Saturday, October 16, 2010

KHỈ VƯỢN CÓ PHẢI LÀ THỦY TỔ CỦA LOÀI NGƯỜI KHÔNG*?


 Hỏi: Kính thưa Thầy, từ trước tới nay khoa học đều khẳng định rằng con người là do khỉ vượn sinh ra tức là thủy tổ của loài người, đó là thuyết tiến hóa. Vậy đạo Phật Nguyên Thủy và theo trí vô hạn của Thầy thì nguồn gốc loài người và rộng hơn là nguồn gốc vũ trụ là thế nào?

Đáp: Con khỉ không phải là Thủy Tổ của loài người như các nhà khoa học đã khẳng định, con khỉ chỉ là con khỉ, một loài động vật như các loài động vật khác.

Theo đạo Phật con khỉ chỉ là một loài động vật cao cấp gần giống như con người. Nếu lấy con người làm tiêu chuẩn thì con khỉ chỉ là con khỉ mà thôi, chứ không thể tiến hoá làm con người được, chỉ có nghiệp lực của con khỉ, khi con khỉ chết nó sẽ tiếp tục luân hồi tái sanh làm người. Từ con người “Cổ Sơ” sống đơn giản, dựa vào thiên nhiên. Mức sống của thiên nhiên thì có hạn, còn con người sanh sản thì vô hạn nên con người buộc phải tiến hoá dần để bảo vệ sự sống còn của mình duy trì cho đến ngày nay, do đó con người trở thành văn minh phát triển theo chiều hướng khoa học hiện đại hóa, để sản xuất ra vật chất phục vụ cho đời sống con người như hiện nay.

Loài khỉ sống thanh tịnh trong sạch hơn các loài động vật khác, nhờ hành động sống tự nhiên theo nghiệp nhân quả thiện tạo thành nghiệp lực thiện. Khi con khỉ chết, nghiệp lực thiện chiêu cảm môi trường thiện luân hồi tái sanh thành con người.

Đừng hiểu rằng con người chết là sẽ tiếp tục sanh làm con người nữa, hiểu như vậy là không đúng luật nhân quả. đức Phật dạy: “được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển khơi.” Chỗ này có dịp Thầy sẽ giảng dạy để hiểu biết rõ ràng hơn. Trí hữu hạn của con người không cho phép các nhà khoa học hiểu hơn, cho nên các Ngài dùng sự so sánh những hành động và sự cơ cấu cơ thể của loài khỉ vượn giống như những hành động và cơ cấu của cơ thể của loài người cổ xưa “tiền sử” mà cho rằng thủy tổ của loài người là khỉ vượn. Đó là cái hiểu chưa tới của các nhà khoa học.

Muốn gây tạo giống con người thì phải có môi trường thích hợp với con người. Chính các duyên của con người, chứ chưa có các duyên của con người thì không thể nào gây tạo giống con người được, cho nên thuyết tiến hóa từ con vật thành con người thì mơ hồ, trừu tượng không chính xác. Bởi phần sắc uẩn của con người đầy đủ hơn loài động vật, nhất là sự cấu tạo bộ óc của con người về tế bào não phần sử dụng về tinh thần tưởng uẩn và thức uẩn thì loài khỉ vượn không thể có được.

Còn nữa, cái chưa tới của các nhà khoa học, đó là: Trí tuệ của loài khỉ vượn và trí tuệ của những người tiền sử đều sống dựa trên thiên nhiên, loài khỉ vượn trí tuệ không sáng tạo và phát minh những cái gọi là văn minh và sáng tạo của loài khỉ vượn được. Cho nên khỉ vượn ngàn đời chỉ là khỉ vượn, còn người tiền sử đời sống cũng giống như loài khỉ vượn nhưng lại biết phát minh và sáng tạo nên để lại cho chúng ta sau này một kho tàng văn minh vĩ đại từ ngôn ngữ, toán học, y học, sử học, đạo đức học, đến khoa học v.v..., chúng ta chỉ là những người thừa kế và dựa theo cơ sở đó mà phát triển khoa học hiện đại, nếu không có văn minh của người tiền sử để lại liệu chúng ta có thể có một nền văn minh khoa học hiện đại và kỷ nghệ hóa như ngày hôm nay chăng? Cho nên loài khỉ vượn không có trí tuệ thông minh như con người, nó thường sống theo bản năng tự nhiên thường bắt chước loài người hơn là sáng tạo phát minh như con người.

