Saturday, October 16, 2010

ĐẠI HỘI LONG HOA


Câu hỏi của Chơn Thành
Hỏi: Hiện nay ở miền Bắc nước ta, có một số người nghe theo tuyên truyền Đại Hội Long Hoa. Họ cho rằng thời kỳ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hết hạn ở thế gian. Đến năm hai ngàn là thời kỳ của đức Phật Di Lặc ra đời thay thế cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Kính thưa Thầy như vậy có đúng không? Nếu không đúng thì hiểu như thế nào để không lạc vào con đường tà giáo, ngoại đạo và giúp cho mọi người ra khỏi con đường mê mờ này ?
Có một số người tu theo đạo Phật nhiều năm mà đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời vì phải đi chùa này chùa nọ, làm công quả để tạo công đức này, công đức kia, bỏ cả việc làm ăn. Kính thưa Thầy, những người tu như vậy sẽ có lợi ích gì cho đời sống của họ và xã hội ?
Đáp: Phần đông, các tu sĩ Phật giáo hiện giờ đều là đệ tử của đức Phật Di Lặc, họ tu theo giáo pháp phát triển, tức là giáo pháp của đức Phật Di Lặc, chứ đâu còn là giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, những tu sĩ này gọi giáo pháp đó là giáo pháp Thanh Văn, Nhị Thừa, Duyên Giác, ngoại đạo. Họ đã bỏ giáo pháp này từ lâu, chứ đâu có đợi đến ngày Đại Hội Long Hoa, đức Phật Di Lặc ra đời rồi mới truyền giáo pháp này.
Họ tu theo giáo pháp phát triển của đức Phật Di Lặc từ khi chúng tỳ kheo chia ra làm hai bộ phái: Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Trước khi chia ra bộ phái, họ đã triển khai kinh sách phát triển vạch ra một đường lối tu mới, vì thế người ta không còn tu theo giáo pháp của đức Phật Thích Ca, chứ đâu phải đợi tới năm hai ngàn.
Chính lúc mới tám tuổi, khi xuất gia học đạo, chúng tôi cũng đều tu học theo giáo pháp của đức Phật Di Lặc, nỗ lực tu hành hơn 30 năm trời, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, nên đành phải bỏ pháp môn đó, trở lại tu pháp môn Duyên Giác, Thanh Văn, Nhị Thừa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng tôi mới thấy pháp xả tâm và giới luật của Thanh Văn thật là hữu hiệu, nhờ đó, trước tiên chúng tôi nhận được mình là một tu sĩ có đời sống đạo hạnh và thân tâm thường thanh thản, an lạc, vô sự tức là chúng tôi đã nếm được mùi vị giải thoát thật sự của đạo Phật, chừng ấy chúng tôi mới nhận thấy rõ đạo là đạo, đời là đời, không thể đạo đời lẫn lộn như pháp môn phát triển của đức Phật Di Lặc. Cách thức sống của các tu sĩ hiện giờ, đạo đời lẫn lộn khiến cho mọi người không biết đâu là đời sống đạo đúng và đâu là đời sống đạo không đúng. Cách thức sống của các tu sĩ Phật giáo hiện giờ cũng chạy theo vật chất thế gian, như người đời nên khó phân biệt, chỉ có phân biệt được là chiếc áo tu sĩ mà thôi.
Nếu muốn không lầm lạc vào tà giáo ngoại đạo thì quý vị nên lấy giới luật Phật quán xét giới tu sĩ, người tu sĩ nào sống đúng giới luật, có đầy đủ phạm hạnh là người sống và tu đúng pháp chơn chánh của đạo Phật, còn người tu sĩ nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống chạy theo vật chất dục lạc thế gian là tu theo pháp phát triển và Thiền Đông Độ.
Người tu sĩ Phật giáo lấy giới luật làm Thầy như đức Phật Thích Ca đã di chúc: “Sau khi Ta nhập diệt, các Thầy tỳ kheo hãy lấy giới luật của Ta mà làm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc. Giới luật Ta còn là đạo Ta còn, giới luật Ta mất là đạo Ta mất”.
Dựa theo lời di chúc này, các vị tỳ kheo nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới là đệ tử của ngoại đạo, tà giáo. Quý Phật tử không nên tu hành theo những vị tu sĩ này, vì có tu hành theo họ thì cũng chẳng tu đến đâu, đời chẳng ra đời và đạo cũng chẳng ra đạo. Nếu có tu cũng chỉ trở thành là một ông thầy danh, lợi mà thôi.
Nhờ cân nhắc về đức hạnh giới luật mà quý Phật tử tìm được một bậc Thầy chơn chánh và thoát khỏi những sự lừa đảo của những tà sư ngoại đạo, tu lầm lạc vào con đường mê mờ, u tối, loanh quanh trong các định tưởng. 
Tóm lại, đạo Phật do đức Giáo Chủ Di Lặc hướng dẫn phần nhiều tu sĩ xem thường giới luật, nên đều phạm giới. Chính hình ảnh đức Phật Di Lặc là hình ảnh mất oai nghi tế hạnh của một tu sĩ chân chánh, mặc áo hở bụng ngực một cách thô lỗ không đúng đức hạnh của bậc thánh tăng.
Người tu sĩ phạm giới là người không có đức hạnh làm một vị thánh tăng, nên chúng ta dễ nhận xét con đường nào là con đường tu hành của Bà La Môn giáo và con đường nào là con đường tu hành theo Phật giáo.
Trong thời đức Phật còn tại thế, vấn đề làm công quả thì gần như không có. Vì là một Du Tăng Khất Sĩ, sống rày đây mai đó, không ở chỗ nào quá lâu, nên vấn đề công quả không cần thiết. Mỗi tu sĩ đến giờ đi khất thực để sống ngày một bữa, nên dồn tất cả các thời gian rảnh rang vào tu tập và rèn luyện pháp hướng tâm.
Cho nên, một số người hiện giờ làm công quả từ chùa này, đến chùa khác để tìm cầu sự giải thoát thì chắc chắn không bao giờ có được, chỉ uổng cho một đời tu hành bị người khác lừa đảo, làm công không cho họ mà họ không tốn tiền.
Làm công quả để được phước báo, điều này chúng ta dễ bị lừa. Bởi phước báo của đạo Phật là do chính mình ngăn ác, diệt ác pháp, hoặc ly dục, ly ác pháp thì phước báo sẽ đến với mình ngay liền tức khắc, còn làm công quả thì thân thể mệt nhọc, tâm sanh ra buồn ngủ; cơ thể mệt nhọc, tâm sanh buồn ngủ là trạng thái mất tỉnh thức, mất tỉnh thức, tức là vô minh mà vô minh thì làm sao có phước báo được.
Người làm công quả thì không bao giờ tu hành được, nếu suốt đời làm công quả thì chỉ là một người làm công cho kẻ khác, chẳng ích lợi gì cho mình, chỉ là một người ngu mà thôi.
Khi bước vào đạo Phật còn chiếc áo của người cư sĩ, nghĩa là chưa thọ Giới luật thì lúc bây giờ chúng ta làm được những gì để giúp cho chư Tăng yên tâm tu hành, đó là gieo nhân tu hành cho chúng ta ở ngày mai, chứ không phải làm công quả để cầu phước báo đó là sai.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập VIII)

Mời các bạn đọc tiếp bài "Đạo Phật Chỉ Có Một Đấng Giáo Chủ" và "Đức Phật Di Lạc"







No comments:

Post a Comment