Tuesday, May 29, 2012

KHI TÁC Ý BỆNH LUI ĐI CÓ PHẢI LÀ TƯỞNG KHÔNG?



Câu hỏi của Kim Quang
Hỏi: Khi con ngơì tu Tứ Niệm Xứ, có cảm thọ hay các hành xuất hiện con dùng câu tác ý “các pháp lui đi.”  Khi con nhắc như vậy thì các cảm thọ hay là các hành mất ngay, nhưng sau đó thì các cảm thọ hoặc hành khác mới xuất hiện và con lại nhắc tiếp đuổi bọn nó đi. Con thấy rằng những cảm thọ và các hành này giảm dần về cường độ mạnh và nhỏ đi. ( Con không biết con có bị Tưởng hay không?) Và cứ như vậy suốt nhiều tiếng đồng hồ.
Xin Thầy chỉ dạy kỹ lại cho con hiểu r để con biết đúng phương hướng tu tập không phải rơi vào Tưởng. Cám ơn Thầy.

Đáp: Con nên lưu ý kỹ về pháp môn Tứ Niệm Xứ mà đức Phật đã dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu ở đời,” Cụm từ này cần phải hiểu rõ nghĩa: “Khắc phục tham ưu ở đời”. Khắc phục tham ưu ở đời có nghĩa là làm cho hết đau khổ và hết ưu phiền. Vậy phải làm bằng cách nào? Căn cứ vào bài kinh nào mà chúng ta khắc phục được bệnh khổ nơi thân?

Con hãy đọc lại đoạn kinh Đại Bát Niết Bàn này: “Trong khi Thế Tôn an cư trong mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, rất đau đớn, gần như muốn chết. Nhưng Thế Tôn giữ chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán...Vậy Ta hãy lấy sức tinh tấn, nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống”. Và Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy duy trì mạng căn. Rồi Thế Tôn lành bệnh”. (Kinh Trường Bộ tập I trang 582 kinh Đại Bát Niết Bàn). 
Đọc đoạn kinh này chúng ta nhận xét rất rõ khi bị bệnh đức Phật giữ tâm chánh niệm tỉnh giác không một chút rên la đau đớn.“Nhưng Thế Tôn giữ chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán”. Đây là cách thức giữ tâm bất động trong cơn đau dữ dội. Có lẽ con đã biết cách giữ tâm chánh niệm tỉnh giác rồi chứ. Giữ tâm chánh niệm tỉnh giác tức là nhiếp tâm an trú trên thân hành nội hoặc thân hành ngoại.

Khi nhiếp tâm an trú được trên hành hành nội hay ngoại thì bắt đầu nhiếp phục bệnh đau trên thân. Con hãy lắng nghe Phật dạy tiếp: “Và Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy, duy trì mạng căn. Rồi Thế Tôn lành bệnh”. Với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy. Vậy Với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy là làm gì?

Với sức tinh tấn tức là siêng năng; nhiếp phục bệnh ấy tức là tác ý ngay bệnh đau đó ra khỏi thân tâm, như đức Phật đã dạy : “Tác ý một tướng khác thì tướng kia bị diệt”.

Với cảm nhận của con về sự tác ý đuổi bệnh ra khỏi thân, cơn đau giảm từ từ , đó không phải là tưởng.


NHẬP TỨ THIỀN CÓ PHẢI LÀ A LA HÁN KHÔNG ?


Hỏi: Kính thưa Thầy, Thầy và quý Thầy tu nhập Định Tứ Thiền có phải như một A La Hán trong  thời Đức Phật không?
Phật và A La Hán khác nhau như thế nào?

Đáp: Người nhập xong Tứ Thiền, chứng Tam Minh là bậc A La Hán như trong thời Đức Phật còn tại thế. Phật và A La Hán không khác nhau chỗ tu hành và giải thoát. A La Hán chỉ khác Phật là chỗ Đức Phật là Giáo chủ, người sáng lập ra Phật Giáo.

