Hỏi: Kính thưa Thầy, câu
“không chống đối va chạm”, va chạm là như thế nào? Nếu sống riêng một mình,
không tiếp xúc, không va chạm thì tu hành có được không?
Trong cảnh động muốn tránh va chạm thì phải sống như
thế nào? Có phải giữ gìn thân, khẩu, ý hay không?
Đáp: “Không chống đối va
chạm” không có nghĩa là sống một mình.
Không chống đối tức là nhẫn nhục; không va chạm tức
là tùy thuận.
Sống chung đụng với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận
là sống không chống đối va chạm.
Giữ gìn thân, khẩu, ý tức là tu tập hạnh nhẫn nhục,
tùy thuận và bằng lòng.
Nếu sống riêng một mình không chống đối không va
chạm với ai thì tu hành dễ dàng không khó, nhưng phải hiểu rõ các pháp tu và
còn phải biết cách tu tập cho đúng pháp, chỉ cần tu sai một tí là lọt vào thiền
ức chế tâm rất là nguy hiểm, hoặc sống không đúng cách cũng có thể rơi vào sự
ức chế tâm.
Cho nên sự tu hành có va chạm, có chống đối thì ít
bị ức chế tâm. Tại sao vậy?
Tại vì có đối tượng nên thấy được tâm mình còn tức
giận hay hết tức giận rõ ràng. Nếu thấy được tâm mình còn phiền não giận hờn
hay tức tối thì cố gắng xả ly đẩy lui các chướng ngại pháp đó để tâm được thanh
thản, an lạc, còn nếu không đẩy lui các
chướng ngại pháp đó mà cứ để trong tâm ôm ấp, đó chỉ là những người chưa biết
cách tu, người chưa học đạo đức làm người, người còn vô minh, ngu si, dại dột
cứ để ôm ấp sự đau khổ đó trong lòng, người không trí tuệ thường sống ngược lại
với người biết tu, người có trí tuệ đạo đức nhân bản nhân quả, họ chẳng ngu gì mà
để ôm ấp sự đau khổ trong tâm như vậy, họ luôn luôn sáng suốt và nhất định dù
một giây một phút cũng không để ác pháp trong tâm.
Trong cảnh động muốn tránh va chạm thì phải sống
phòng hộ khẩu hành, nghĩa là phải giữ gìn miệng lưỡi, không được nói chuyện phiếm,
chuyện tào lao, chuyện người khác, không có ý kiến trong tất cả mọi việc, ai
làm gì mặc họ, mình chỉ biết giữ gìn tâm và ý của mình lúc nào cũng thanh thản,
an lạc, vô sự, ngoài chuyện thanh thản, an lạc của tâm, nhất định mình không để
ý chuyện gì khác như lời Đức Phật đã dạy: “Chuyện mình, mình biết chuyện người,
người hay”. Biết chuyện người thì tâm bất an tức là tâm phóng dật, biết chuyện
mình là để xả tâm ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là tâm thanh thản, an
lạc, đó là một trạng thái tâm giải thoát không còn khổ đau tức là tâm không
phóng dật, tâm không phóng dật tức là tâm thiền định.
Người tu hành mà sống đúng cách, biết phòng hộ sáu
căn, giữ gìn tâm ý không tham dự vào chuyện của ai cả thì người ấy sống độc cư
trọn vẹn. Sống độc cư mà không ức chế tâm đó là đời sống của con tê ngưu một
sừng. Suốt ngày gặp mọi người mà không ai tác động được vào tâm tư của mình đó
là sống độc cư. Có nhiều người hiểu độc cư là trốn tránh né mọi người, riêng ở
trong cảnh một mình không dám gặp ai hết như lúc Đức Phật tu tập hạnh độc cư
của ngoại đạo. Ngài ở trong một khu rừng hoang vắng hễ thấy bóng dáng có người
là Ngài trốn chạy chưa từng để cho ai gặp mình cả, đó là độc cư ức chế tâm.
Tóm lại, sống chung với mọi người nhưng không nói
chuyện với ai cả, ai hỏi thì trả lời, không hỏi thì không kiếm chuyện nói, sống
mà cứ lo giữ gìn tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự, đó là độc cư, độc bộ,
độc hành, đó là im lặng như Thánh. Suốt ngày sống với mọi người mà chỉ có một
mình, sống như vậy không bao giờ có va chạm, đó là sống phòng hộ sáu căn giữ
gìn tâm ý. Người sống được như vậy thì sự tu hành không bao lâu sẽ thành đạt,
nghĩa là người ấy sẽ đạt được Thiền Định và Tam Minh một cách dễ dàng không mấy
khó khăn và mệt nhọc.
Bởi vậy, người biết sống độc cư như vậy là người tu
đúng pháp, không bao giờ sợ sai pháp. Sống độc cư được như vậy tức là đã biết
ôm pháp tu hành, lúc nào cũng không lìa pháp, vì thế tâm hồn họ thanh thản, an
lạc và vô sự, đó là một trạng thái giải thoát của người tu theo Đạo Phật.