Saturday, January 15, 2011

TU ĐỊNH VÔ LẬU TRÊN BỐN CHỖ THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP NHƯ THẾ NÀO ?


Hỏi: Kính bạch Thầy, khi tu Định Vô Lậu, phải dùng tâm tư duy, quán xét bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Xin Thầy dạy rõ hơn về cách hành.

Đáp: muốn tu tập Định Vô Lậu, ở đây Thầy chỉ thẳng không giải thích lòng vòng. Bắt đầu vào tu, con ngồi kiết già hoặc ngồi bán già lưng thẳng hoặc ngồi trên ghế thường hoặc đi kinh hành hoặc làm mọi việc, tuy đi, đứng, nằm, ngồi hoặc làm mọi việc con nên để ý bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp của con, nếu trên bốn chỗ này có xảy ra chướng ngại pháp thì con nên quán xét chướng ngại pháp đó rồi dùng pháp hướng đẩy lui ra khỏi bốn chỗ này, khi chướng ngại pháp đã được đẩy lui ra khỏi thân tâm thì ngay đó thân tâm con được giải thoát. Thân tâm con được giải thoát tức là vô lậu, vô lậu tức là thân tâm con thanh thản, an lạc và vô sự.

Tu Định Vô Lậu tức là quán xét như thế nào để cho tâm ham muốn và các ác pháp lìa xa khỏi thân tâm của con khiến cho thân tâm con không còn phiền não đau khổ nữa. Cách tu hành dễ nhất của nó như Thầy đã dạy ở trên.

Ví dụ: Ngồi quan sát trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp giống như người lính gác bốn cửa thành như sau:
1- Thấy thân yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.
2- Thấy tâm yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sư thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.
3- Thấy thọ yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến no.
4- Thấy pháp yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.

Cảm giác trên bốn chỗ này thấy rất rõ như vậy thì cứ để tự nhiên cho nó, có nghĩa là để cho nó tự nhiên thanh thản, an lạc và vô sự, đó là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật tức là tâm vô lậu.

Khi tu tập quán Tứ Niệm Xứ còn thấy thân tâm cảm nhận chướng ngại pháp:
1- Trên thân, thọ có pháp ác đến, nghĩa là con có cảm giác như: đau, nhức, ngứa, mỏi mệt, tê, nóng, rát trên thân v.v.. . thì con nên quán xét mà đẩy lui nó ra khỏi thân con. Vậy đẩy lui bằng cách nào ? Khi con ngồi kiết già chân bị tê, đau nhức hay nóng con muốn đẩy lui chướng ngại pháp đó thì con hãy đứng dậy đi kinh hành tức khắc đau tê nhức được đẩy lui, tức là con trở về trạng thái thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
2- Trên tâm thọ có ác pháp đến, nghĩa là trong tâm con có một niệm khởi, niệm khởi ấy đem đến cho con một sự phiền não, một sự lo lắng, một sự buồn khổ v.v… cho đến một niệm tào lao chẳng ích lợi gì tuy nó không làm cho tâm con buồn khổ, phiền não, nhưng nó cũng làm cho tâm con mất thanh thản, an lạc và vô sự, vì vậy con cần phải đẩy lui tất cả để tâm con trở về trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự thì mới đúng cách thức tu tập. Ở đây con phải hiểu có nghĩa là con tu tập đẩy lui như thế nào mà tâm con tự nhiên không phóng dật. Tâm con tự nhiên không phóng dật là con đã đi hết hai phần ba đường của Đạo giải thoát
3- Trên Pháp thọ có ác pháp đến, có nghĩa là con đang sống một mình và đang quan sát thân, tho, tâm, và pháp của con thì có một người bạn đến nói chuyện, thì con phải hiểu đó là ác pháp đến với con, khiến con mất đi trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, nếu con thích nói chuyện với người bạn đó hoặc con tùy thuận nói chuyện để khỏi mất lòng bạn bè, thì trong cuộc đời tu hành của con không mạnh dạn quyết tâm đẩy lui các chướng ngại pháp đó thì dù con có tu ngàn đời muôn kiếp cũng chẳng bao giờ giải thoát được, vì đó là duyên để tâm con phóng dật, mà tâm còn phóng dật thì chẳng bao giờ hết lậu hoặc, tâm không hết lậu hoặc thì làm sao tâm hết tham, sân, si được, tâm không hết tham, sân, si thì làm sao có thiền định được.
4- Thọ thân, thọ tâm, thọ pháp như thân thọ tâm pháp ở trên đã dạy đều có ác pháp đến xâm chiếm vào thân tâm con thì con cũng quán xét đẩy lui để tâm con luôn luôn sống trong thanh thản, an lạc và vô sự.

Tóm lại chỉ có hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, lúc nào, thời gian nào đều phải quan sát trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp mà đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó, để bảo vệ chân lý. Khi nào các chướng ngại pháp không còn tác động đến bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp, là con đã thành tựu viện mãn sự tu hành của con. Chừng đó con đã chứng đạt chân lý, có nghĩa là lúc nào con cũng sống với tâm bất động mà không một chướng ngại nào tác động được. Đến đây con đường tu tập của con đã hoàn thành “Sanh đã tận phạm hạnh đã thành, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
(ĐVXP tập IX)

No comments:

Post a Comment