Saturday, January 15, 2011

CHƯA ĐỦ DUYÊN XUẤT GIA


Hỏi: Kính bạch Thầy, hoàn cảnh của con (Thạch) thật khó khăn, con muốn về VN tu tập, nhưng ai cũng can gián, cho rằng chưa chắc người ta để yên cho con tu. Bây giờ thì con hết mơ xuất gia ở TV Trúc Lâm, mặc dù con đã được HT Thanh Từ hứa khả. Con muốn tu theo pháp môn của Thầy, nhưng thức dậy lúc 2 giờ sáng thì con làm chưa được. Với lại, như lời Thầy dạy, chưa xả tâm, chưa ly dục ly ác pháp mà đòi giải thoát luân hồi sanh tử là điều khó thực hiện. Con hiện không có bị gia duyên ràng buộc, liệu con tu theo Thầy và cô Ut có được không ? Hay là như một số người khuyên con, “ráng gieo duyên để kiếp sau tu sớm hơn thì được, bây giờ tu rốt ráo chưa được đâu”.

Xin Thầy từ bi chỉ dạy. Từ khi trở qua Mỹ, 3 tháng nay con tu tập theo pháp môn của Thầy. Nhưng không có ai nuôi cơm, không có chùa để ở. Chùa còn phải tìm cách thu hút Phật tử đến cúng dường, và tu hành không đúng pháp Phật. Cuối cùng con đành phải đi dạy học lại mà trong lòng rất tiếc những ngày tháng được thong dong, an lạc tu tập xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp. Con đã nhận lời dạy ban đêm (kể từ ngày 19- 6- 2000), nên ban ngày và buổi công phu khuya con còn giữ được. Con nhớ lời Thầy dạy là: “người cư sĩ cũng có thể tu hành như người tu sĩ xuất gia”. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con. Con định hè năm 2001 thì con về tu viện Chơn Như tu học một tháng. Từ nay đến đó con sẽ cố gắng chuẩn bị thân tâm để có theo kịp các huynh đệ bên nhà.

Đáp: Về vấn đề tu hành của con, con là người Việt Nam trở về quê cha, đất tổ để tu hành, làm sáng tỏ lại Phật Giáo Việt Nam, làm rạng rỡ Tổ Tiên nòi giống dân tộc Việt Nam, như những bậc chân tu Việt Nam dám ăn dám nói thẳng sự thật mà các con đã biết.

Ở đây con nên tự xét lòng con có quyết tìm tu giải thoát hay không? Nếu có thật lòng quyết tìm tu giải thoát và quyết tâm dựng lại một nền đạo đức nhân bản – nhân quả làm người của Phật giáo có lợi ích rất lớn cho loài người trên hành tinh này mà nó đã bị dìm mất từ lâu. Khi có quyết tâm như vậy thì ngăn sông cách núi không phải là một việc khó mà khó là ở chỗ lòng con chưa quyết tâm. Thầy chấp nhận những người quyết tìm tu giải thoát cho mình và làm lợi ích cho người, cho Phật giáo thì dù cho hoàn cảnh có khó khăn nào, có đến đâu Thầy cũng tìm mọi cách giúp cho người đó tu hành đến nơi đến chốn.

Đức Phật đã dạy: “Được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển, nhưng gặp được chánh pháp còn khó hơn”. Lời dạy này con cứ suy ngẫm sẽ thấy rất đúng. Mất thân rồi khó tìm được thân con ạ! Gặp pháp tu hành giải thoát cũng không phải dễ, nhưng con nên nhớ đạo đức nhân bản của đạo Phật không cho phép chúng ta làm khổ mình khổ người nhất là những người thân thương của mình vì đó là duyên nghiệp nhân quả phải trả mà phải trả trong thiện pháp, trong đạo đức làm người, chứ không được làm khổ nhau trong ác pháp, làm khổ nhau trong ác pháp thì trả vay không bao giờ hết.

Cho nên chúng ta đi tu không có quyền làm khổ người, nhất là những người thân thương của mình trong gia đình. Từ khi có đạo Phật xuất hiện trên đời này, đạo đức nhân bản làm người có mặt, thì sự cắt ái ly gia là một điều quan trọng, nhưng cắt ái ly gia như thế nào mà không làm khổ mình khổ người thì mới được đức Phật chấp nhận. Nó thuộc về ái kiết sử. Trong thất kiết sử, ái kiết sử là khó đoạn dứt nhất, dứt ngang thì nghiệp nhân quả không tròn.

Khi vào chùa tu sống độc cư một mình thì mới thấy nghiệp nhân quả ái kiết sử là khó dứt, trốn nó thì dễ, dứt nó thì khó, chỉ có làm hết bổn phận đạo đức nhân quả thì ái kiết sử đoạn lìa. Nhưng không phải vì cớ đó mà chúng ta không có đường tu, chính vì lý do đó mà đức Phật dạy chúng ta thọ Bát Quan Trai Giới và hằng ngày trong chiếc áo của người cư sĩ áp dụng đạo đức không làm khổ mình khổ người, nếu chúng ta thành tựu đạo đức không làm khổ mình khổ người thì chúng ta đã ly dục ly ác pháp và vì vậy mà ái kiết sử đã bị đoạn dứt.

