Câu hỏi của Nhật Lý
Hỏi: Trong kinh “Đại Bát Niết Bàn”, Phật dạy: “Này Ananda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ, có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết”. Đọc hai tập “Giới Đức Làm Người” của Thầy, dù với những giới nếu phạm thì “tội nhẹ”, con cũng không thấy giới nào “nhỏ nhặt và chi tiết”. Vậy thế nào là “những học giới nhỏ nhặt chi tiết” ?
Đáp: Lời dạy này là của các Tổ sau này đặt ra và xen vào kinh Phật để mạo nhận Phật dạy bỏ các giới nhỏ nhặt, để các vị có phạm giới phá giới thì bảo đó là những giới nhỏ nhặt vì thế tín đồ không phê phán được. Ý đồ của các Tổ là dẹp bỏ giới luật của Phật, nhưng không dẹp được nên phải tổ chức theo kiểu vết dầu loang để lần lượt phá sạch giới luật của Phật. Bằng chứng hiện giờ các con đi tìm một vị tu sĩ giới luật nghiêm chỉnh không bao giờ có.
Giới luật Phật giúp cho con người sống có đạo đức, thì còn có giới nào nhỏ nhặt không hợp thời? Giới luật là Thánh hạnh thì còn có giới luật nào mà lại bỏ được?
Trong khi đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử của mình: “Này các Tỳ kheo hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”. Trong đoạn kinh này cho chúng ta thấy người tu sĩ lấy giới luật làm sự sống của mình, nhất là câu; “thấy sự nguy hiểm trong các giới( lỗi) nhỏ nhặt”. Vậy giới nhỏ nhặt nào phải bỏ và giới nhỏ nhặt nào nguy hiểm trong đời sống tu hành.
Ở đây đức Phật có mâu thuẫn trong những lời dạy của mình chăng?
Đúng là các Tổ thêm vào để đánh lạc hướng: “Này Ananda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ, có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết”.
Giới luật giúp cho tâm chúng ta ly dục ly ác pháp, nhờ giới luật tâm không phóng dật, tâm không phóng dật tức là thiền định chứ không phải thiền định theo kiểu ngồi không vọng tưởng
Giới luật giúp ta nhập các định và thực hiện Tam Minh một cách dễ dàng không có mệt nhọc, không có khó khăn, như vậy thì có giới luật nào nhỏ nhặt mà bỏ được.
Thời nay người ta tu thiền và Tịnh độ mà giới luật thì dẹp qua một bên, vì thế tu từ đời này sang đời khác mà chẳng ra gì, chỉ có hình thức tu chứ có giải thoát được gì đâu. Các Tổ còn dựng lên câu chuyện Ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na tranh chấp về việc bỏ các giới nhỏ nhặt để hạ bệ các vị đại đệ tử A La Hán của đức Phật rằng chứng quả A La Hán vẫn chưa có giải thoát, vì tư tưởng bất đồng, đó là một mưu đồ diệt Phật giáo sâu sắc nhất của các giáo sĩ Bà La Môn.
Câu chuyện xảy ra sau khi đám tang đức Phật xong, ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na bất đồng ý kiến về việc bỏ những giới nhỏ nhặt, ông Ca Diếp nhất định không bỏ giới nhỏ nhặt nào cả vì ông A Nan không hỏi Phật kỹ giới nào bỏ giới nào lấy.
Ông Phú Lâu Na chấp nhận bỏ tất cả các giới nhỏ nhặt, hai người tranh cãi nhau.
Câu chuyện trên đây thật là vô lý:
1/ Hai vị A La Hán này đều do Giới luật mà thành quả A La Hán (Giới luật là mẹ sinh ra các vị A La Hán).
2/ Những vị A La Hán lậu hoặc đã diệt sạch thì không có lý do bất đồng ý kiến.
3/ Các vị A La Hán đều có đầy đủ Tam Minh sao không vào Niết bàn hỏi Phật bỏ giới nào lấy giới nào.
Câu chuyện trên do các nhà Đại Thừa đã bịa đặt để phá giới luật của Phật và để hạ bệ các vị đệ tử của Phật. Thật là một âm mưu sâu độc.
Tóm lại tất cả giới luật của Phật dù lớn hay nhỏ, dù khinh hay trọng, dù hợp thời hay không hợp thời đều không được bỏ một giới luật nào cả. Tại sao vậy?
Như ở trên đã nói giới luật là đức hạnh làm người làm Thánh, cho nên không có giới luật nhỏ nhặt lỗi thời, chỉ có những người phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới mới thấy nó lỗi thời.
Vì giới luật là người Thầy dẫn đường đưa lối cho chúng ta đi đúng lộ trình giải thoát của đạo Phật, ngoài giới luật ra không có một vị Thầy nào xứng đáng dẫn đường đưa lối cho chúng ta đến đích cứu cánh giải thoát như Phật được.
Vả lại “Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất”. Thời đại này được xem như Phật pháp đã mất, chỉ vì các thầy Tỳ kheo đã phạm giới, phá giới và bẻ vụn giới thì Phật pháp làm sao còn. Phải không quý vị?.
(ĐVXP tập X)
No comments:
Post a Comment