Tuesday, May 29, 2012

TỈNH THỨC LỢI ÍCH GÌ ?


Hỏi: Kính thưa Thầy ! Tu tập sức tỉnh thức có ích lợi như thế nào?

Đáp: Sức tỉnh thức, có lợi ích rất lớn cho đường tu tập như:

1- Có tỉnh thức, mới sáng suốt sống được chánh niệm.
2- Có tỉnh thức, mới ở trong chánh niệm và chánh niệm mới hiện tiền.
3- Có tỉnh thức, mới phá được hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không.
4- Có tỉnh thức, mới tịnh chỉ ngôn ngữ.
5- Có tỉnh thức, mới thấy được nhân quả.
6- Có tỉnh thức, mới ly được lòng ham muốn.
7- Có tỉnh thức, mới ly các ác pháp.
8- Có tỉnh thức, mới giữ tứ diệt tầm được.
9- Có tỉnh thức, mới tịnh chỉ tầm tứ.
10- Có tỉnh thức, mới xả được 18 loại hỷ tưởng.
11- Có tỉnh thức, mới xả được mộng tưởng.
12- Có tỉnh thức, mới xả được âm thanh.
13- Có tỉnh thức, mới tịnh chỉ được hơi thở, xả thọ và các hành.
14- Có tỉnh thức, mới tu Tứ Như Ý Túc.
15- Có tỉnh thức, mới hướng tâm đến Tam Minh.

Toàn bộ giáo trình của Đạo Phật, quan trọng nhất, là tập luyện tâm tỉnh thức, có được tâm tỉnh thức mới đạt được Niết Bàn cứu cánh giải thoát.

   Tỉnh thức như thế nào ?.

Người tu tập theo Đạo Phật, lúc mê biết mình mê, là tỉnh thức, lúc tỉnh biết mình tỉnh, là tỉnh thức.
Tâm mình tham, biết tâm mình tham, là tỉnh thức; tâm mình sân, biết tâm mình sân, là tỉnh thức; tâm mình phiền não, biết tâm mình phiền não, là tỉnh thức; tâm mình khởi niệm ác, biết tâm mình khởi niệm ác, là tỉnh thức; tâm mình lo rầu, biết tâm mình lo rầu, là tỉnh thức.
Đi, mình biết mình đi là tỉnh thức.
Ăn, biết mình đang ăn là tỉnh thức. Đó là bước đầu mấu chốt sự tu tập giải thoát  của Đạo Phật.

Tu tập tỉnh thức có nhiều phương cách khác nhau:
1- Định Niệm Hơi Thở, là phương cách tỉnh thức trong hơi thở, để ly tham đoạn diệt khắc phục tham ưu .
2- Định Vô Lậu, là phương cách tỉnh thức trong quán xét suy tư để xả bỏ dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu .
3- Định Sáng Suốt, là phương cách tỉnh thức để phá hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không, cơ thể mệt nhọc và căng thẳng.
4- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, là phương cách tỉnh thức trong mọi hành động, để ngăn ác diệt ác pháp .
5- Định Sơ Thiền, là phương cách tỉnh thức ly dục ly ác pháp .
6- Định Diệt Tầm Giữ Tứ, là phương cách tỉnh thức trong tác ý hướng tâm khắc phục tham ưu.
7- Định Diệt Tầm Diệt Tứ, là phương cách tỉnh thức giữ tâm yên lặng, bất động để làm chủ sự vô thường.
8- Định Tam Thiền, là phương cách tỉnh thức vượt qua mọi trạng thái tưởng.
9- Định Ly Hỷ Trú Xả, là phương cách tỉnh thức trong giấc ngủ xả mộng tưởng.
10- Tịnh chỉ âm thanh, là phương cách tỉnh thức giữ tâm vắng lặng.
11- Tịnh chỉ các thọ, là phương cách tỉnh thức giữ tâm vắng lặng vượt qua thọ để tịnh chỉ hơi thở.
12- Tịnh chỉ hơi thở và các hành trong thân, là phương cách tỉnh thức giữ tâm vắng lặng toàn thân tâm bất động.

Những phương pháp trên đây, dùng để tu tập tỉnh thức, sống không làm khổ mình khổ người tức là làm chủ được mình. Đức Phật đã xác định sự tu tập tỉnh thức, có lợi ích rất lớn, trên bước đường giải thoát của Đạo Phật, Ngài dạy: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn, khỏi các khổ ách đưa đến chánh niệm tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú đưa đến chứng ngộ qủa minh và giải thoát.  

