Thầy sẳn sàng trả lời những câu hỏi của các con và minh họa những câu chuyện khiến cho câu chuyện trở thành phong phú những hành động nhân quả thiết thực, cụ thể hơn. Trước tiên Thầy xin trả lời những câu hỏi của KQ.
Hỏi: 1- Đức vượt qua nhân quả, đức làm chủ nhân quả, đức chấp nhận nhân quả, ba đức này có nghĩa là gì? Và có sự khác nhau như thế nào?
Ba đức này có ý nghĩa khác nhau.
Đáp I: - Đức vượt qua nhân quả có nghĩa là nhân quả đến mà không tác động được thân tâm chúng ta. Ví dụ: Có người mắng chửi chúng ta, chúng ta nghe thấy biết rất rõ ràng nhưng tâm chúng ta không có chút sân giận. Và cũng không phân bua phải trái với người ta, thường sẵn sàng giúp đỡ người mắng chửi mình khi họ gặp nhân quả xấu. Dưới đây là một câu chuyện vượt qua nhân quả: “HẠT GIỐNG LUỘC CHÍN”
“Ngày xưa tại một vương quốc nọ, có một vị vua anh minh luôn được mọi người yêu mến. Ngài luôn buồn rầu vì tuổi đã cao mà chưa có con để truyền ngôi. Một hôm vua nói với các quần thần: “Ta phải đích thân đi tìm một đứa trẻ thật thà làm con nuôi để sau này có người kế vị”. Thế rồi vua truyền lệnh phát cho những đứa trẻ trong toàn vương quốc một số hạt giống và tuyên bố: “Nếu ai trồng được một chậu hoa đẹp nhất từ những hạt giống này, người đó sẽ được thừa kế ngôi báu”. Tất cả trẻ con đều hăm hở đem hạt giống về trồng, ngày đêm chăm sóc. Trong số đó có một cậu bé cũng chăm chỉ chăm sóc cho hạt giống nhưng mãi không thấy hạt giống nảy mầm. Cậu còn thay đổi đất trong chậu nhưng vẫn không thấy kết quả. Ngày dâng hoa cho vua xem đã đến, tất cả mọi đứa trẻ đều mang những chậu hoa rực rỡ của mình tới trước cung điện, vua đi xem khắp một lượt nhưng trên nét mặt không hề có chút vui tươi. Bổng vua nhìn thấy lẫn trong đám đông có một đứa trẻ tay bưng một chiếc chậu không, với nét mặt buồn thiu. Vua lại gần hỏi vì sao thì cậu bé òa khóc lên và kể lại cho vua nghe việc mình trồng hoa như thế nào mà hạt giống không nảy mầm. Cậu còn nói đây có thể là sự trừng phạt vì cậu đã từng ăn trộm táo ở vườn nhà người láng giềng. Nhà vua nghe xong rất đổi vui mừng. Ngài kéo cậu bé vào lòng và nói: “Đây chính là cậu bé thật thà của ta”. Mọi người thấy vậy ngạc nhiên hỏi: “Tại sao nhà vua lại chọn một đứa trẻ đưa chậu hoa không tới để kế thừa ngai vàng vậy?”. Nhà vua mỉm cười đáp: “Hạt hoa giống ta giao cho mỗi đứa trẻ đều là những hạt giống bị luộc chín!”. Nghe xong lời của nhà vua, những cậu bé bưng trên tay những chậu bông rực rỡ đều xấu hổ, mặt đỏ và cúi đầu im lặng”.
Câu chuyện trên đây chỉ cho chúng ta vượt qua nhân quả. Vượt qua nhân quả chỉ có LÒNG THÀNH THẬT mà thôi, câu chuyện trên đây tuy đơn sơ nhưng rất thấm thía cho cuộc đời mà con người hay phạm và lỗi lầm này. Theo đức Phật dạy: “Nhân quả chỉ có vượt qua”, mà vượt qua nó bằng ĐỨC THÀNH THẬT. Cho nên mình làm điều gì ác hay thiện chỉ có đức thành thật thì sẽ vượt qua mọi nhân quả ác thiện. Quí vị nên nhớ lời Phật dạy này: “Đứng lại thì chìm xuống. Tiến tới thì trôi dạt. Chỉ có vượt qua”.
*********
Làm chủ nhân quả tức làm lợi ích cho người khác, vì thế ai cũng làm như vậy là đã làm chuyển đổi nhân quả ác trở thành nhân quả thiện. Từ cảnh giới Địa ngục để trở thành cảnh giới Thiên đàng chỉ có hành động làm lợi ích cho người, đừng vì lợi ích cho mình. Đây là một câu chuyện làm chủ nhân quả: “THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC”
“Có một người đi tham quan Thiên đàng và Địa ngục. Trước tiên anh ta tới Địa ngục. Ở đó anh ta thấy một cảnh tượng lạ lùng: Trước mắt mọi người có rất nhiều món ăn ngon, nhưng không ai ăn được. Cho dù họ ngồi bên bàn rượu, nhưng người nào cũng còn da bọc xương, mặt mày ủ rũ.
