Monday, October 18, 2010

ÔNG TÁO


Hỏi: Kính thưa Thầy, sắp đến ngày 23 Tết Âm lịch, năm nào cũng vậy, mọi nhà lo mua ba bộ mũ, hia, giày và một con cá chép sống để cúng tiễn đưa ông Táo về Trời và ông Táo sẽ tâu trình với Ngọc Hoàng việc làm ác và thiện của gia chủ. Như vậy có không, xin Thầy chỉ dạy? Có người còn bảo, năm nào mà không mua mũ cho ông Táo, thì đêm đến nằm mơ thấy ông Táo về đòi. Như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Ông Táo là một chuyện mê tín của dân gian, mục đích là để răn người làm điều ác, vì làm điều ác là ông Táo sẽ về chầu Trời tố cáo tội ác trong năm, và Ngọc Hoàng sẽ cho giáng họa và người làm ác sẽ chịu biết bao nhiêu đau khổ. Mũ hia áo mão của ông Táo giống như mũ hia áo mão của một vị quan phong kiến. Ông Táo không có thật mà chỉ là một tưởng tri của loài người để khiến cho người ta sợ mà không làm điều ác.
Từ câu chuyện dân gian răn nhắc đừng làm ác, biến dần thành một phong tục đến cuối năm nhà nào cũng đều cúng ông Táo, để ông về tâu bớt những chuyện làm ác của mình, để ông Trời không có gieo tai họa. Câu chuyện biến dần thành câu chuyện lo lót hối lộ. Từ câu chuyện răn nhắc đừng làm ác thì dần dần biến thành phi công lý, đạo đức (hối lộ mũ hia giày, quần áo, cá chép cúng bái thần linh là một hình thức hối lộ).
Nằm mộng thấy ông Táo về đòi, đó là tưởng mộng chứ ông Táo đâu có thật. Người ta huyền thoại nhiều câu chuyện về Táo quân “Một bà hai ông” bây giờ đã thành một phong tục truyền thống dân tộc cứ đến ngày 23 tháng chạp nhà nhà đều cúng đưa ông Táo về trời.
Phật giáo Đại Thừa cũng chịu ảnh hưởng, nhưng lấy ngày đó làm ngày lễ đưa chư thiên về chầu trời. “Dân gian thì đưa Táo Quân, Phật Giáo thì đưa chư thiên về trời”.
Qua câu chuyện ông Táo đã chỉ cho chúng ta thấy được Phật Giáo Đại Thừa có trí tuệ hay không trí tuệ, điều này chắc ai cũng rõ. Câu chuyện mê tín dân gian mà Phật Đại Thừa lại biến thành mê tín Phật Giáo. Bởi vậy Phật Giáo Đại Thừa có đáng cho chúng ta đủ niềm tin chăng? Phật Giáo Đại Thừa đi đến đâu cũng viên dung và viên thông, lấy tất cả các pháp của mọi tôn giáo và sự mê tín của con người làm giáo pháp của mình. Hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn Phật Giáo Đại Thừa đi đến đâu đều gieo rắc mê tín đến đó.
Cho nên giáo pháp Đại Thừa là giáo pháp lượm lặt của các tôn giáo khác chỉ cần thay danh từ là biến thành giáo pháp của mình. Khi dân gian mê tín cúng Táo Quân thì Đại Thừa biến danh từ Táo Quân thành danh từ chư thiên.
Nếu các nhà nghiên cứu Đại Thừa Giáo xét kỹ, đừng kẹt trong danh từ thì thấy rất rõ giáo pháp đó là đờm dãi của các tôn giáo khác. Đó là đứng về nội dung, còn đứng về hình thức thì Đại Thừa Giáo không có gì đặc biệt chỉ giống như chiếc áo nhiều mảnh vải kết lại mà thành.
Cho nên câu chuyện Táo Quân là câu chuyện tưởng tượng, chứ không có thật Táo Quân, chỉ có người vô minh mới tin rằng có thật. Cúng lễ Táo Quân ngày 23 là phong tục mê tín dân gian.
vvvvv


(Trích Đường Về Xứ Phật tập VII)





No comments:

Post a Comment