Saturday, October 16, 2010

MA ĐÈ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Cách đây khá lâu con bị tình trạng ma đè hay bóng đè (theo cách gọi dân gian). Toàn thân con bị tê cứng, con không điều phục được gì, ngoại trừ hơi thở, lúc đó vô tình con nhớ đến pháp môn Định Niệm Hơi Thở của Thầy bèn tác ý “hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Chỉ trong hai hơi thở con đã phục hồi trạng thái thân thể bình thường không cần xoa bóp chỗ tê như những người khác đã từng bị ma đè. Điều này được lý giải như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Ma đè là một trạng thái tưởng, khi ngủ nửa tỉnh nửa mê, tình trạng này sắc uẩn chưa ngưng nghĩ thần kinh trọn vẹn, còn tưởng uẩn mới bắt đầu hoạt động nên cũng chưa hoạt động trọn vẹn, khiến thân con bị cứng không động đậy được, miệng chỉ ú ớ, chứ không kêu la được như người ngủ mớ. Người bị ma đè cố gắng vùng vẫy cho đến khi tỉnh hẳn thì trạng thái ma đè biến mất.

Một người ngủ say thì không bị ma đè; một người ngủ trong chiêm bao cũng không bị ma đè, chỉ có người ngủ nửa tỉnh nửa mê, trạng thái ấy trong thiền định của Phật Giáo gọi là hôn tịch. Nhóm hôn tịch gồm có: hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không, chiêm bao, v.v... đó là một nhóm trạng thái si mê, do tưởng uẩn hoạt động.

Tưởng uẩn hoạt động điều khiển thần kinh chưa trọn vẹn, nên lúc bấy giờ có một số thần kinh không hoạt động. Một số thần kinh không hoạt động, nên người ngủ nửa tỉnh nửa mê mới có cảm giác thân bị đè nặng và không động đậy được. Ở đây, không có ma đè mà có một số thần kinh nghỉ ngơi chưa họat động trở lại bình thường trong khi còn đang ngủ nên cảm thấy thân cứng đơ.
 (Trích Đường Về Xứ Phật tập IX)

No comments:

Post a Comment