Friday, October 15, 2010

BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM


Hỏi: Kính thưa Thầy, Có nhiều kinh nói: “Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” là chỉ cho những vị Bồ Tát phát tâm nhập thế tu hành. Vậy chư vị Bồ Tát, vì nguyện tu hành thành Phật mà xuống cõi ta bà này để độ chúng sanh không? Nhưng sao Thầy bảo Bồ Tát Quan Thế Âm do tưởng tượng chứ không có thật. Vậy xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con hiểu ý này?

Đáp: “Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” câu nói này của kinh điển phát triển (Đại Thừa). Bồ Tát là vị tu hành chưa xong mà thể hiện độ chúng sanh, chẳng khác một người mù mà dẫn dắt một đám người mù, cũng như người chưa biết lội mà cứu người chết đuối, thì làm sao mà cứu được, chỉ có chết chung nhau cả đám mà thôi. Có người bảo rằng cứ theo kinh sách có sẵn của Đức Phật mà cứ giảng ra có sai đâu. Kinh sách là pháp môn chết nên nó không chỉ cho chúng ta kinh nghiệm được, vì thế mà các giảng sư học giả dạy đạo cho người tu là giết người bằng chứng Thầy Tổ của chúng ta đã chết một cách đau khổ bởi tu theo học giả.

Bồ Tát Quán Thế Âm là một sản phẩm của kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn. Thể hiện phá luật nhân quả, phi đạo đức và phi giáo lý của Đạo Phật.

Bồ Tát chỉ là một tưởng tượng của người tu chưa chứng đẻ ra, để an ủi mình, để che đậy việc phá giới luật, để kinh doanh Phật pháp, để làm giàu trên xương máu của tín đồ, để đưa tín đồ đến chỗ mê tín, lạc hậu, luôn luôn chỉ biết cầu cạnh dựa nương vào tha lực làm mất hết nghị lực tự lực cứu mình thoát cảnh trầm luân.

Câu nói: “Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” có nghĩa là đời đời nguyện làm Bồ Tát độ chúng sanh như Bồ Tát Quán Thế Âm độ hết nạn khổ của chúng sanh mới thành Phật, Bồ Tát Địa Tạng độ hết tội nhân dưới địa ngục thì mới thành Phật. Chúng ta mới nghe lời nguyện ước này thật là vĩ đại, nhưng càng suy ngẫm chúng ta mới thấy là lời nói lừa đảo những tín đồ mê tín. Nạn khổ của chúng sanh do đâu mà có ? Có phải do hành động ác của chúng sanh đã tạo ra không? Tội nhân dưới địa ngục có phải do làm ác của chúng sanh không? Muốn thoát nạn khổ và muốn không làm tội nhân nữa thì chỉ có duy nhất là tự chúng sanh đó đừng làm việc ác nữa, còn độ theo kiểu hai vị Bồ Tát này khiến cho chúng sanh làm ác thêm và thế gian này càng thêm rối loạn vì nạn trôm cướp và những kẻ hung dữ náo loạn gây rối trật tự an ninh.

Bồ Tát trong kinh Nguyên Thủy chỉ là một người mới tu hành chưa chứng đạo, cho nên chẳng dám dạy ai tu hành cả. Đức Phật răn nhắc điều này: “Tu chưa chứng đạo mà dạy người là giết người”.

Bồ Tát trong kinh Đại Thừa là Bồ Tát tham danh, tu chưa tới đâu chỉ học trong mấy bộ kinh rồi tưởng giải ra làm lệch ý Phật đẻ ra kinh sách phát triển dạy người tu hành mê tín trừu tượng ảo giác, khiến người tu hành theo Phật Giáo mà thành tu pháp môn ngoại đạo. Cho nên quý Phật tử cần phải đề cao cảnh giác những hạng Bồ Tát danh lợi này.

Việc làm của hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng giống như con dã tràng xe cát, giống như người lấp biển.

Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng là hai vị thần của Bà La Môn, nó là một sản phẩm tưởng tượng hý luận của ngoại đạo tạo sự mê tín phi đạo đức trong dân gian mà hầu hết mọi người đều mê lầm.
vvvvv

1 comment:

  1. Mọi việc tại Tâm mà ra, từ Tâm mà cảm ứng với Chư Phật và Chư Vị Bồ Tát. Nên không thể nói là cứ tạo nghiệp rồi mong cầu được trợ giúp khi trả quả hoặc lười biếng, thiếu nghị lực rồi mong cầu được giàu sang mà chