Saturday, October 16, 2010

LẠT MA TÂY TẠNG CÓ PHẢI LÀ PHẬT GIÁO KHÔNG*?

Hỏi: Kính bạch Thầy, tại sao các vị A La Hán không tái sanh để tùy duyên hóa độ chúng sanh như các Lạt Ma Tây Tạng? Trong một số phim sách mà con được xem, ở Tây Tạng vẫn có một vài tu viện mà giới luật và sự tu tập cũng rất nghiêm túc. Kết quả là họ cũng có một số vị chủ động được cái chết và sự tái sanh, chứng tỏ sức tỉnh thức của họ cũng rất mạnh mẽ và phải chăng họ cũng làm chủ được sanh tử? Mật Tông phần lớn là bùa chú mê tín, tuy nhiên với cái nhìn của đạo Phật đánh giá các vị Lạt Ma này như thế nào?

 Đáp: Cái nhìn của Phật giáo đối với các nhà sư Tây Tạng là cái nhìn huyễn hóa của những nhà ảo thuật chứ không đem lại sự lợi ích thiết thực cho đại đa số con người trên hành tinh này, tại sao vậy? Vì những người thực hiện được như các nhà sư Tây Tạng thì quá hiếm, hằng tỷ tỷ người trên hành tinh này mà chỉ được một hai người. Cho nên những pháp này chẳng có ích lợi thiết thực gì cho con người, chỉ tạo thêm sự đau khổ cho họ vì lòng tham muốn những điều này (thần thông ký thuyết và huyễn hóa).

Giáo pháp này không xây dựng cho loài người một nền đạo đức nhân bản, vì nền đạo đức nhân bản sẽ đem lại lợi ích chung cho con người trên hành tinh này, hơn là những bùa chú thuật tạo ra những trò huyễn ảo tái sanh luân hồi, biết tiền kiếp.

Biết tiền kiếp như các nhà sư Tây Tạng có ích lợi gì cho ai, ngay cả bản thân của họ hay chỉ là một trò lừa đảo người để phổ cập giáo pháp Mật Tông khắp toàn cầu Đạo Phật không làm điều đó, vì đức Phật và các vị A La Hán đệ tử của Ngài có thừa khả năng, làm việc đó, mà không cần đến bùa chú thuật như các nhà sư Tây Tạng.

Đạo Phật lấy đạo đức nhân bản nhân quả xây dựng cho con người có một đời sống Thánh thiện, tạo cảnh sống thế gian thành cảnh giới Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, chứ không mơ mộng theo lối mòn của các tôn giáo khác xây dựng một cảnh giới hư ảo dù bất cứ nơi đâu.

Đạo Phật sống thực tế, tu tập trong thực tế, không sống trong hư ảo, tu tập trong hư ảo, chấp nhận những gì có ích lợi cho mình cho người, không chấp nhận những gì có hại cho mình cho người, không chấp nhận những trò hư ảo huyễn giả hý luận. Những trò huyễn ảo của các nhà sư Tây Tạng để khoe khoang sự tái sanh luân hồi, biết tiền kiếp của mình khiến cho thiên hạ phục lăn, nhưng các con xét thấy có ích lợi gì không?

Vì không ích lợi cho nên Thầy trò đức Phật không thấy có ai làm điều này. Trong kinh sách nói về tiền thân đức Phật là người sau bịa đặt chứ đức Phật đã dạy: ‚Nếu Ta nói một điều mà người khác không thấy, không nghe, không biết thì có nói láo trong Ta‛. Lời dạy này chứng tỏ đức Phật không bao giờ nói về tiền kiếp của mình. Nói về tiền kiếp tức là dùng thần thông ký thuyết, mà thần thông ký thuyết là một trò huyễn ảo, mà đạo Phật không bao giờ chấp nhận, mà không chấp nhận tức là có nghĩa lý gian xảo lừa đảo trong đó.

