Hỏi: Kính thưa Thầy, đối với người già, nhất là người sắp chết, pháp môn niệm Phật dễ học tập và hành trì với ba tư lương: ‚TÍN, HẠNH, NGUYỆN‛ Một pháp sư giảng: người niệm Phật lại được trợ niệm, có thể giúp cho CẬN TỬ NGHIỆP có được sanh thú tốt hơn, ví như dù con bò yếu (niệm thiện) nhưng được đứng gần cửa chuồng sẽ được ra trước (?). Vậy nếu không dùng Pháp niệm Phật thì đối với người già, người sắp chết chúng ta giúp đỡ cho họ như thế nào để có ý nghĩa tích cực nhất?
Đáp: Cái mà gọi là “CẬN TỬ NGHIỆP” đây cũng là một trò lừa đảo của Tịnh Độ Tông, một việc làm hết sức phi đạo đức, che mắt thiên hạ. Một đời làm ác, chỉ đợi giờ phút cuối cùng dùng câu niệm Phật để tạo cận tử nghiệp tốt, để được tái sanh cảnh giới thiện (Cực Lạc), tạo cận tử nghiệp thiện như vậy có đúng không?
Trong thời đức Phật còn tại thế, có một người tên là Vô Não, tu hành theo tà pháp của ngoại đạo. Ngoại đạo dạy ông giết người cắt lóng tay xâu làm chuỗi đúng 1.000 lóng tay sẽ chứng đạo. Nghe lời dạy ấy ông giết 999 người và còn người cuối cùng ông dự định giết đó là mẹ ông. Biết được tâm niệm bất hiếu tội lỗi này đức Phật đến đó giải cứu mẹ ông và khiến ông thức tỉnh. Từ đó ông năng nổ tu hành theo giáo pháp của đức Phật, ông thường ngăn ác và diệt ác trong tâm ông.
Một hôm ông đi khất thực người ta biết được ông là người tàn ác thường hay giết người nên người ta đã không cho cơm ăn mà còn lấy đá ném và gậy gộc đánh ông u đầu chảy máu, ông nhẫn nhục chạy đi và không thù oán kẻ đánh mình, ông nghĩ quán như lời Phật dạy: ‚nhân quả‛ Do sự quán xét này ông đã cứu mình thoát khổ và chẳng bao lâu ông chứng đạo quả A La Hán. Sự chứng đạo giải thoát này không phải nhờ ai hộ niệm cho ông mà phải chính ông năng nổ chuyên cần tu tập ngăn ác diệt ác pháp với một tâm nhiệt huyết nồng nàn. Con đường tu hành giải thoát của đạo Phật không thể có sự hộ niệm được mà phải chính bản thân của người đó tinh tấn siêng năng tu tập vì thế đức Phật dạy: ‚Chẳng phải tôi, cũng chẳng phải người nào khác có thể đi con đường ấy cho anh. Chính anh, anh phải đi cho anh‛.
Như vậy rõ ràng khi còn sống mạnh khỏe không tu tập đến khi chết còn gì tu tập cho kịp nữa. Suốt một đời tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp hết sức năng nổ còn sợ chưa làm xong, huống là sắp chết đến nơi rồi thì hộ niệm còn sức đâu đủ bình tĩnh, còn sức đâu đủ gan dạ chịu đựng những cơn nghiệp khổ đau tận cùng lúc sắp lâm chung như ai xé ruột xé gan.
Hộ niệm chỉ là một hình thức suông mà các nhà phát triển tưởng giải ra để lừa đảo mọi người làm sai lệch ý nghĩa tự lực của đạo Phật. Một đời làm ác chỉ một phút giây tỉnh giác quay đầu trở lại là giải thoát ‚Tu nhất kiếp ngộ nhất thời‛. Lời này dạy không đúng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn phải sáu năm khổ hạnh, bốn mươi chín ngày tu tập hết sức mới chứng được đạo quả.
Hiểu biết Phật pháp cho đúng nghĩa cũng không phải dễ huống là tu tập còn khó gấp trăm ngàn lần, vì phải trải qua một thời gian dài sống và tu tập uốn nắn tâm mình cho đến khi thuần thục đâu phải là một việc dễ làm, một sớm một chiều làm xong được. Bởi vậy chúng ta tu tập thì hãy tu tập cho đúng lời dạy của đức Phật chứ đừng nghe theo những lời dạy của các Tổ, do đó đức Phật cảnh giác chúng ta: ‚Đừng tin Thầy Tổ... đừng tin kinh sách v.v... và đừng tin v.v..‛.
Trong kinh sách Nguyên Thủy không có dạy hộ niệm, chỉ dạy cho người còn đang sống mạnh khỏe, còn người đau bệnh đức Phật đã xác định: ‚người có bệnh tu tập rất khó‛. Đó là một điều khó tu trong năm điều khó. Trong kinh Bồ Đề Vương Tử thuộc kinh Trung Bộ: ‚Có năm điều khó tu tập:
1- Không có lòng tin
2- Bệnh tật.
3- Gian trá, không thật
4- Không tinh tấn bỏ các ác pháp.
5- Không có trí tuệ về sự sanh diệt.‛
Trong đời sống hằng ngày, nếu muốn tu theo đạo Phật, có năm điều khó này khiến không tinh cần còn không giải thoát huống là giờ phút sắp chết, còn gì nữa đâu hộ niệm. Hộ niệm là một sự cầu tha lực, ngược lại con đường tu hành của đạo Phật là phải tự lực, hộ niệm là một phương pháp tạo cận tử nghiệp thiện, đó là một sự dối trá. Dối trá là một điều vi phạm trong năm điều khó tu của đạo Phật.
Tóm lại, muốn hộ niệm cho người sắp chết, tốt nhất khi họ còn mạnh khỏe khuyên họ nên sống trong thiện pháp, nhờ sống trong thiện pháp, huân thành nghiệp thiện đến khi chết nghiệp thiện tiếp tục tái sanh được sanh vào cõi thiện, đó là một việc làm chắc chắn còn hộ niệm bất cứ một việc làm gì đều là giả dối cả.
Hộ niệm mang bản chất giả dối, chúng ta là những người tu theo đạo Phật không bao giờ chấp nhận sự giả dối đó. Chúng ta hoàn toàn chấp nhận bố thí pháp để giúp cho mọi người biết chánh pháp, biết đạo đức làm người để họ sống đúng một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người. Sống không làm khổ mình khổ người thì hạnh phúc biết bao! Đến khi chết bất cứ sanh vào cõi nào chúng ta cũng đều không làm khổ mình khổ người, thì nơi đó là Thiên đàng, Cực lạc. Vì vậy chúng ta không cầu vãng sanh, không cần hộ niệm chúng ta vẫn được giải thoát. Con nên suy ngẫm lời Thầy dạy có đúng thì tin bằng không đúng thì đừng tin. (Trích Đường Về Xứ Phật tập X)
No comments:
Post a Comment