Hỏi: Kính thưa Thầy, Thầy
và quý Thầy tu nhập Định Tứ Thiền có phải như một A La Hán trong thời Đức Phật không?
Phật và A La Hán khác nhau như thế nào?
Đáp: Người nhập xong Tứ
Thiền, chứng Tam Minh là bậc A La Hán như trong thời Đức Phật còn tại thế. Phật
và A La Hán không khác nhau chỗ tu hành và giải thoát. A La Hán chỉ khác Phật
là chỗ Đức Phật là Giáo chủ, người sáng lập ra Phật Giáo.
Bởi vì Đức Phật cũng tu từ Giới, Định, Tuệ mà được
giải thoát, các bậc A La Hán cũng tu từ pháp môn này mà thành tựu, cho nên sự
viên mãn giải thoát phải giống như nhau.
Khi tu hành giải thoát rồi thì người nào cũng như người nấy.
Chúng ta trở lại thời quá khứ của Đức Phật trong khi
Ngài từ bỏ các pháp môn của ngoại đạo để tu Tứ Thánh Định và Tam Minh, nhờ giáo
pháp này mà Đức Phật đã chứng đạo giải
thoát, các đệ tử của Người cũng nhờ giáo pháp này chứng quả A La Hán.
Tứ Thánh Định và Tam Minh tức là Giới, Định, Tuệ, vì
trong bốn thiền có giới và định, Sơ Thiền thuộc về Giới ly dục ly ác pháp do ly
dục sanh hỷ lạc, Nhị Thiền diệt tầm tứ do định sanh hỷ lạc, Tam Thiền ly hỷ
tưởng và Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở, ba loại thiền này thuộc về định, còn Tam
Minh thuộc về tuệ.
Xin quý vị đọc lại bài kinh Saccaka sẽ thấy Đức Phật
tu tập Sơ Thiền cho đến Tam Minh và thành tựu viên mãn đạo giải thoát: “Rồi này Aggivessana,
Ta suy nghĩ: “Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu
kinh khủng như thế này, Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua”. Rồi này Aggivessana,
Ta ăn tô thực, ăn cơm chua trở lại. Này Aggivessana, lúc bây giờ năm Tỳ Kheo
hầu hạ Ta suy nghĩ: “Khi nào Sa Môn Gotama chứng pháp, vị ấy sẽ nói cho chúng
ta biết”. Này Agivessana khi thấy Ta ăn thô thực, ăn cơm chua, các vị ấy chán
ghét Ta, bỏ Ta và nói: “Sa Môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn
trở lui đời sống sung túc”.
“Này Agivessana, khi
Ta ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục ly pháp bất thiện, chứng và
trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Này
Agivessana như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối
tâm Ta. Diệt tầm và tứ chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ do định
sanh không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Agivessana, như vậy lạc thọ
khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả chánh
niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú,
chứng và trú Thiền Thứ Ba. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta,
được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc xả khổ diệt hỷ ưu đã cảm thọ
trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ không lạc xả niệm thanh tịnh. Này
Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối
tâm Ta”. Đến đây, Đức Phật đã nhập xong bốn Thiền, tức là Đức
Phật đã thực hiện được Giới và Định.
Sau khi Đức Phật thực hiện xong Giới và Định thì
Ngài tiếp tục thực hiện Tam Minh: “Với tâm định tỉnh thuần tịnh trong sáng, không cấu
nhiễm, không phiền não nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy, Ta
dẫn tâm, hướng tâm đến Túc Mạng Minh Ta nhớ đến các đời sống quá khứ… Ta dẫn
tâm hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh, Ta với thiên nhãn thuần
tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh…Ta dẫn tâm đến Lậu tận trí Ta
biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ...”
Sau khi tu chứng xong, tâm Đức Phật sẽ an trú trong
định nào ? Chúng ta sẽ nghe Đức Phật trả lời: “Này Agivessana, sau khi chấm dứt buổi
thuyết giảng như vậy, Ta an trú nọi tâm, làm cho tịnh chỉ, làm cho nhất tâm,
làm cho định tỉnh trên định tướng thứ nhất ấy, và như vậy Ta sống an trú,
trường cửu, vĩnh viễn”.
Sau khi chứng đạo giải thoát, Phật và các bậc A La
Hán đều giải thoát an trú giống như nhau cả, không có sự giải thoát trong Phật
Giáo có cao, có thấp. Không có sự tu hành giải thoát lừng chừng mà phải giải
thoát tận gốc (Vô Lậu) và sự giải thoát lừng chừng là chưa giải thoát.
Ví dụ: Một người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh mà
không nhập định thì giới luật đó chỉ là ức chế tâm chứ chưa phải giải thoát,
cũng như một người nhập Tứ Thánh Định mà không thực hiện Tam Minh thì cũng chưa
được gọi là giải thoát, đó là ức chế tâm.
Bởi, Đạo Phật có một lớp vô lậu giải thoát mà thôi,
không thể có hai ba lớp vô lậu, vì thế ai tu vô lậu là giải thoát, ai tu không
vô lậu là không giải thoát. Người tu vô lậu là bậc A La Hán nên Phật cũng là A
La Hán mà thôi, vì thế Phật và A La Hán không khác nhau.