Tuesday, October 22, 2013

PHÁP MÔN DẪN TÂM NHƯ LÝ TÁC Ý



Hỏi: Kính bạch Thầy, Pháp Hướng Tâm- Như Lý Tác Ý có lợi ích như thế nào? Xin Thầy giảng rõ cho chúng con được hiểu.

Đáp: Pháp Hướng Tâm có hai phần lợi ích và hiệu quả rất lớn cho những người tu tập theo Đạo Phật :
1- Giúp cho trí tuệ bén nhạy nhanh chóng trước các pháp ác.
2- Giúp cho tâm tạo ra một năng lực siêu việt không thể nghĩ lường.
3- Pháp hướng tâm là phương cách dẫn thân tâm vào chỗ giải thoát, ví như: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra, hoặc an tịnh tâm hành tôi biết tôi đưa tay ra, hoặc an tịnh tâm hành tôi biết tôi đưa tay vô”.
4- Pháp hướng tâm còn gọi là pháp huấn luyện tâm.
Như lời Đức Phật đã dạy trong Kinh và đã xác quyết pháp môn dẫn tâm là một bí quyết giúp chúng ta ly tham đoạn diệt mà không có pháp nào khác hơn: “Ta không thấy pháp nào khác” có nghiã không còn pháp nào khác hơn là pháp “Như Lý Tác Ý” .

Để minh chứng lời dạy này, chúng tôi xin trích ra một vài đoạn kinh, trong kinh Tăng Chi Bộ: “Ta không thấy một pháp nào, này các Thầy Tỳ Kheo, đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi và sân đã sanh được tăng trưởng rộng lớn, này các Tỳ Kheo, đó là đối ngại tướng trong tâm. Này các Thầy Tỳ Kheo, đối ngại tướng trong tâm, nếu không như lý tác ý sẽ đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi và sân đã sanh được tăng trưởng rộng lớn” .

Ở đây, Đức Phật đã xác định có tính cách quả quyết và nhất định một cách hùng hồn chỉ có pháp Như Lý Tác Ý làm sân đoạn diệt, nếu không có pháp Như Lý Tác Ý, thì không có pháp nào đoạn diệt được tâm sân.
Nếu muốn trừ tâm nghi, mà ta không dùng pháp Như Lý Tác Ý, thì sẽ không còn pháp nào diệt trừ tâm nghi được, nên Đức Phật dạy: “Ta không thấy pháp nào khác, này các Thầy Tỳ Kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi và nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng rộng lớn, này các Thầy Tỳ Kheo, nếu không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Thầy Tỳ Kheo, nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi và nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng rộng lớn” . 
 
Tâm tham dục cũng vậy, nếu không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì khó mà ly tham đoạn dục; nếu không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì khó mà thành tựu được Đạo giải thoát; nếu không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì khó mà thành tựu Thiền định; nếu không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì khó mà thực hiện được Tam Minh.
Bởi, thấy người tu Thiền định hiện giờ mà không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì biết họ tu tà Thiền, tà định không thể có quả giải thoát được. Do thế, ta mới biết được pháp môn Như Lý Tác Ý là một pháp môn có lợi ích rất lớn trên bước đường tu tập, nếu không có pháp môn này, con đường tu tập chỉ hoài công vô ích mà thôi.

Đối với những người muốn thực hiện lòng từ, bi, hỷ, xả mà không có pháp Như Lý Tác Ý, thì lòng từ, bi, hỷ, xả cũng không bao giờ có được, để minh chứng điều này Đức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Này các Thầy Tỳ Kheo, như từ tâm giải thoát chưa sanh không sanh khởi và từ tâm không đi đến tu tập viên mãn, này các Tỳ Kheo, không như lý tác ý. Nếu như lý tác ý, thời từ tâm chưa sanh được sanh khởi, và từ tâm sẽ được tu tập viên mãn”.

Để minh chứng một đoạn kinh Đức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ trang 31: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Thầy Tỳ Kheo, do pháp ấy các giác chi chưa sanh không sanh khởi, và các giác chi chưa sanh không đi đến tu tập viên mãn, này các Tỳ Kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Thầy Tỳ Kheo, các giác chi chưa sanh không được sanh khởi, và các giác chi không đi đến tu tập viên mãn” .

Qua những lời dạy của Đức Phật trên đây, quý Thầy và quý Phật tử đã thấy rõ giá trị của pháp Như Lý Tác Ý, là một pháp môn có tầm cỡ vĩ đại cho đường tu tập của quý vị. Nếu không có pháp môn này, thì không bao giờ quý vị ly tham đoạn diệt được tâm tham ưu của quý vị; nếu không có pháp môn này thì giới luật của quý vị không thể sống nghiêm chỉnh được; nếu không có pháp môn này thì Thiền định quý vị không thể nhập được và nếu không có pháp môn này thì Tam Minh chỉ là một danh từ suông, một ảo mộng thần thông của loài người.

Tóm lại, không có pháp Như Lý Tác Ý thì con đường tu tập của Đạo Phật, chỉ là một giấc mộng mà thôi.

(trích từ ĐVXP tập 1)