Hỏi: Kính thưa Thầy, ngoài Bắc có tục lệ, người chết chôn ba năm lại đào lên bốc xương đem chôn nơi khác thật là mất vệ sinh làm ô nhiễm môi trường sống và chật đất, chúng con mong Thầy dạy bảo để chúng con và mọi người thấu hiểu sự thật cái nào đúng cái nào sai để chúng con và mọi người sửa lại cho tốt đẹp và phù hợp hơn.
Đáp: Việc ba năm cải táng là một việc làm vừa hao tốn tiền của, vừa làm mất vệ sinh môi trường sống chung. Ngoài Bắc đã thành một tục lệ, tục lệ này xuất phát từ đâu? Từ những ông thầy địa lý. Trong lúc Đinh Bộ Lĩnh còn là một chú bé chăn trâu, có một thầy địa lý bên Trung Hoa sang Việt Nam đi tìm hàm rồng để cải táng nắm xương tàn của người cha vào huyệt đế vương để con cháu sau này làm nên danh phận. Khi tìm được huyệt đế vương dưới đáy hồ, ông bèn đến nhờ Đinh Bộ Lĩnh đem gói xương này bỏ xuống đáy hồ nơi có các gộp đá. Đinh Bộ Lĩnh nhận làm việc này, nhưng ông về cải táng mộ cha mình lấy nắm xương của cha bỏ vào những gộp đá trong đáy hồ, còn nắm xương cha của ông thầy địa lý kia được ném vào chỗ khác, nhờ đó sau này Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua nước ta.
Nếu chúng tôi xác định không lầm thì tục lệ ba năm cải táng là do các ông thầy địa lý bịa đặt ra để lừa đảo mọi người, làm tiền một cách bất chánh. Cải táng là để chôn vào huyệt đế vương, con cháu sau này làm ăn phát đạt sang giàu, làm quan hoặc làm vua, nhưng mãi sau này thành một tục lệ khó bỏ.
Người miền Bắc bị phong tục này nên ba năm phải cải táng, nếu không cải táng thì thấy như mình còn thiếu sót một việc gì và bị mọi người lên án là bất hiếu. Cũng như bây giờ nhà nào có người chết mà không rước thầy chùa tụng kinh thì coi như thiếu sót một việc gì và cũng bị mọi người lên án là bất hiếu, vì thế người ta quá sợ hãi những dư luận, cho nên ít ai dám đi trên dư luận để đả phá đi những phong tục mê tín lạc hậu.
Hiện giờ người ta không dám đả phá những phong tục mê tín lạc hậu, mà lại còn ca ngợi tán thán cho đó là văn hóa dân tộc thật là đáng trách.
Người ta đâu biết rằng sự giàu nghèo và làm quan, vua chúa đều do nhân quả. Nếu không gieo nhân làm vua, làm quan thì không bao giờ làm vua, làm quan được, nếu không gieo nhân giàu có thì không bao giờ giàu có được.
Tất cả đều do nhân quả thiện ác mà có những điều trên chứ không phải đi tìm huyệt đế vương là con cháu làm vua làm quan; chứ không phải đi tìm huyệt giàu sang mà con cháu sẽ giàu sang, những điều này là những điều mê tín lạc hậu, còn những loại sách địa lý là những loại sách phi đạo đức, muốn ăn không ngồi chơi mà làm giàu, muốn không đánh giặc mà làm vua, muốn không học tập mà làm quan thì thật là một điều bất công.
Đứng trên đạo đức làm người ba năm cải táng là một việc làm vô đạo đức: 1- Điều vô đạo đức thứ nhất: ông cha đã chết đi được chôn cất yên mồ ấm mả, bây giờ con cháu xúm lại móc lên, phải chi móc lên mà được sống lại thì cũng nên, móc lên để làm đám ma một lần nữa, giết hại sanh linh, tạo thêm tội ác không những cho những người còn sống mà người đã chết cũng thêm tội, chỉ có ăn uống nhậu nhẹt say sưa chứ chẳng có ích lợi gì.
2- Điều vô đạo đức thứ hai là điều bất hiếu với người đã chết rồi, ba năm để nấm mồ đất lạnh, đó là tội thứ nhất. Nấm xương tàn cuối cùng cũng chẳng yên đó là tội bất hiếu thứ hai. Giết hại sanh linh làm đám gây tạo tội cho người chết đó là tội bất hiếu thứ ba.
3- Điều vô đạo đức thứ ba là làm mất vệ sinh, gây nên môi trường sống ô nhiễm, khiến cho những người còn sống phải chịu những bệnh tật khổ đau tức là thiếu đạo đức làm người làm khổ mình khổ người. Môi trường sống của chúng ta hôm nay tràn đầy sự ô nhiễm do vô tình mà chúng ta đã thải ra trong không gian biết bao nhiêu những loại khí độc, để rồi chúng ta phải thọ chịu lấy những hậu quả của những chất khí độc đó.
Tóm lại, khi trong nhà có người chết thì chúng ta nên chôn cất một lần, xây mồ mả cho yên ấm ngay liền, đó là một việc làm tốt đẹp nhất, trong sạch nhất và đạo đức nhất của con người. “Sống cái nhà thác cái mồ”.
Thầy tin rằng mọi người khi hiểu được sự lợi ích này thì những phong tục tập quán kia sẽ được dẹp bỏ và phật tử các con là những người tiên phong đi trước để xứng đáng là những người con của Phật, sống đầy đủ đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người, luôn luôn phá dẹp những phong tục mê tín lạc hậu khiến cho mọi người không hao tiền tốn của một cách vô lý, khiến cho mọi người không bị những kẻ lừa đảo để rồi ‚tiền mất tật mang‛, khiến cho mọi người không còn bị các tôn giáo lừa đảo bằng sự cúng bái tụng, niệm, ngồi thiền, thần thông, bùa chú v.v... làm những việc phi đạo đức. (Trích Đường Về Xứ Phật tập X)
No comments:
Post a Comment