Monday, October 18, 2010

CÕI TRỜI


Hỏi: Trong tập 2 mới này ở trang 294, khi đức Phật chứng đạo Ngài quan sát thấy nghiệp lực của mẹ sanh lên cõi Trời và đến cõi Trời đó để dạy mẹ tu hành. Như vậy học giả sẽ nghĩ có sự mâu thuẫn ở đoạn sau Thầy giải thích không có cõi Trời và chư Thiên. Xin Thầy hoan hỷ giải cho con những thắc mắc này.

Đáp: Một lần nữa Thầy xác định và quả quyết thế giới siêu hình không có, mà chỉ có thế giới siêu hình tưởng. Đức Phật thể hiện vào thế giới tưởng để độ mẹ. Thế giới tưởng của đức Phật chứ không phải thế giới tưởng của mẹ Ngài.

Bởi vì đức Phật đã xác định 33 cõi trời là 33 cõi tưởng, mà cõi tưởng thì không ngoài con người còn sống mà có. Và như vậy cõi Trời tưởng của đức Phật chứ không có cõi Trời tưởng của mẹ Ngài vì mẹ Ngài đã chết thì thế giới tưởng của mẹ Ngài cũng không còn, mẹ Ngài chỉ còn là một trạng thái nghiệp thiện, trạng thái nghiệp thiện đó không tái sanh làm người được, chờ khi nào trạng thái nghiệp thiện đó hết duyên thì mới tái sanh làm người, trạng thái nghiệp thiện đó là một từ trường, nói một cách khác dễ hiểu hơn là một luồng khí, đây cũng chỉ là những ví dụ cho dễ hiểu chứ kỳ thật trí hữu hạn của chúng ta mà hiểu trạng thái của nghiệp thì chỉ có tưởng tri* chứ không phải liễu tri†

Một người còn sống thì có ba thế giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới, sắc giới là cảnh hiện hữu của chúng ta đang sống, vô sắc giới là cảnh mộng trong giấc chiêm bao của chúng ta. Trong cõi sắc giới có dục giới, cũng như trong cõi vô sắc giới thì cũng có dục giới. Khi một người chết cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới đều đoạn diệt, chỉ còn nghiệp lực tương ưng nơi đâu thì tái sanh về đó.

Vì thế, mà bảo rằng không có thế giới siêu hình khách quan mà chỉ có thế giới siêu hình chủ quan. Đọc kinh sách Phật, phần nhiều người ta cảm thấy như đức Phật mâu thuẫn, lúc thì đức Phật nói có cõi Trời, lúc thì nói cõi Trời là cõi tưởng. Đức Phật không mâu thuẫn, khi nói đến cõi Trời là Ngài nói đến cõi tưởng tức là cõi tưởng của Ngài, chứ chúng ta đừng hiểu có cõi tưởng bên ngoài Ngài.

Trong bài kinh Giáo Giới Nandaka dạy: “- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ rằng: “Sáu thức thân này là vô thường”. “- Lành thay, lành thay, chư hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, chư Hiền tỷ, một ngọn đèn dầu được đốt cháy: dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại; ánh sáng là vô thường chịu sự biến hoại. Chư Hiền tỷ, nếu có ai nói rằng: “Ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại nhưng ánh sáng ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại”; chư Hiền tỷ nói như vậy là có nói chơn chánh hay không? - Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc cũng là vô thường chịu sự biến hoại; ngọn lửa cũng vô thường chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến ánh sáng cũng là vô thường chịu sự biến hoại!”
* Tưởng tri là sự hiểu biết không cụ thể, phần nhiều tưởng tượng ra bằng những hình ảnh trừu tượng nên nó không thật có. Liễu tri là sự hiểu biết một sự vật cụ thể có thật, không có tưởng tượng. Phần nhiều người trên thế gian này sống trong tưởng tri ít ai sống trong liễu tri, vì thế mọi người lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới vô hình là có thật nên đời đời chịu nhiều khổ đau.

Cũng trong bài kinh này còn cho thêm một ví dụ khác nữa: “Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, có một cây to lớn đứng thẳng, có lõi cây cây vô thường chịu sự biến hoại, có rễ vô thường chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường chịu sự biến hoại, với bóng cây vô thường chịu sự biến hoại. Nếu có người nói như sau: “Có cây lớn đứng thẳng, có lõi cây này, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường chịu sự biến hoại, với cành cây lá vô thường, chịu sự biến hoại, nhưng bóng mát của cây ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại”, này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chơn chánh không? - Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, cây to lớn đứng thẳng có lõi cây này, có rễ vô thường, chịu sự biến hoại, có thân cây vô thường chịu sự biến hoại, có cành lá vô thường chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến bóng mát, cũng là vô thường chịu sự biến hoại !”

Cho nên, thế giới siêu hình là thế giới tưởng, thế giới tưởng là thế giới bóng dáng của thế giới hiện hữu mà chúng ta đang sống. Vì thế khi chúng ta còn sống là thế giới ấy còn, chúng ta mất là thế giới ấy mất. Hai đoạn kinh trên đức Phật đã xác định rõ ràng thế giới siêu hình không có, nhưng khi nghe Thầy nói đức Phật lên cõi Trời Đâu Xuất để dạy mẹ tu hành thì các con tưởng là có cõi Trời thật. Không đâu, trong không gian chúng ta có 33 từ trường thiện (33 cõi Trời) muốn tương ưng với từ trường nào đó thì đức Phật nhập vào trạng thái từ trường đó ở tâm mình thì bắt gặp ngay liền từ trường thiện đó.

Từ trường thiện đó không phải linh hồn của người chết. Xin đừng hiểu sai lệch, vì không có ngôn ngữ nên chúng tôi không thể giải thích mà chỉ tạm dùng danh từ “TỪ TRƯỜNG” chứ chưa được đúng lắm. Thêm một lần nữa để chúng ta hiểu cho rõ, trong khoảng không gian trên hành tinh của chúng ta là một môi trường sống, có nhiều từ trường thiện và ác. Những từ trường ác theo nghiệp ác hợp thành thế giới khổ đau (sắc giới, dục giới và vô sắc giới), còn từ trường thiện theo nghiệp thiện nên không hợp thành thế giới được vì là một từ trường đơn điệu.

Muốn thành một cõi giới thì phải có một sự hợp thành, không có một sự hợp thành thì không có cõi giới. Ví dụ: Một cái nhà không thể lấy một cây cột hoặc một tấm tôn mà cho là cái nhà được, cũng như một cái xe không thể lấy một cây căm hay một cái đùm xe mà bảo rằng là xe được. Thế giới chúng ta đang sống mà đức Phật đã xác định là thế giới duyên hợp, do 12 nhân duyên hợp lại mà tạo thành thế giới này. Vì thế, một từ trường đơn điệu không thể tạo thành một thế giới được. Sau này con có dịp đọc đạo đức nhân quả thì con sẽ rõ thế giới siêu hình cụ thể hơn.
 (Trích Đường Về Xứ Phật tập IX)

No comments:

Post a Comment