Bởi vì Đức Phật cũng tu từ Giới, Định, Tuệ mà được giải thoát, các bậc A La Hán cũng tu từ pháp môn này mà thành tựu, cho nên sự viên mãn giải thoát phải  giống như nhau. Khi tu hành giải thoát rồi thì người nào cũng như người nấy.

Chúng ta trở lại thời quá khứ của Đức Phật trong khi Ngài từ bỏ các pháp môn của ngoại đạo để tu Tứ Thánh Định và Tam Minh, nhờ giáo pháp này mà Đức Phật đã  chứng đạo giải thoát, các đệ tử của Người cũng nhờ giáo pháp này chứng quả A La Hán.

Tứ Thánh Định và Tam Minh tức là Giới, Định, Tuệ, vì trong bốn thiền có giới và định, Sơ Thiền thuộc về Giới ly dục ly ác pháp do ly dục sanh hỷ lạc, Nhị Thiền diệt tầm tứ do định sanh hỷ lạc, Tam Thiền ly hỷ tưởng và Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở, ba loại thiền này thuộc về định, còn Tam Minh thuộc về tuệ.

Xin quý vị đọc lại bài kinh Saccaka sẽ thấy Đức Phật tu tập Sơ Thiền cho đến Tam Minh và thành tựu viên mãn đạo giải thoát: “Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này, Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua”. Rồi này Aggivessana, Ta ăn tô thực, ăn cơm chua trở lại. Này Aggivessana, lúc bây giờ năm Tỳ Kheo hầu hạ Ta suy nghĩ: “Khi nào Sa Môn Gotama chứng pháp, vị ấy sẽ nói cho chúng ta biết”. Này Agivessana khi thấy Ta ăn thô thực, ăn cơm chua, các vị ấy chán ghét Ta, bỏ Ta và nói: “Sa Môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn trở lui đời sống sung túc”.

“Này Agivessana, khi Ta ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Này Agivessana như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ do định sanh không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền Thứ Ba. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc xả khổ diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ không lạc xả niệm thanh tịnh. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”. Đến đây, Đức Phật đã nhập xong bốn Thiền, tức là Đức Phật đã thực hiện được Giới và Định.

Sau khi Đức Phật thực hiện xong Giới và Định thì Ngài tiếp tục thực hiện Tam Minh: “Với tâm định tỉnh thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc Mạng Minh Ta nhớ đến các đời sống quá khứ… Ta dẫn tâm hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh, Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh…Ta dẫn tâm đến Lậu tận trí Ta biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ...”

Sau khi tu chứng xong, tâm Đức Phật sẽ an trú trong định nào ? Chúng ta sẽ nghe Đức Phật trả lời: “Này Agivessana, sau khi chấm dứt buổi thuyết giảng như vậy, Ta an trú nọi tâm, làm cho tịnh chỉ, làm cho nhất tâm, làm cho định tỉnh trên định tướng thứ nhất ấy, và như vậy Ta sống an trú, trường cửu, vĩnh viễn”.

Sau khi chứng đạo giải thoát, Phật và các bậc A La Hán đều giải thoát an trú giống như nhau cả, không có sự giải thoát trong Phật Giáo có cao, có thấp. Không có sự tu hành giải thoát lừng chừng mà phải giải thoát tận gốc (Vô Lậu) và sự giải thoát lừng chừng là chưa giải thoát.

Ví dụ: Một người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh mà không nhập định thì giới luật đó chỉ là ức chế tâm chứ chưa phải giải thoát, cũng như một người nhập Tứ Thánh Định mà không thực hiện Tam Minh thì cũng chưa được gọi là giải thoát, đó là ức chế tâm.

Bởi, Đạo Phật có một lớp vô lậu giải thoát mà thôi, không thể có hai ba lớp vô lậu, vì thế ai tu vô lậu là giải thoát, ai tu không vô lậu là không giải thoát. Người tu vô lậu là bậc A La Hán nên Phật cũng là A La Hán mà thôi, vì thế Phật và A La Hán không khác nhau.