Các vị Lạt Ma đứng trong góc độ năng lực làm chủ sự sống chết thì có, nhưng đứng trong góc độ lìa tham đoạn ác pháp thì chưa, vì vậy còn thực hiện những trò ảo thuật lừa đảo không ích lợi thiết thực cho con người.

Có người bảo rằng nhờ thực hiện những thần thông này là tạo duyên để độ chúng sanh. Điều này sai, bởi vì thực hiện thần thông là tạo cho tâm người ta không hướng đến chánh đạo, vì chánh đạo là phải gợi tâm người hướng về chánh đạo, chứ đã gợi người ta về tà đạo làm sao lôi người ta về chánh đạo được.

Cũng như hệ phái Phật giáo lấy sự mê tín của dân gian gợi ý cho người ta theo đạo mình, từ đó người ta theo kinh sách phát triển là theo sự mê tín chứ không còn biết kinh sách phát triển có đúng của Phật giáo hay không? Người ta tu theo Mật Tông Tây Tạng là người ta ham thích thần thông chứ người ta đâu biết đạo lý làm người là như thế nào để mọi người sống được an vui giải thoát.

Người ta tu theo đạo Phật vì đạo đức của đạo Phật là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả làm người thường đem lại lợi ích cho mình cho người nên không còn làm khổ đau cho nhau nữa, chứ không phải người ta tu theo đạo Phật để được chư Phật gia hộ tai qua nạn khỏi bệnh tật tiêu trừ; người ta tu theo đạo Phật không phải để ngồi thiền thấy tánh thành Phật, hay được vãng sanh về cõi Cực Lạc, Niết Bàn v.v...

Từ ban đầu tu sai thì cuối cùng vẫn là tu sai và khi đã tu sai thì rất là khó sửa. Những tôn giáo muốn đem lại lợi ích cho loài người thì không có pháp môn nào tuyệt vời bằng pháp môn dạy đạo đức làm người. Làm người không nên làm khổ mình, khổ người, đó là thiện pháp mà thiện pháp tới đâu thì ác pháp sẽ bị triệt tiêu đến đó. Có được như vậy con người mới tìm được chân hạnh phúc, và như vậy mới thật sự ích lợi cho loài người. Còn tất cả các phương pháp khác dù là phương pháp dưỡng sinh Yoga dạy người để trị bệnh thì đó chỉ là trị về nhánh lá của bệnh chứ không phải trị tại gốc bệnh, gốc sanh muôn thứ bệnh khổ là ác pháp, muốn trị muôn thứ bệnh khổ mà cứ trị bằng thuốc thang và phương pháp dưỡng sinh thì không thể trị tận gốc bệnh được, vì thế trị giảm được bệnh này thì sanh ra bệnh khác.

Theo Phật giáo muốn trị bệnh khổ tận gốc của con người thì phải sống có đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình khổ người thì cơ thể phải vận động được đều hòa, tâm hồn phải sống an lạc, thanh thản và vô sự. Và tất cả các chướng ngại pháp không tác động đến thân tâm, nếu có đến họ đều có đủ khả năng đẩy lui và diệt trừ tận gốc bệnh.

Do sống trong thiện pháp nên người tu sĩ đạo Phật có được một tâm hồn thanh tịnh. Tâm hồn thanh tịnh là một tâm hồn trong sạch. Một tâm hồn trong sạch thì lại có một năng lực mầu nhiệm nó hoàn toàn làm chủ được mọi bệnh tật khổ đau và sự sống chết.

Đạo Phật làm chủ được sự sống chết là nhờ năng lực của tâm thanh tịnh, chứ không phải nhờ vào năng lực bùa chú thuật của Mật Tông. Mật Tông sống có giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nhưng không vì giữ những giới luật ly dục ly ác pháp, mà Mật Tông giữ gìn giới luật là để luyện bùa luyện chú tạo một năng lực siêu việt, nhờ năng lực đó mới thu hút người theo đạo mình tu để có danh to. Và vì thế các Ngài thể hiện thần thông trị bệnh và nói biết chuyện quá khứ trong một kiếp hoặc hai ba kiếp.

