Thursday, November 4, 2010

BẬC PHI HÀNH BIẾN HÓA

Câu hỏi của Diệu Minh
Hỏi: Kính bạch Thầy, Chương I từ thân xuất gia tu hành bốn chân đế, chứng A La Hán, là bậc phi hành biến hóa (biến hóa tự tại) sống lâu vô cùng, ở đâu thì chuyển động cả đất trời ở đấy, như vậy có đúng không?

Đáp: Đoạn kinh này xác định bậc A La Hán như vậy là rất đúng, vì khả năng tu chứng của bậc A La Hán là một siêu nhân không thể lấy trí hữu hạn mà hiểu thấu năng lực siêu việt ấy được.
Vậy mà các Tổ dám dựng lên câu chuyện ông Ca Diếp và Ông Phú Lâu Na tranh chấp về sự việc bỏ những giới nhỏ nhặt để hạ bệ các bậc A La Hán đại đệ tử của đức Phật.

Đối với bậc A La Hán về việc bỏ những giới nhỏ nhặt mà ông A Nan quên hỏi Phật là bỏ những giới luật nào thì quá dễ. Chỉ cần hai vị A La Hán này nhập vào Niết Bàn hỏi Phật thì rõ ràng, có đâu mà lại tranh chấp hơn thiệt để mang tiếng là bậc A La Hán tư tưởng vẫn bất đồng nhau. Theo chúng tôi thiết nghĩ về vấn đề bỏ những giới nhỏ nhặt, điều đó không khó đối với ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na, chỉ có người sau không hiểu mới có câu chuyện vô lý này.

Như chúng ta đã biết từ giới luật mà sanh ra chư Phật và A La Hán, ngoài giới luật ra thì không có Phật và A La Hán. Vậy mà giới luật nào lại bỏ được. Giới luật là hành động đạo đức của chư Phật và A La Hán dù là giới luật nhỏ nhặt nhất nó cũng là hành động đạo đức làm người làm Thánh. Chỉ có những người không hiểu giới luật mới xem thường giới luật, để chạy theo dục vọng thế gian mới bày trò bỏ những giới nhỏ nhặt không hợp thời để tự tung, tự tác phá giới phạm giới bẻ vụn giới mà không ai dám chỉ trích chê trách phê phán họ.

Người muốn tu chứng quả A La Hán thì phải sống đúng giới luật tức là phạm hạnh của một vị Thánh Tăng, ngoài phạm hạnh của một vị Thánh Tăng ra thì không thể nào chứng quả A La Hán được.

Tóm lại bậc A La Hán là bậc siêu nhân như trong kinh đã dạy điều đó là đúng sự thật, chứ không phải như các Tổ hiểu theo trí hữu hạn, bậc A La Hán còn tranh chấp, chỉ có Phật mới là hết tranh chấp.
Bậc A La Hán là bậc vô lậu hoàn toàn họ thường sống trong tâm bất động, không có một ác pháp nào làm động tâm họ được. Họ là người ra khỏi tam giới, không còn bị qui luật nhân quả chi phối.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập X)

No comments:

Post a Comment