tấn của Hoà Thượng Thanh Từ: “Đạo Phật còn là còn một người tu chứng”. Những điều này đã tạo thành một mãnh lực quyết liệt trong đời tu hành của chúng tôi để chiến đấu và chiến thắng từng tâm niệm ham muốn các ác pháp trong nội tâm của mình. Cuối cùng chúng tôi đã chiến thắng và mãn nguyện.

Còn hiện giờ, mọi người tu chỉ tu danh, tu lợi, tu mà sợ khổ, sợ cực nhọc, sợ đói, sợ khát, sợ chết, sợ mất sức, sợ bỏ của cải tài sản, sợ bỏ vợ bỏ con tọi nghiệp, tu mà còn tham muốn thần thông phép tắc hơn người, chưa tu được gì mà vội muốn làm thầy thiên hạ, vay mượn kinh sách của người xưa, nhai đi nhai lại những thứ bã mía lừa đảo người, cho nên tu hành chẳng ra gì.

Tử biệt sanh ly là nỗi khổ của loài người, thế mà đã đi tu, lại không lo giải quyết cho xong, đã bao nhiêu lần nước mắt tuôn rơi vì mất cha, mất mẹ mà còn không biết, không lo. Cha mẹ còn hay mất ở nơi đâu, đi về đâu….? Vậy mà dám vỗ ngực xưng tên là con hiếu. Cha mẹ chết mặc cha mẹ, cứ mãi lo tiền bạc, danh vọng, nhà cửa, chẳng còn ai hay biết gì, nhưng tiền bạc danh vọng đó, chết rồi cũng không mang theo được, chỉ còn lại nghiệp thiện ác mà thôi, để rồi tiếp tục trên con đường khổ đau như cũ, quanh quẩn trong vòng luân hồi muôn đời muôn kiếp.

6/ Cầu bất đắc khổ:  Người sanh ra ở đời, ai cũng có sự hy vọng, sự hy vọng càng nhiều thì sự thất vọng càng to. Bất luận trong tất cả mọi việc làm, số người làm được đạt như ý muốn thì quá hiếm mà kẻ thất bại thì quá nhiều, cho nên gặp thất bại không có người nào là không khổ; có nhiều người thất bại quá tự tử; có nhiều người thất bại bỏ vào chùa tu; còn muốn đạt kết quả tốt đẹp, người ta phải vận dụng không biết bao nhiêu là năng lực, lao tâm tổn trí, quên ăn bỏ ngủ để đạt được kết quả như ý muốn, nhưng đến giờ phút cuối cùng không thành công thì sự đau khổ không biết là dường nào.

Ví dụ: Như người buôn bán lỗ lã, người nông phu làm mùa thất bại, người học trò thi rớt, v.v.. thì khổ sở và cay đắng biết là bao nhiêu, nói sao cho cùng.

“Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu!”
(Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều).

Muốn mau làm giàu, nhiều người tìm mọi cách gian xảo lừa đảo lường gạt người, nhưng mưu gian chước lận, ăn lo hối lộ đổ bể, tài sản bị tịch thu, bản thân bị tù tội, gia quyến bị nhục nhã xấu hổ, không dám nhìn mọi người, thật đau đớn và khổ sở.
Trong cuộc đời nói về tình ái, biết bao nhiêu người tình duyên trắc trở, đưa đến sự quyên sinh vì thất vọng thất tình. Trên đây là những sự cầu mong mà chẳng đạt được thành ra bao nhiêu thứ khổ.

7/ Oán tằng hội khổ:  “Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt; ở chung với người nghịch như nếm mật nằm gai”. Lời nói này không sai, vì gần những người thù oán thì tâm mình khổ sở vô cùng, cho nên kinh gọi là oán tằng hội khổ rất đúng vậy.

Người trong một gia đình anh em dòng họ quyến thuộc vì tranh chấp một lí do nào đó, sanh ra bất hòa với nhau, khi nhìn thấy mặt nhau cũng là rất khó chịu, hằng ngày phải thấy mặt nhau, vì là tình thân quyến thuộc, ghét không ưa mà cứ gặp nhau là rất khổ tâm, muốn tránh mà tránh không được, ở gần có ngày phải đụng chạm to tiếng và có thể xảy ra án mạng, tù tội hoặc đi nằm nhà thương, bởi vì thù oán nhau thì phải có ngày đi đến chỗ khổ đau lớn, đó là Oán tằng hội khổ. 