Trong câu hỏi của con: Tại sao các vị A La Hán không tái sanh để tùy duyên hóa độ chúng sanh như các Lạt Ma Tây Tạng?‛. Đức Phật đã dạy: ‚Một vị A La Hán xuất hiện ở trên đời là một việc khó, khó như hoa ưu đàm cả ngàn năm mới trổ hoa một lần‛ . Vả lại khi một vị A La Hán xuất hiện ở đời là phải vào đúng thời kỳ của nó, có nghĩa một vị A La Hán ra đời là quân bình trật tự đạo đức của loài người, lúc xã hội loài người đang đi vào một sự thay đổi lớn, nếu không quân bình kịp thời thì sự thay đổi ấy sẽ đưa con người vào trong đêm đen tối.

Một bậc A la Hán xuất hiện ở đời là làm chấn động và rung chuyển cả trời đất cũng như khi đức Phật xuất hiện ra đời dựng lại những gì mà lục sư ngoại đạo thời đó đã ném bỏ và bác sạch sáu mươi hai luận thuyết của kinh Vệ Đà mà người thời bấy giờ được xem bộ Thánh kinh này là một triết thuyết tuyệt vời, là một bộ chân lý văn minh của loài người, thế mà đạo Phật ra đời không chấp nhận nó.

Và như thế không thể so sánh một vị Lạt Ma với một vị A La Hán được. Vị Lạt Ma dùng thần thông huyễn hóa mà lừa đảo người gọi là độ chúng sanh, chứ chẳng có ích lợi thiết thực gì cho con người, còn một vị A La Hán xuất hiện ở đời là đem lại sự lợi ích lớn cho loài người tức là mang lại cho con người một nền đạo đức nhân bản – nhân quả mà mọi người sống chung nhau nhưng không làm khổ mình khổ người.

Các con có tin điều này không? Các con cứ nhìn các vị Lạt Ma thì thấy rõ lời Thầy dạy. Lẽ ra các ông có thần thông thì phải có đạo đức. Sao các ông không đem lại cho con người một nền đạo đức? Quảng bá một nền đạo đức. Nền đạo đức của các ông là gì? Các ông chỉ gây tạo sự ham mê ngu muội của con người bằng những thần thông tái sanh luân hồi qua những quảng cáo phim ảnh sách báo.

Những sự thể hiện tái sanh luân hồi của các ông như vậy có ích lợi gì cho ai? Chỉ tạo ra một trò hiếu kỳ của con người, trong khi con người đang cần có một nền đạo đức để sống với nhau mà không làm tổn thương cho nhau, biết thương yêu nhau, biết tha thứ những lỗi lầm của nhau. Còn các ông ăn không ngồi rồi để tu tập thần thông tưởng, như vậy phải tiêu phí bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mọi người nuôi dưỡng các ông.

Con nên đọc lại bài kinh Channa đức Phật đã dám so sánh mũi dao của tỳ kheo Channa và sự tịnh chỉ hơi thở của Tứ Thiền thì sự làm chủ sống chết là một trò huyễn hóa làm mê mệt những con người còn sống trong giấc mơ. Nếu đứng trong góc độ của Phật giáo thì các ông Lạt Ma là những người phù thủy.

Sự quảng cáo phim ảnh, báo chí và sách vở, không đủ chứng minh lòng tham danh đắm lợi của các vị phù thủy Lạt Ma này sao? Trong cuốc sống trên thế gian này con người đang cần đạo đức, chứ không phải cần thần thông xin quý vị hiểu cho. Đạo đức - món ăn tinh thần, loài người đang cần thiết như người đói cần thực phẩm.

Xin các vị Lạt Ma hãy cho chúng tôi những món ăn tinh thần này chứ thần thông của các ông chỉ là một trò ảo thuật mà thôi.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập X)

No comments:

Post a Comment