Người ly dục ly ác pháp là người có đầy đủ phước vô lậu nên khi tâm họ khởi muốn xuất gia tu hành thì mọi người thân thương trong gia đình đều hoan hỷ và tán thán ca ngợi hạnh xuất gia của họ, họ ra đi với lòng hân hoan của mọi người tiễn đưa một bậc Thánh nhân mà người trong gia đình ai cũng nhận thấy qua hành động đạo đức của người này đã từng sống với mọi người. Với chiếc áo người cư sĩ, tu xả tâm không có gì khó đâu. Các đối tượng là chướng ngại pháp, nó đến với chúng ta đó là điều kiện để chúng ta diệt ngã xả tâm đẩy lui các chướng ngại pháp, như đức Phật đã dạy tu tập Định Vô Lậu, còn bình thường tâm không có ác pháp thì chúng ta nên nhớ rèn luyện pháp hướng tâm để cho tâm có một đạo lực, đạo lực ấy sẽ giúp chúng ta nhập các định sau này còn hiện giờ nó là pháp dẫn tâm chúng ta thường sống thanh thản, an lạc và vô sự.

Hiện giờ con đang sống bên Mỹ, đừng đến các chùa tu hành không đúng pháp đâu sẽ làm con mất thì giờ vô ích. Mỗi tháng con nên chọn một hoặc hai ngày thọ Bát Quan Trai tức là tập sống như đức Phật, ăn ngày một bữa, không nghe ca hát, không nằm giường cao rộng lớn, không trang điểm, sống độc cư trầm lặng một mình, những hành động sống này là tập hạnh giải thoát.

Thời gian tu tập con thấy thích sống như vậy tức là trong một đời này con sẽ tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, còn con không thấy thích thì kiếp này tu chưa xong. Trong những ngày thọ Bát Quan Trai sống trầm lặng độc cư mà tâm con không phóng đật, tâm thường tự nhiên định trên hơi thở thì con hãy trở về Việt Nam lập tức gặp Thầy để Thầy trực tiếp hướng dẫn nhập các định và Tam Minh. Trong hoàn cảnh nào mà người quyết tâm tu hành tìm sự giải thoát thì hoàn cảnh nào tu hành cũng tốt, có thì giờ rảnh lúc nào thì chúng ta tu ngay lúc ấy dù là một phút cũng đừng phí bỏ rất uổng.
“Tấc bóng thời gian một tấc vàng,
Tấc vàng tìm được không gì khó
Tấc bóng thời gian khó hỏi han”.

Các con đều đã lớn tuổi hết rồi, năm tháng còn lại quá ít, phải tinh cần ly dục ly ác pháp, thường đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm và đừng quên rèn luyện “pháp như lý tác ý”. Một lần nữa Thầy xin nhắc lại: “các con đừng quên, thường nhắc tâm: “Tâm như cục đất phải lìa tham, sân, si cho thật sạch”. Đó là những điều cần thiết mà các con phải hằng tu tập rèn luyện từng phút từng giây, tự thắp đuốc lên mà đi thì ngay đó là Niết bàn của các con, các con đừng tìm đâu xa, đừng nghe lời lừa đảo của kẻ khác mà hãy tin tưởng, xưa kia đức Phật đã thành tựu cũng do pháp này, ngày nay trong sáu tháng Thầy cũng thành tựu nơi pháp ấy.

Từ lâu các con đã tu theo thiền theo kinh sách phát triển nó đã trở thành thói quen hãy cố mà bỏ xuống, tu tập lại 5 hơi thở đi kinh hành một vòng, nếu sức các con khỏe thì nên tu nhiều một chút, còn sức khỏe các con kém thì nên tu ít lại một chút, tu như thế nào mà cảm giác toàn thân tâm được thanh thản, an lạc chứ không phải tu mà làm khổ thân tâm của mình quá mệt nhọc thì đó là tu sai, tu mà còn làm khổ mình thì không đúng.

Ví dụ: ngồi thiền hai chân đau quá mà cứ ráng ngồi chịu đau đó là tu sai. Các con nên nhớ pháp của đức Phật không tu thì thôi mà đã chấp nhận tu là có thanh thản, an lạc, vô sự, nhẹ nhàng giải thoát ngay liền trong đời sống hiện tại, đó là một sự xác chứng cụ thể của đạo Phật “Pháp của Ta thiết thực không có thời gian đến để mà thấy…”

Sau cùng Thầy có lời thăm và chúc cả gia đình của các con được an vui mạnh khoẻ, chúc các con tu tập xả tâm tốt.
Kính thư (ĐVXP tập IX)

No comments:

Post a Comment