Anh lại phát hiện ở cánh tay phải mỗi người buộc một cái đĩa, cánh tay trái buộc một con dao, chuôi dao và đĩa dài độ 4 phân, làm cho họ không thể nào ăn được, vì vậy mà ai cũng bị đói.
Tiếp đó anh ta lại đến Thiên đàng. Cảnh tượng ở đây cũng chẳng có gì khác, chuôi dao và đĩa cũng dài 4 phân, nhưng những cư dân Thiên đàng đều ca hát, nói cười vui vẻ.
Anh ta nghi hoặc nhưng cuối cùng cũng tìm ra được câu trả lời. Đó là ở Địa ngục mọi người đều muốn gắp cho mình ăn, vì thế mà không ai ăn được, còn ở Thiên đàng thì mọi người đều gắp cho người ngồi đối diện với mình và cũng được người ngồi đối diện gắp lại, vì vậy mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau nên ai nấy đều có thể ăn uống rất vui vẻ.”
Đọc câu chuyện này quí vị nghĩ sao về nhân quả? Nếu mọi người hiểu biết về nhân quả thì nên sống vì mọi người, sống vì mọi người thì cuộc sống của chúng ta là Thiên đàng quý vị ạ! Sống vì mọi người rất hạnh phúc, tại sao vậy? Vì mọi người có an vui thì sự an vui của mình mới lâu dài.
Nhìn lại cuộc sống của chúng ta hiện giờ như thế nào? Hầu hết mọi người chỉ biết nói nhân quả nhưng chưa thật sống với nhân quả. Cho nên cuộc sống của loài người trên thế gian là Địa ngục, vì con người chỉ biết sống vì mình, chớ không vì người khác, vì vậy mà sự xung đột và chiến tranh thường xảy ra khắp trên thế giới không nước này thì nước khác. Đó là sống phi nhân quả nên loài người phải chịu mọi khổ đau cũng chính nhân quả mình làm mình chịu.
**********
“Có một người đánh cá bắt được một con rùa biển. Ông ta đối xử với nó như con của mình. Thế nhưng con rùa biển không ăn uống và cũng không động đậy. Lúc nào nước mắt nó cũng giàn giụa.
Con rùa van xin người đánh cá và nói: - Trái tim tôi ở biển cả, nơi đó có nhà của tôi, có niềm vui của tôi. Xin ông hãy thả tôi ra.
Nhưng người đánh cá không thể thả nó được bởi vì ông rất yêu nó. Một thời gian sau, thấy con rùa yêu quý của mình ngày càng tiều tụy, người đánh cá đau lòng, và quyết định thả nó về với biển.
Một năm sau, vào một ngày nọ, bỗng nhiên ông ta nghe có tiếng gõ cửa, mở cửa ra ông thấy đó chính là con rùa mà ông thả.
Người đánh cá liền hỏi: - Con đã có hạnh phúc rồi, lại còn trở lại đây làm gì?
Con rùa liền đáp: “Hạnh phúc của tôi là do ông mang lại, tôi không thể quên ơn đó.”
Người đánh cá nói: “Thôi con đi đi, chỉ cần con hạnh phúc là được rồi, từ sau không cần phải đến thăm ông nữa.”
Con rùa biển lưu luyến không muốn rời xa ông. Và một tháng sau người đánh cá thấy con rùa quay lại.”
Đức chấp nhận nhân quả tức là LÒNG YÊU THƯƠNG. Ở đâu có lòng yêu thương là ở đó có sự chấp nhận nhân quả. Cho nên chúng ta chấp nhận nhân quả vì chúng ta yêu thương mình, yêu thương người, yêu thương tất cả chúng sinh và ngay cả hoàn cảnh xảy ra chúng ta vẫn yêu thương.
Hỏi 2: Đức vượt qua nhân quả có phải là đức làm chủ nhân quả hay không?
Đáp: Không, đức vượt qua nhân quả và đức làm chủ nhân quả Thầy đã giảng ở trên, nó không phải là một đức. Để Thầy chứng minh thêm đức nhân quả vượt qua bằng một câu chuyện buông xả: “Thổ dân Phi Châu có một tuyệt chiêu vô cùng thông minh khi đi săn khỉ đầu chó. Họ để thức ăn mà Khỉ thích, đặt vào miệng một cái bình lớn và đề cho khỉ đầu chó núp ở chỗ xa nhìn thấy. Khi họ đi xa rồi thì khỉ đầu cho vui mừng nhảy tới, dùng tay thò vào bình, quặp lấy thức ăn, nhưng do miệng bình rất nhỏ, khi tay của nó nắm thành nắm thì rất khó rút ra, lúc bấy giờ người thợ săn chỉ việc bình tĩnh đến bắt con vật, mà không lo nó bỏ chạy. Do khỉ đầu chó không thể bỏ thức ăn khoái khẩu của mình, nên càng sợ hãi và vội vàng nắm chặt lấy thức ăn, và càng không thể rút tay ra khỏi miệng bình.