THẾ GIỚI SIÊU HÌNH KHÔNG CÓ, CHỈ CÓ THẾ GIỚI TƯỞNG


Hỏi:  Kính thưa Thầy, Thầy xác định là không có cõi siêu hình nhưng có nhiều kinh nói đến các cõi Trời, và người ta làm được gì đều bảo là nhờ chư Thiên hoặc Tam Bảo gia hộ. Vậy có cõi mà họ không có sắc thân chăng?
Thưa Thầy! Nếu có thì họ có phải ở vào cõi siêu hình không Thầy?
Trong băng Thầy có nói mấy ông ở cõi Trời, nhìn xuống thế gian thấy khoa học hiện đại tạo đời sống tiện nghi hơn nhiều, nên họ cũng khoái xuống trần gian. Xin Thầy giải thích cho con hiểu rõ thêm ?

Đáp: Kinh Thập Nhị Nhân Duyên và kinh Pháp Môn Căn Bản đã xác định không có các cõi siêu hình (linh hồn), 33 cõi Trời toàn là các cõi tưởng tri[1] chứ không phải là cõi liễu tri[2], cho nên những kinh khác nói đến cõi Trời hoặc cõi Địa Ngục đều chỉ là nói đến cõi Tưởng ấm, cho nên nhiều người không hiểu tưởng là Đức Phật nói có cõi siêu hình thật sự. Đức Phật không bao giờ tự mâu thuẫn với mình, bài kinh Pháp Môn Căn Bản đã xác định rõ ràng, tất cả cõi Trời mà Đức Phật nói ra đều là cõi tưởng, cõi không có thật.

 Khi một người còn sống là có cõi hữu hình (hữu sắc) và có cõi siêu hình (vô sắc). Khi một người mất đi thì cõi hữu hình mất và cõi vô hình cũng mất luôn.

Trong kinh điển Phật dạy : Thiện là cõi chư Thiên, ác là cõi Địa ngục, dục là cõi nhân gian. Quý Phật tử hãy đọc tập 3 Đường Về Xứ Phật, Thầy đã giải đáp về thế giới siêu hình rất rõ ràng.

Chư Thiên và Tam Bảo không có gia hộ vì gia hộ là trái với luật nhân quả (phi đạo đức), nhưng người ta thường sống theo thói quen nên hễ làm một điều gì thành công thì bảo là chư Thiên hay là Tam Bảo gia hộ chứ sự thật thì không có ai gia hộ mình cả mà chỉ có công sức của mình và những hành động làm những điều thiện sống đúng trong đạo đức nhân quả, do nhân làm thiện nên quả phải thành công tốt đẹp, nếu nhân làm ác thì quả sớm muộn gì cũng phải gặp thất bại.  

Chư Thiên cũng chẳng có, cõi siêu hình cũng không có. Thầy nói mấy ông ở cõi Trời nhìn xuống thế gian…là nói mấy ông đi tu mà không dám bỏ dục lạc thế gian.

Như Thầy đã dạy ở trên: cõi Trời là cõi thiện, quý Thầy đang ở trong chùa tức là ở cõi thiện, cõi thiện tức là cõi Trời. Cõi Trời cơm ăn áo mặc rất đầy đủ không làm vẫn có ăn có mặc thế mà quý thầy còn chạy theo dục lạc thế gian ăn uống phi thời áo quần sang cả, chùa cao Phật lớn xe cộ đủ loại, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí ,v.v.. thế gian có vật gì thì trong chùa có vật nấy như vậy các vị có phải ở trên cõi Trời mà nhìn xuống thế gian sanh tâm ham thích không?

Có dịp Thầy sẽ giải thích thế giới siêu hình (linh hồn người chết) có hay không để các con không còn nghi ngờ. Bởi vì các hiện tượng siêu hình thường xảy ra chung quanh các con, nên làm sao người ta rõ được là không có thế giới siêu hình.

