Hỏi: Kính bạch Thầy, Có lúc hơi thở sao quá nhẹ, tưởng chừng như nó không có tựa vào đâu cả, có lúc con lại cảm thấy làm biếng không muốn thở nữa, mặc dù biết ngưng thở là mình sẽ chết. Nhưng không biết tại sao con lại thích muốn ngưng thở. Xin Thầy chỉ dạy cho.
Đáp: “Hơi thở quá nhẹ tưởng chừng như không tựa vào đâu cả”, đó là con đã rơi vào trạng thái “tưởng tức”, hãy xả bỏ ngay liền, đứng dậy đi kinh hành vì tu như vậy là tu lạc đường.
Hằng ngày cố gắng mà xem xét bốn chỗ “thân, thọ, tâm, pháp” (Tứ Niệm Xứ) có chướng ngại pháp hay không? Nếu không thì tâm con sẽ thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm con nó rất tự nhiên định vào thân con mà không bị ức chế tập trung, nó định như thế nào? Khi nó không phóng dật theo các pháp trần bên ngoài. Vậy nó đang biết cái gì? Nó đang biết hơi thở bình thường và hơi thở đó rất bình thường không có một chút gì thay đổi, vì nó không bị ức chế.
Nếu hơi thở có thay đổi là do con gom tâm tập trung trong hơi thở, do gom tâm tập trung vào hơi thở nên con rơi vào tưởng tức, thành ra tu sai, các con tu tập nên lưu ý điều này.
Khi nào tâm không phóng dật là lúc bấy giờ tâm định trên hơi thở. Tâm định trên hơi thở tức là tâm không những chỉ biết hơi thở mà còn cảm nhận được toàn thân giống như đề mục Định Niệm Hơi Thở dạy: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Đó là tâm định trên thân. Tâm định trên thân tức là tâm đang quán thân như trong kinh Tứ Niệm Xứ đã dạy: “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu”. Khi tâm đang quán thân thì tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là chứng đạt chân lý. Vì thế đức Phật đã tuyên bố: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Người tu hành đến đây là xong mong quý vị lưu ý.
(ĐVXP tập IX)
No comments:
Post a Comment