Saturday, October 16, 2010

THIỀN XẢ TÂM


Câu hỏi của Liễu Đức.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Các pháp hành con tu như trong thư con đã gửi cho Thầy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Các pháp này con tu đều đúng cả, nhưng có một điều con nên quan tâm và lưu ý, nếu tập sai một chút xíu, tức là sai ly hào cũng trở thành thiền ức chế tâm thì rơi vào thiền của ngoại đạo không làm chủ sự sống chết và luân hồi, ngay cả tâm tham, sân, si cũng không hết.

Mục đích tu thiền của Phật là xả tâm, không có ức chế tâm. Con nên lưu ý những câu kết hợp “Quán ly tham tôi biết tôi đang thở ra. Quán ly sân tôi biết tôi đang thở ra. Quán ly tham tôi biết tôi đang thở vô, quán ly sân tôi biết tôi đang thở vô”. “Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành. Quán ly sân tôi biết tôi đi kinh hành”. Đó là cách thức tu thiền xả tâm.

Trong giờ phút nào tâm được yên lặng thì nhớ hướng tâm nhắc; Muốn biết chắc thiền định xả tâm này của Phật thì con nên đọc lại kinh Nguyên Thủy Trung Bộ Kinh, tập 3 trang 249 Phật dạy về Nhập Tức Xuất Tức, đầu tiên nhớ nhắc tâm:
1/ Vị ấy tập: “Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm vị ấy thở ra”.
2/ Vị ấy tập: “Thở vô dài, vị ấy biết “tôi thở vô dài”. Hay thở ra dài, vị ấy biết “tôi thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết “tôi thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, vị ấy   biết “tôi thở ra ngắn”.
3/ Vị ấy tập: “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô” vị ấy tập: “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra”.
4/ Vị ấy tập: “An tịnh thân hành tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “An tịnh thân hành tôi sẽ thở ra”.
5/ Vị ấy tập: “Cảm giác hỷ thọ tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập: “Cảm giác hỷ thọ tôi sẽ thở ra”.
6/ Vị ấy tập: “Cảm giác lạc thọ tôi sẽ thở vô” vị ấy tập: “Cảm giác lạc thọ tôi sẽ thở ra”.
7/ Vị ấy tập: “Cảm giác tâm hành tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Cảm giác tâm hành tôi sẽ thở ra”.
8/ Vị ấy tập: “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra”.
9/ Vị ấy tập: “Cảm giác về tâm tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập: “Cảm giác về tâm tôi sẽ thở ra”.
10/ Vị ấy tập: “Với tâm hân hoan tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Với tâm hân hoan tôi sẽ thở ra”.
11/ Vị ấy tập: “Với tâm định tỉnh tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Với tâm định tỉnh tôi sẽ thở ra”.
12/ Vị ấy tập: “Với tâm giải thoát tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Với tâm giải thoát tôi sẽ thở ra”.
13/ Vị ấy tập: “Quán vô thường tôi sẽ thở vô”.Vị ấy tập: “Quán vô thường tôi sẽ thở ra”.
14/ Vị ấy tập: “Quán ly tham tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Quán ly tham tôi sẽ thở ra”.
15/ Vị ấy tập: “Quán đoạn diệt tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Quán đoạn diệt tôi sẽ thở ra”.
16/ Vị ấy tập: “Quán từ bỏ tôi sẽ thở vô”.Vị ấy tập: “Quán từ bỏ tôi sẽ thở ra”.

Đọc qua đoạn kinh Nhập Tức Xuất Tức, chúng ta thấy rõ cách thức tu tập Định Niệm Hơi Thở của Phật dạy xả tâm, chứ không có ức chế tâm, còn pháp Sổ Tức Quan và Lục Diệu Pháp Môn đều là pháp ức chế tâm.

Cho nên “Quán ly tham, quán đoạn diệt, quán ly sân v.v...”. Đó là các vấn đề chánh để xả tâm còn hơi thở là vấn đề phụ chỉ giúp cho tâm được tỉnh thức để xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi cho rốt ráo.

Người tu Định Niệm Hơi Thở, phải biết chia ra nhiều giai đoạn tu tập, để làm cho Tứ Niệm Xứ được sung mãn.

Từ biết hơi thở vô, hơi thở ra, đến an tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra, đó là tập chánh niệm tỉnh giác để chế ngự tham ưu ở đời. Đấy là giai đoạn một. “tỉnh giác là hàng đầu” trên thân quán thân, thân hành nội, tức là hơi thở ra, vô.

Từ cảm giác hỷ thọ đến “an tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra”. Đó là trên thọ quán thọ để giúp cho sức tỉnh giác cao hơn luôn ở trong chánh niệm, khắc phục được thọ, mà khắc phục được thọ thì chế ngự được tâm tham ưu ở đời. Mà các cảm thọ, tức là hơi thở vô, hơi thở ra, tức là tu tập xả thọ (thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ). Đây là giai đoạn hai tu tập hơi thở xả tâm tham ưu khắc phục thọ.

Từ “cảm giác tâm tôi sẽ thở vô đến với tâm giải thoát tôi sẽ thở ra” đó là trên tâm quán tâm dùng sức tỉnh giác chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Một người khéo tu tập hơi thở như vậy thì không thể thất niệm, không thể không có tỉnh giác. Đó là cách thức quán tâm trên tâm để xả tâm tham, sân, si (tham ưu). Đây là giai đoạn thứ ba của người tu thiền Đạo Phật xả tâm. Từ “quán vô thường tôi sẽ thở vô đến quán từ bỏ tôi sẽ thở ra” đó là quán pháp trên các pháp để xả tâm xa lìa các pháp, chế ngự và khắc phục tham ưu ở đời. Do nhờ tu tập như vậy, mới đoạn trừ tham ưu với trí tuệ khéo nhìn sự vật (các pháp) với tâm xả ly. Đây là giai đoạn thứ tư tu về Định Niệm Hơi Thở xả ly tâm dục và ác pháp khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

Trong bốn loại định:
1/ Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, tu tập theo hành động của ngoại thân đều câu hữu với pháp hướng xả tâm, như lý tác ý.
2/ Định Niệm Hơi Thở, tu tập theo hành động nội của thân cũng đều câu hữu với pháp hướng xả tâm như lý tác ý.
3/ Định Vô Lậu, quán xét tư duy cho thấu triệt các pháp nội và ngoại, rồi dùng pháp hướng xả tâm như lý tác ý.
4/ Định Sáng Suốt, là một loại định vừa thư giãn, vừa xả tâm bằng pháp hướng thư giãn.

Đều là bốn pháp định xả tâm (ly dục ly ác pháp). Con nên nhớ kỹ “thiền của Phật là thiền xả tâm”. Đọc bài kinh Nhập Tức, Xuất Tức chắc con đã rõ, không phải chỉ có Thầy dạy thiền xả tâm mà chính Đức Phật đã dạy như vậy. Thầy chỉ là người dạy lại lời  của Đức Phật mà thôi.

Còn các thiền của ngoại đạo đều dạy ức chế tâm, con hãy cố gắng tu cho đúng lời Phật dạy thì kết quả ngay liền có sự giải thoát cụ thể giải thoát không phải tu nhiều đời nhiều kiếp.
vvvvv

(ĐVXP tập VII)

No comments:

Post a Comment