Tuesday, November 2, 2010

NIỆM TĂNG

 

Niệm Tăng như thế nào?
Nếu theo kinh sách của các nhà học giả Tổ sư Đại Thừa dạy: “Nam Mô Tăng” và cứ như vậy mà niệm thì dù có tu trăm muôn ngàn kiếp thì thân tâm này cũng chẳng thanh tịnh, Nam Mô Tăng như vậy là một pháp ức chế tâm khiến cho tâm bị dồn nén tham, sân, si, mạn, nghi, càng tu thì tâm này càng tham, sân, si dữ tợn khi gặp chướng ngại pháp.

Muốn tu pháp niệm Tăng cho đúng thì trước tiên phải chọn những vị Tăng nghiêm trì giới luật, Những vị Tăng nghiêm trì Giới luật là những vị sống thiểu dục tri túc, ba y một bát, sống không có chùa to Phật lớn, sống xa lìa những vật chất tiện nghi đầy đủ, sống không có ăn mặc sang đẹp, sống thường đi xin từng miếng mà ăn, sống không cất giữ tiền bạc của cải tài sản, thường lấy gốc cây làm giường nằm, sống ngày một bữa không có ăn uống phi thời.

Chọn được những vị Tăng như vậy chúng ta tôn kính những bậc này và xin họ làm Thầy. Từ đây chúng ta có ngọn đuốc soi đường, hằng ngày ta quan sát tư duy qua gương Thánh hạnh đạo hạnh của họ và chúng ta tập sống như họ, để biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, để biết đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, để biết thương yêu hòa hợp với mọi người, để biết chịu phần thiệt về mình luôn luôn bắt chước các đức hạnh của chúng Tăng, sống theo gương Thánh đức của chúng Tăng. Ngược lại những vị Tăng phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới thì chúng ta xem họ như những tu sĩ Bà La Môn không đáng cho chúng ta cung kính và cúng dường.

Tư duy quán xét những đức hạnh sống của chúng Thánh Tăng để lấy đó làm gương sống  tu tập ly dục ly ác pháp, đó mới chính là chúng ta niệm Tăng. Niệm Tăng như vậy có ích lợi cho mình cho người rất lớn sẽ không làm khổ mình khổ người; niệm Tăng như vậy thân tâm mới thanh tịnh; niệm Tăng như vậy mới gọi là niệm Tăng Bất Hoại Tịnh.

Đây là lời Đức Phật dạy chúng ta cách thức niệm Tăng:“Lại nữa này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử Thế Tôn này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở đời”. Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm chúng Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối, trong khi ấy tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào tùy niệm chúng Tăng.Và này Mahànàma, một vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến chúng Tăng. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ tâm được định tỉnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm chúng Tăng”. (Kinh Tăng Chi tập 3 trang 19).
vvvvv
(Trích Đường Về Xứ Phật tập II)
Mời các bạn đọc tiếp bài "Niệm Giới"

No comments:

Post a Comment