Trong việc tìm hài cốt liệt sĩ, linh hồn người chết về nhập đồng cốt để chỉ cho thân nhân tìm xương cốt, khiến cho người ta phải chấp nhận có linh hồn, mà đã có linh hồn thì phải có thế giới siêu hình, vấn đề này làm các nhà khoa học cũng điên đầu, nhưng đối với những vị tu sĩ Phật Giáo đã nhập Tứ Thánh Định vượt qua thế giới tưởng ấm thì họ mới xác định thế giới siêu hình đúng đắn giống như Đức Phật đã dạy: “Thế giới siêu hình chỉ là một thế giới của tưởng tri chứ không phải liễu tri”.

Cho nên Đức Phật dạy về thế giới cõi Trời là những người cũng sống trong cõi thế gian như chúng ta nhưng họ sống Thập Thiện, không sống trong Thập Ác.

Đạo Phật tính theo hành động đạo đức nhân quả thiện ác mà phân loại Phật, Trời, Người, A Tu La và tất cả các loài chúng sanh theo tiêu chuẩn như sau:
1/ Thế giới của chư Phật thì vô lậu.
2/ Thế giới của chư Thiên thì Thập Thiện.
3/ Thế giới của loài Người là dục giới và ngũ giới.
4/ Thế giới của A Tu La là sân và ác pháp.
5/ Thế giới của loài chúng sanh là ác pháp nhiều, thiện pháp ít.
6/ Thế giới của Địa Ngục là toàn ác pháp.

Trên đây là sáu cõi mà Đức Phật đã chỉ cho chúng ta rất cụ thể như:
1/ Người sống vô lậu là Phật.
2/ Người sống Thập Thiện là Trời.
3/ Người sống giữ gìn ngũ giới là Người.
4/ Người sống thường hay giận dữ là A Tu La.
5/ Người sống ác nhiều thiện ít là chúng sanh mang lốt người và tất cả loài chúng sanh.
6/ Người sống toàn ác là người ở cảnh giới Địa Ngục.

Sáu cõi trên đây không có cảnh giới nào là siêu hình cả. Nếu quả thật có cảnh giới siêu hình thì không phải để chúng ta hiểu, vì tri thức hữu hạn của chúng ta không cho phép chúng ta hiểu nó, thế giới đó nếu có thật sự thì chúng ta phải có trí vô hạn. Sanh ra làm người chúng ta không thể nào có trí vô hạn được, trí của chúng ta hiện giờ, đối với không gian thì bị ngăn sông cách núi, nên không thấy, không nghe, còn đối với thời gian thì bị chia cắt quá khứ hiện tại và vị lai, cho nên con người phải phát minh ra những loại máy để xử dụng thâu ngắn không gian và ghi nhớ để hạn chế bớt thời gian chia cắt.

Nếu Đạo Phật có cõi Trời thì Đạo Phật cũng bắt chước các tôn giáo khác mà thôi, đó là đúc từ khuôn mê muội và quá sợ hãi của loài người thời cổ, trước sự hùng vĩ của môi trường sống thiên nhiên.


[1] Tưởng tri là sự hiểu biết bằng tưởng thức, không rõ ràng, cụ thể, thiết thực, nói cách khác cho dễ hiểu, có nghĩa là ý thức không thấy, hiểu, biết được, nên phải  vận dụng tưởng thức tưởng tượng.
[2] Liễu tri là sự hiểu biết bằng ý thức rất cụ thể, rõ ràng, thiết thực, không mơ hồ, trừu tượng, ảo giác.


BẬC TU CHỨNG KHI NHẬP DIỆT CÓ DÙNG THA LỰC ĐỘ CHÚNG SANH KHÔNG?


Hỏi: Kính bạch Thầy, các bậc tu đạt đạo đã nhập diệt có thể thị hiện hoặc dùng tha lực để độ chúng sanh không?

Đáp: Các bậc tu chứng đã nhập diệt chỉ có thị hiện độ chúng sanh, không dùng tha lực, vì tha lực trái với Đạo Phật, trái với luật nhân quả.