Có người nghe câu chuyện liền thốt lên: “Thật là tuyệt diệu”. Chiêu này tuyệt ở chỗ con người đem tâm lý của mình suy xét tới các loài động vật khác. Kỳ thật con khỉ đầu chó chỉ cầu buông tay ra là nó có thể thoát, thế nhưng nó lại nhất định không chịu buông tay ra. Chính điều này cho ta thấy rằng, con khỉ đầu chó giống con người, cũng có thể nói người giống khỉ đầu chó. Cử chỉ của khỉ đầu chó là một bản năng không ý thức, không rời nó được, mà con người nếu như giống khỉ đầu chó chỉ nhìn thấy lợi mà không thấy hại. Chết không buông tay, đó chỉ có thể trách họ u mê không tỉnh ngộ.
Người xưa nói: “Lùi một bước trời cao biển rộng”. Người thất tình chỉ cần chấp nhận quên người đã bỏ mình thì đâu đến nổi làm cho bản thân hồn siêu phách lạc, lòng dạ băng giá. Người thất nghiệp chỉ cần từ bỏ cách lựa chọn nghề cứng nhắc của mình mà thay đổi thì đâu đến nỗi suốt ngày ủ rủ, trách trời trách người đây? Con bạc chỉ cần buông tha ý nghĩ may rủi thì đâu đến nỗi tiền đi không trở lại, khuynh gia bại sản? Con nghiện chỉ cần tránh xa chất gây nghiện thì đâu đến nỗi thân tàn ma dại? người hối lộ, người phá kỷ cương chỉ cần chấp nhận từ bỏ chữ “tiền” thì đâu đến nỗi phải vào tù, thậm chí mất mạng”
Câu chuyện trên đây để xác định được đức vượt qua bằng đức buông xả, nhờ có buông xả mà vượt qua nhân quả. Bản chất con người không buông xả, do không buông xả mà con người phải chịu vô cùng khổ đau.
Tất cả các pháp đều vô thường, nên chúng là khổ đau, vì thế ai biết buông xả là người thoát khổ, còn ai không biết buông xả thì khổ đau không bao giờ dứt. Người tu theo Phật giáo cũng chỉ có việc buông xả mà chứng đạo.
Con người ở đời rất là u mê, chết không mang theo vật gì, vậy mà sống thì ôm đồm không dám buông xả cứ khư khư giữ chặt, cho nên chịu khổ là phải. Vậy mà ở đây có người tu hành lại phóng dật thưa hỏi lung tung. Sao không biết buông xả xuống đi để thân tâm được giải thoát trong trạng thái tâm bất động, chỉ được im lặng một chút xíu là thưa hỏi Thầy lăng xăng, đó không phải là phóng dật sao?
Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng còn chi lại nữa.
Vạn sự vô thường buông xuống đi!
Bốn câu kệ này là lời nhắc nhở mọi người tu hành cần phải buông xả thế mà quý vị có buông xả đâu cứ thưa hỏi điều này thế kia để huân tập thêm sự hiểu biết, sự hiểu chỉ là cái tủ đựng kinh sách rộng tếch chẳng có ích lợi gì.
Sợ các con không biết buông xả cho nên Thầy dạy thêm một bài kệ nữa nói lên phương pháp tu tập nhưng nào ngờ các con có tu tập chỗ nào đâu, cứ phóng dật lung tung thưa hỏi những điều vớ vẫn, nên ngậm im miệng lại để nó mốc meo thì may ra mới chứng đạo. Nếu thấy tu không được, tâm phóng dật thì về trông nôm con cháu, nhà của còn có ích lợi hơn.
Tác ý đi, hãy tác ý đi!
Bất động, thanh thản, chẳng sầu bi.
Tác ý đi, còn lo chi nữa.
Giải thoát đây rồi, tác ý đi!
Buông xuống tất cả các pháp tức là vượt qua xin các con hãy ghi nhớ khắc trong lòng mà cố gắng tu tập buông xả đừng nên mượn cớ này cớ khác để hỏi Thầy là các con bị tâm mình lừa gạt phá hạnh độc cư để thỏa mãn tâm phóng dật.
Một lần nữa Thầy xin nhắc lại các con BUÔNG XUỐNG TẤT CẢ thì ngay liền tâm BẤT ĐỘNG, đó là giải thoát của Phật Giáo. BẤT ĐỘNG là VƯỢT QUA NHÂN QUẢ các con có hiểu chưa?
No comments:
Post a Comment