Thursday, February 10, 2011

TRÍ TUỆ VÀ GIỚI HẠNH

Trong kinh Sonadanda, Đức Phật đã xác định rằng tu về trí tuệ tức là phải tu về giới luật. Giới luật là đức hạnh của người tu sĩ, nếu không tu về giới luật thì chúng ta không có trí tuệ. Cho nên tu về trí tuệ tức là tu tập sống một đời sống phạm hạnh của một vị Thánh Tăng. Tu về trí tuệ không phải là ở chỗ học hỏi thông suốt Tam Tạng Thánh Điển hay có cấp bằng Tiến Sĩ Phật Học. 

Người nhập Sơ Thiền là người sống đúng phạm hạnh của một vị tỳ kheo đệ tử Phật. Người ấy không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật. Người ấy sống ba y một bát, ngày một bữa đi xin ăn, cuộc sống trầm lặng, độc cư, an tĩnh như mặt nước hồ thu. Người ấy là người phạm hạnh, là bậc Trưởng Lão, Thánh Tăng. Người ấy là người đức hạnh, thánh thiện vì đã ly dục ly ác pháp. Người ấy xứng đáng là Thầy của chúng ta, vì Đức Phật đã xác định: "Giới luật là Thầy của các vị tỳ khưu". Thế nên, người nào sống đúng giới luật là Thầy của chúng ta, dù người đó chỉ là một Sa Di, một cư sĩ. Còn ngược lại dù vị đó là một vị Tỳ Kheo, Thượng Toạ, Hoà Thượng, có hạ lạp cao, có học thức rộng, có thông suốt Tam Tạng Thánh Điển mà giới luật không nghiêm chỉnh thì không phải là Thầy của chúng ta.

Như trên đã nói, tu về trí tuệ tức là tu về giới luật, tu về giới luật tức là tu về Thiền Định. Vậy tu về thiền định tức là tu về trí tuệ, chứ không phải là thứ thiền định chăn trâu, kiến tánh thành Phật, đốn ngộ tiệm tu, hay là tham công án, thoại đầu hoặc luyện bùa, niệm chú, tụng kinh, niệm Lục Tự Di Đà, v.v... mà có thiền định.

No comments:

Post a Comment