Monday, October 18, 2010

ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ


Câu hỏi của Từ Tuệ.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Vị Minh sư tỏa sáng đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có tâm ly dục trở nên trong sáng sẽ được hưởng ánh sáng nhiều và ngược lại.
Đáp: Vị Minh sư luôn tỏa ánh sáng trí tuệ đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có đủ duyên với Phật pháp, nên khi gặp được ánh sáng trí tuệ đó, liền đặt trọn lòng tin kiên cố ở vị Minh sư, nhiệt tâm thực hiện lời dạy của Người, sống đúng, tu tập đúng, nhờ đó tâm ly dục ly ác pháp. Ngày ngày tâm trở nên trong sáng hơn và thụ hưởng áng sáng trí tuệ đó nhiều hơn.
Ánh sáng trí tuệ Phật luôn luôn tỏa khắp trong không gian, như không khí mà quý vị đang hít thở, nếu quý vị khởi một niệm thiện pháp thì ánh sáng đó trở thành trí tuệ của quý vị, tức là quý vị đang hành động một đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người.
Vì thế kẻ nào sống trong thiện pháp biết ngăn ngừa ác pháp, là đang sống trong trí tuệ của Phật, trí tuệ của vị Minh sư, ngược lại sống không biết ngăn ác, diệt ác pháp, sống phạm giới, phá giới là sống xa lìa trí tuệ Phật, không hưởng được ánh sáng của vị Minh sư, tức là sống xa lìa sự giải thoát của đạo Phật.
Phật lúc nào cũng sống bên chúng sanh, còn chúng sanh thì lúc nào cũng sống xa Phật. Tại sao vậy?
Vì chúng sanh thường sống trong ác pháp, còn Phật thì sống trong thiện pháp. Nếu chúng sanh biết sống trong thiện pháp thì đó là trở về với Phật, còn chúng sanh sống trong ác pháp, là xa lìa Phật, dù muốn gần Phật cũng không được, dù hết lòng cầu khẩn cũng không được.
Cho nên đạo Phật rất đơn giản nhưng người không biết tu tập sai pháp như: ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, bắt ấn, đọc thần chú, bái sám, lạy hồng danh chư Phật, cầu an, cầu siêu, v.v... đều là những việc làm đi ngược lại với Phật giáo. Gây tạo ra nhiều màu sắc mê tín, dị đoan, ảo giác, trừu tượng...Phần nhiều sống trong ảo mộng. Xét lại, tất cả các tôn giáo hiện có mặt trên hành tinh này đều có sự giống nhau, không rơi vào hình thức mê tín này, thì lại rớt vào hình thức mê tín khác. Đó là vì chịu ảnh hưởng chung trong một bối cảnh siêu hình của tưởng tri.
Vì thế, khi đức Phật nhập diệt các tu sĩ ngoại đạo cố gắng lồng thế giới siêu hình vào đạo Phật, để biến Phật giáo giống như các tôn giáo khác, để dễ bề chúng phát triển thế giới siêu hình.
Nếu đạo Phật giẫm lại lối mòn của các tôn giáo khác, thì đạo Phật không còn ý nghĩa tự lực của đạo giải thoát nữa.
Nhìn chung toàn bộ kinh sách Đại Thừa đều là một kho giáo lý góp nhặt những tưởng tri của các nhà triết học tôn giáo và thế tục.
Lý luận, nghe rất siêu, nhưng áp dụng vào đời sống con người thì ích lợi không bao nhiêu mà tai hại thì rất nhiều.

(Đường Về Xứ Phật tập III)
vvvv

No comments:

Post a Comment