8/ Ngũ ấm xí thạnh khổ:  Thân ngũ ấm của chúng ta gồm có: sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm, năm ấm ấy luôn luôn sống trong động theo luật chi phối của nhân quả. Vả lại, năm ấm này được sanh ra từ vô minh, nên mỗi sự hoạt động của nó thúc giục theo lòng ham muốn nên tạo ra biết bao nhiêu điều ác khiến cho mình khổ và người khác khổ vô lượng vô biên.

Thân ngũ ấm bị luật vô thường chi phối, từng giây từng phút khiến cho sự thay đổi liên tục, từ trẻ đến già, từ mạnh đến ốm, từ bệnh đến chết, luôn luôn lúc nào cũng làm cho con người khổ sở buồn phiền, lo lắng, sợ hãi.

Sáu trần lôi cuốn, thất tình lục dục đắm say, khiến cho thân tâm khổ lụy vô cùng tận.

Vọng tưởng điên đảo, chấp trước dính mắc đủ thứ vật chất thế gian, nên chấp có ta, của ta và bản ngã của ta, do đó mới thấy còn mất, khôn, dại, chấp có, chấp không, vì vậy mà sanh ra rầu lo, đau khổ buồn phiền.

Thân ngũ ấm đi, đứng, ngồi, nằm nhiều quá, chịu cũng không nổi, vì mỏi mệt tê đau nhức, cho nên phải có lúc đi, lúc nằm, lúc đứng, lúc ngồi thân ngũ ấm bắt buộc phải động đậy liên tục như vậy thì mới thấy dễ chịu, cái dễ chịu của sự động thì làm sao mà được an vui, thanh tịnh chân thật ? Nên đó là những sự khổ đau của thân ngũ ấm.

Thân ngũ ấm là một khối năm duyên hợp lại trong môi trường sống, nhưng hành động đều do nghiệp lực nhân quả tạo tác nên mỗi con người sanh ra, đều phải chịu theo qui luật nhân quả thiện ác khổ vui mà thọ hưởng hoặc chịu lấy sự khổ vui nhiều ít là tùy theo những hành động thiện ác, chứ không có một kẻ nào ban phước giáng họa cho loài người được.

Chỉ vì sự mê lầm chấp đắm vật chất, cho rằng người nào có nhiều vật chất là hạnh phúc nên mỗi hành động luôn luôn kèm theo sự ích kỉ, nhỏ hẹp cho cá nhân của mình, thường không những làm khổ người mà còn làm khổ mình.

Đức Phật dạy: “là con người chứ không phải là con thú vật thì phải làm thiện, làm thiện không có nghĩa làm việc từ thiện, mà làm việc thiện ở đây có nghĩa là không làm khổ mình khổ người”, như vậy các hành trong thân ngũ ấm mới không còn khổ đau nữa, chứ làm việc từ thiện theo kiểu Đại Thừa phước đâu thì không thấy, mà bị kẻ khác lợi dụng thì có, cho nên tai họa bệnh tật khổ đau thường viếng thăm những người làm thiện này.

Trong kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Các hành là vô thường, là khổ”. Nhưng chúng ta học đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người của Đạo Phật nên các hành đều thực hiện nhân quả thiện, mà các hành đã làm thiện thì quả là phước mà quả phước thì thân con người thanh thản, an lạc và vô sự, nhưng thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự, đó là thân tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh tức là thiền định, thiền định thì thân tâm bất động, thân tâm bất động tức là các hành ngưng hoạt động, các hành ngưng hoạt động tức là chấm dứt sự vô thường và khổ đau, chấm dứt sự vô thường và khổ đau là phước vô lậu, là cảnh giới Niết Bàn tại thế gian.

Tóm lại, người tu Định Vô Lậu câu hữu với Khổ Đế tức là quán xét ba khổ: khổ khổ, hoại khổ, hành khổ để chúng ta rõ thấu và cố gắng tránh không làm khổ mình khổ người và điều đó khiến cho thân tâm chúng ta vô lậu, mà mục đích của Đạo Phật là phải đạt tâm vô lậu.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập II)
Mời các bạn đọc tiếp CHÂN LÝ THỨ HAI “TẬP ĐẾ”