Thủy tổ của loài người rất thông minh, khi con người có mặt trên hành tinh này, nếu loài người không có sự thông minh thì nó đã bị diệt chủng ngay từ lúc ban đầu. Tại sao vậy? Vì cấu trúc cơ cấu cơ thể của loài người, tuy có giống như loài khỉ vượn, nhưng hoàn toàn không giống hẳn, có những chỗ còn sai khác, vì thế con người không thể dùng sức mạnh để bảo vệ sự sống như loài mãnh thú, cũng không thể trốn chạy chuyền nhảy nhanh nhẹ như loài khỉ vượn hươu nai được. Loài người bảo vệ sự sống bằng trí tuệ thông minh của mình, nên thường phát minh và sáng tạo đều do bộ óc, đó là điều cần thiết của loài người mà các loài động vật khác không thể có được, cho nên loài khỉ vượn là thủy tổ của loài người là mơ hồ trừu tượng, chỉ có qua sự so sánh những bộ xương của người tiền sử và những bộ xương của loài khỉ vượn giống nhau rồi các nhà khoa học đã suy ra và tuyên bố. Những chứng minh khoa học đó chưa đủ để xác chứng thuỷ tổ của loài người là khỉ vượn.

Luật nhân quả đã xác định mọi tiêu chuẩn của mọi loài chúng sanh, nếu chúng sanh sống và tạo những tiêu chuẩn đó thì sẽ sanh làm loài vật đó, chứ không phải tiêu chuẩn đó mà làm loài vật khác được, có nghĩa là loài động vật đó sống thiện ở cấp độ thiện đó sẽ sanh làm loài chúng sanh đó, còn ngược lại sống ác ở cấp độ ác đó thì sẽ sanh làm loại chúng sanh đó, luật nhân quả rất công bằng và công lý nên tiêu chuẩn thiện ác của nó rõ ràng, không thể sai khác được mà với trí tuệ vô hạn của đức Phật, Ngài đã thấu suốt luật nhân quả do đó Ngài dạy cho chúng ta cách thức sống năm tiêu chuẩn thiện để còn tiếp tục làm thân người thiện và chỉ có thân người thiện mới đủ trí tuệ thông minh rèn luyện tu tập chấm dứt khổ đau và luân hồi.

Các pháp vô thường luôn luôn theo sát những hành động nhân quả của muôn loài, vì thế, các pháp liên tục thay đổi tạo thành một nghiệp lực, nghiệp lực đó tiếp tục tiến hóa tái sanh làm loài vật cao cấp như loài Trời, Người, mà nghiệp lực đó thoái hóa thì phải tái sanh làm loài động vật hạ cấp, đó là một đạo luật công bằng và công lý đối với tất cả các loài động vật trên hành tinh
này nó không áp dụng riêng cho con người mà cho tất cả, vì muôn loài vật do môi trường sống vô minh duyên hợp sinh ra, do đó từ con vật lớn, nhỏ cho đến loài người đều vô minh lầm chấp, nhưng loài người nhờ trí tuệ thông minh thường tìm tòi sáng tạo và phát minh nên đã thấy sự vô minh của mình, khi đã thấy sự vô minh của mình thì đó là minh, mà đã có minh thì con người làm chủ được môi trường sống của mình, làm chủ môi trường sống của mình tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Làm chủ sanh, già, bệnh, chết là làm chủ nhân quả. Làm chủ nhân quả là làm chủ mọi sự đau khổ và chấm dứt tái sanh luân hồi. Chấm dứt tái sanh luân hồi tức là giải thoát ra khỏi thân nghiệp.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập IX)

No comments:

Post a Comment