Đạo Phật xây dựng giáo pháp của mình trên một nền tảng đạo đức nhân bản nhân quả, cho nên không thể nào dùng tha lực độ người được.

Đạo Phật là một tôn giáo có một nền đạo đức công bằng và công lý không có một tôn giáo nào có một nền đạo đức hơn được.

Vì thế cầu siêu, cầu an, tụng kinh, cúng bái, tế lễ, niệm Phật vẽ bùa đọc thần chú, v.v.. là của ngoại đạo, với việc làm này Đạo Phật được xem là việc làm phi đạo đức, tà nghiệp.

Đạo Phật là một tôn giáo dạy người phải tự lực cứu mình bằng những hành động đạo đức nhân quả có nghĩa là mình muốn được an vui hạnh phúc thì không nên làm những điều ác, những điều làm khổ mình khổ người và khổ muôn loài chúng sanh, nếu làm những điều ác khổ mình khổ người, dù có cầu Thánh, Thần, chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ thì cũng không bao giờ có một vị nào dám cứu độ cho một việc làm phi đạo đức như vậy. Cho nên Đạo Phật không có dùng tha lực cứu độ mà chỉ có thị hiện để dạy người sống có đạo đức và nhờ sống có đạo đức không làm khổ mình khổ người thì chính đó là đem lại sự an vui hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho mọi người, chứ không thể cầu ai cứu khổ cho mình được cả.

Tóm lại, Đạo Phật không có dạy cầu tha lực, cầu tha lực là không đúng của Đạo Phật mà đó là chịu ảnh hưởng của tà giáo ngoại đạo, chịu ảnh hưởng mê tín lạc hậu của dân gian.

Bậc A La Hán hoặc Phật thị hiện để độ chúng sanh là thể hiện những đức hạnh đạo đức không làm khổ mình khổ người, sống đúng một đời sống phạm hạnh ly dục ly ác pháp, không phạm phải một giới luật nhỏ nhặt nào, thường sống thiểu dục tri túc, chứ không có thể hiện thần thông hoặc trị bịnh trừ tà yểm quỷ, như các vị giáo chủ của ngoại đạo thường dùng những danh từ “cứu dân độ thế” những danh từ cứu dân độ thế là để lừa đảo thiên hạ.

Cho nên Đạo Phật chân chánh và Đạo Phật không chân chánh chúng ta rất dễ nhận ra, nhận ra là ở chỗ tha lực và tự lực; nhận ra là ở chỗ mê tín và không mê tín; nhận ra là ở chỗ đạo đức không làm khổ mình khổ người và không đạo đức thường làm khổ mình khổ người; nhận ra là ở chỗ giới luật nghiêm trì và không nghiêm trì giới luật, phạm giới, phá giới; nhận ra là ở chỗ cúng tế và không cúng tế ; nhận ra là ở chỗ thiểu dục tri túc và không thiểu dục tri túc; nhận ra là ở chỗ phòng hộ sáu căn và không phòng hộ sáu căn.

Vì công bằng công lý của đạo đức nhân quả nên các bậc tu chứng chỉ độ người bằng sự thị hiện để dạy đạo cho người ấy phải tự mình thắp đuốc lên mà đi chứ không dùng tha lực giúp họ được, dù bất cứ trường hợp nào, cho đến sự báo hiếu đối với cha mẹ cũng không dùng tha lực mà chỉ dùng duyên nhân quả để giúp cho cha mẹ hiểu rõ thiện và ác và không nên làm các điều ác luôn sống trong thiện pháp thì cha mẹ được an vui hạnh phúc, đó là độ cha mẹ giải thoát.


CỨU ĐỘ CHA MẸ KHI ĐÃ KHUẤT BÓNG


Câu hỏi của Diệu Tâm
Hỏi: Kính thưa Thầy! Người tu hành đắc đạo, khi cha mẹ đã qua phần lâu rồi, có độ được hay không?

