Saturday, January 15, 2011

MINH

Hỏi: Kính bạch Thầy, sách Đường Về Xứ Phật tập VI, Thầy có giải nghĩa “Minh” có từ giới luật, và có đoạn ông Bàn Đặc tối tăm dốt nát, sau khi được Phật dạy tu hành, chứng quả A La Hán thông suốt tam tạng kinh điển, như vậy thời Phật tại thế có kinh điển sao?. Và sao Thầy lại bảo quý Thầy đọc các bộ kinh Nguyên Thủy cũng như kinh sách phát triển để khi có ai hỏi để biết trả lời. Theo con nghĩ Thầy nên quán xét và độ họ tu nhanh giải thoát xong là cái gì là không biết ? Con thắc mắc xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Nói về “Minh” thì các nhà kinh sách phát triển hiểu “Minh” có nghĩa là sự hiểu biết một cách rộng rãi bao la mà không cần học cho nên câu chuyện ông Châu Lợi Bàn Đặc là một câu chuyện bịa đặt của các nhà phát triển.

Ông Châu Lợi Bàn Đặc trong kinh Nguyên Thủy là người tối tăm học bốn câu kệ mãi mà không thuộc, khi chứng quả A La Hán, ông thể hiện thần thông biến ra vô số ông Bàn Đặc ngồi khắp trong rừng, còn kinh sách phát triển nói: khi ông chứng quả A La Hán, liền thông suốt Tam Tạng kinh điển lên đàn thuyết giảng. Trong kinh Nguyên Thủy chúng ta còn tin vì khi ông Châu Lợi Bàn Đặc chứng quả A La Hán thị hiện thần thông còn kinh sách phát triển chúng ta không tin là vì thời đức Phật chưa có Tam Tạng kinh điển thì lấy gì gọi là thông suốt.

Người ta hiểu lầm ý nghĩa “trí tuệ” của đạo Phật, tưởng khi tu chứng đạo là thông suốt cả tam thiên đại thiên thế giới, cái gì cũng hiểu tất cả, điều đó là sai. Đức Phật đã xác định: “Nếu bảo rằng Ta hiểu biết tất cả là có nói láo trong Ta”. (lời dạy này trong kinh Tăng Chi) Khi tu chứng là có sự hiểu biết không làm khổ mình khổ người; là có sự hiểu biết đạo đức nhân bản làm người. Sự hiểu biết đó có mục đích giải quyết sự đau khổ của con người chứ không phải là sự thông suốt vũ trụ cái gì cũng biết. Nếu tu chứng mà biết như vậy có ích lợi gì hay biết như vậy để đi ra tranh luận hơn thua cao thấp với mọi người?

Đức Phật nói: “Trí tuệ đâu là giới luật đó, giới luật đâu là trí tuệ đó”, (kinh Trường Bộ) giới luật tức là đức hạnh, vậy chỗ nào có đức hạnh chỗ đó có trí tuệ, đức hạnh và trí tuệ được gắn liền với nhau. Trí tuệ thông suốt Tam tạng kinh điển chưa hẳn là trí tuệ đức hạnh. Kinh điển phát triển phần nhiều có những bài kinh dạy mê tín trừu tượng mơ hồ và phi đạo đức v.v… Như vậy người thông suốt Tam Tạng kinh điển chưa hẳn là người có “Minh”. Minh của đạo Phật có nghĩa là sự hiểu biết không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Ở đây Thầy khuyên đệ tử đọc kinh sách Nguyên Thủy cũng như kinh sách phát triển là để:
1- Thấu rõ âm mưu thâm độc của Bà La Môn Giáo đã, đang và hiện tại diệt Phậtgiáo bằng những danh từ chấn hưng đạo Phật.
2- Biết rõ pháp môn nào của Phật giáo và pháp môn nào không phải của đạo Phật.
3- Khi có người cật vấn nếu không đọc hai loại kinh sách này thì biết đâu mà trả lời cho đúng. Vì Minh của đạo Phật không có nghĩa là trí tuệ hiểu biết sự tào lao (tam tạng kinh điển của Bà La Môn), minh của đạo Phật là trí tuệ hiểu biết để làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi. Thầy xin nhắc lại một lần nữa, khi đức Phật tu chứng Ngài nói: “Nếu Ta nói Ta hiểu biết tất cả trong thế gian này là có nói láo trong Ta”

Kinh sách phát triển dựa vào lời nói của đức Phật: “Ta dạy cho các Tỳ Kheo như nắm lá cây trong lòng bàn tay và Ta tu chứng như rừng lá cây”, nghe câu nói này, những người không hiểu biết về Phật giáo nên nghĩ tưởng rằng: đức Phật tu chứng đạo là biết tất cả mọi việc trong tam thiên đại thiên thế giới cái gì cũng biết. Do sự hiểu sai này nên mới bịa ra câu chuyện ông Châu Lợi Bàn Đặc u tối, nhưng khi tu chứng quả A La Hán thì thông suốt Tam Tạng kinh điển, đó là một điều nói láo của kinh sách phát triển. Nói không đúng sư thật mà không khéo léo để ló đuôi nên người đời sau thấy rõ. Phật còn tại thế đâu có kinh sách. Vậy mà tu chứng là thông suốt tam tạng kinh điển thì thật là nói láo không sách vở. Trong sách Đường Về Xứ Phật Thầy nêu câu chuyện ông Châu Lợi Bàn Đặc để gợi ý cho Phật tử hỏi, do đó mới có nhân duyên vạch trần sự lừa đảo thêm bớt của kinh sách phát triển để mọi người rõ hơn.
(ĐVXP tập IX)

No comments:

Post a Comment