Một pháp ấy là gì?. Chính là Thân Hành Niệm. Đây là một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, nếu pháp ấy được tu tập được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn, khỏi các khổ ách đưa đến chánh niệm tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 88, bài 2-8) .

Đoạn kinh trên đây, đã xác chứng sự tỉnh thức, là một sự quan trọng rất lớn trên bước đường tu theo Phật Giáo, nó giúp cho chúng ta thành tựu viên mãn giải thoát và làm chủ thân tâm cho nên, Đức Phật đã xác định chỉ có một pháp này. “Có một pháp” tức là không có pháp thứ hai. Do lời dạy này, chúng ta mới biết rõ kinh sách Đại Thừa là kinh sách lừa đảo dối gạt chúng ta và bảo rằng: “Đạo Phật có tám mươi bốn ngàn pháp môn”. Thật là xảo trá, chỉ có các Tổ Bà La Môn mới nói như vậy.

Muốn cho thân tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp không còn đắm nhiễm, dính mắc thì chúng ta phải tu tập tỉnh thức.

Để làm sáng tỏ điều này Đức Phật dạy: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập được làm cho sung mãn, thân được khinh an, tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần đi đến tu tập làm cho viên mãn. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm…” (Tăng Chi Bộ Kinh, Tập1 trang 89). Nếu chúng ta muốn tỉnh giác ngăn ác, diệt ác pháp, thì cũng phải tu tập tỉnh thức trong thân hành niệm. Nhờ có tu tập tỉnh thức trong thân hành niệm, thì thân tâm của chúng ta mới có thanh thản và an lạc: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập được làm cho sung mãn, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi và các ác pháp đã sanh bị đoạn tận. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 89, bài 13).

Nếu chúng ta có sức tỉnh giác, để các pháp thiện chưa sanh, được sanh khởi và các pháp thiện đã sanh, được tăng trưởng thì cũng phải tu tập tỉnh thức trong thân hành niệm, thì thân tâm của chúng ta mới có thanh thản, an lạc và giải thoát: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập được làm cho sung mãn, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, các pháp thiện đã sanh được đưa đến tăng trưởng, quảng đại. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm”.

Nếu chúng ta muốn có minh sanh khởi, và vô minh được diệt trừ, ngã mạn được đoạn tận cùng các tùy miên được nhổ sạch và các kiết sử bị đoạn tận, thì phải tu tập tỉnh thức nơi thân hành của chính mình như Đức Phật đã dạy: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập được làm cho sung mãn, vô minh được đoạn tận, minh sanh khởi, ngã mạn được đoạn tận, các tùy miên được nhổ sạch, các kiết sử bị đoạn tận. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm…” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 90, bài 16-21) .

Nếu chúng ta muốn chứng quả Dự Lưu, chứng quả Nhất Lai, chứng quả Bất Lai và chứng quả A La Hán, thì không có một pháp nào khác hơn, là pháp tỉnh thức nơi thân hành niệm của chính chúng ta, nó sẽ giúp chúng ta đạt được như ý nguyện. Phật dạy: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo được tu tập được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự Lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A La Hán. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm…” .

Bởi, sự tu tỉnh thức trong thân hành niệm quan trọng như vậy, đối với Đạo Phật nó là một pháp tu tập duy nhất đạt đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn, không còn có một pháp thứ hai nào nữa. Thế mà, kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ dạy chúng ta tu mọi pháp, nào là Niệm Phật cầu vãng sanh, nào là tụng kinh, trì chú, cúng bái, tế lễ, sám hối lạy hồng danh chư Phật, chư Bồ Tát, hoặc ngồi thiền ức chế tâm bằng những pháp môn Chăn Trâu, Tham Thoại Đầu, Tham Công Án v.v… Nhưng cuối cùng, chẳng có ai thành tựu viên mãn chỉ đem lại một hy vọng ảo huyền.

Đức Phật cũng đã xác định, nếu ai không tu tỉnh thức thân hành niệm, thì chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh,chết: “Những vị này, không hưởng được bất tử, này các Tỳ Kheo, là những vị không thực hiện Thân Hành Niệm. Những vị hưởng được bất tử, này các Thầy Tỳ Kheo, là những vị thực hiện Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 91, bài số 47-48).

Xem thế, chúng ta mới biết tỉnh thức lợi ích biết là dường nào, cho sự tu tập giải thoát con đường của Đạo Phật.

Bởi nó, là pháp môn quan trọng hàng đầu của Đạo Phật, nếu không có pháp môn này thì pháp Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý cũng không có kết quả trong sự tu tập.