Đáp: Khi tu xong đắc Tam Minh, dùng Thiên Nhãn Minh quan sát khắp cả Thế gian xem xét coi nghiệp lực cha mẹ mình đã sanh về đâu, biết được vị trí cha mẹ sanh ra và đang ở đó, nghiệp lực đó còn duyên hay đã hết duyên với mình, nếu đã hết duyên thì mình tạo duyên mới tức là gieo duyên để gặp lại cha mẹ, nếu còn có duyên cũ thì sớm muộn gì, nghiệp lực nhân quả sẽ đưa đẩy cha mẹ gặp lại mình dễ dàng nhưng lại sợ mình tu chưa chứng nên không làm sao nhận ra người được. Khi gặp nhau nghiệp lực nhân quả có sức thu hút tạo thành một thiện cảm. Nhờ đó, người tu chứng dùng lời lẽ hay dùng kinh sách để giúp cho người thân của mình hiểu thông  đạo đức nhân bản nhân quả làm người và tạo duyên hoặc khuyến khích độ cha mẹ tu hành thọ Bát Quan Trai và hằng ngày sống trong hành động ngăn ác diệt ác pháp để người thân của mình không tạo nhân ác luôn tạo nhân thiện. Đó chính là mình độ những người thân thương của mình có một đời sống với thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Nếu họ có duyên trong một đời nầy thì mình sách tấn họ trở thành những bậc xuất gia để tiến tới tu tập thiền định và Tam Minh chấm dứt sanh tử luân hồi, không còn tái sanh lại cõi thế gian này nữa.

Với việc làm này của một người tu chứng Tam Minh thì không còn khó khăn, chúng ta nhớ lại khi mẹ Đức Phật sanh Ngài ra chỉ trong vòng bảy ngày mẹ Ngài chết. Lúc bây giờ Đức Phật được người dì nuôi nấng cho đến trưởng thành đi tu và chứng đạo. Sau khi chứng đạo Ngài quan sát thấy nghiệp lực của mẹ sanh lên cõi Trời và mùa hạ năm đó Đức Phật đến cõi Trời để dạy mẹ mình tu hành, còn vua cha Đức Phật cũng hướng dẫn cha mình tu tập và sau khi chết được sanh lên cõi Trời.

Như vậy, mẹ của Đức Phật chết gần bốn chục năm, Ngài tìm được không mấy khó khăn và độ mẹ mình tu hành, trong kinh sách còn ghi lại rõ ràng. Nếu chúng ta nỗ lực tu hành khi chứng được Tam Minh thì không lý nào một người tu sĩ đệ tử của Đức Phật lại làm ngơ trước lòng hiếu hạnh của mình sao? Đạo đức của Đạo Phật dạy rất đầy đủ sự hiếu hạnh làm người. Làm người phải nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha, cha mẹ phải chịu biết bao nhiêu sự khổ cực để nuôi con lớn khôn, công ấy như trời biển, không sao kể hết được.

Những người không tu theo Đạo Phật họ còn có hiếu thay, huống là những người tu theo Đạo Phật thì lòng hiếu hạnh của họ phải còn gấp trăm ngàn lần. 

Những người tu theo Đạo Phật là những người biết thương mình thương người, vì Đạo Phật tu hành rất khó khăn, nếu ai không thương mình thương người thì không bao giờ tu được, bởi vì tu theo Đạo Phật không tựa nương vào oai lực của ai cả chỉ bằng sức lực của mình, nhất là đời sống của người tu sĩ Đạo Phật phải buông xả vật chất thế gian cho thật sạch thì mới có thể ly dục ly ác pháp được, mà có ly dục ly ác pháp thì mới gọi là thương mình thương người và chính vì vậy mà họ phải thương cha mẹ họ nhiều nhất, cho nên khi tu xong, họ liền quan sát tìm cha mẹ được sanh về nơi đâu rồi tìm mọi cách để độ cha mẹ, ngõ hầu đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục cao dày như trời, như biển.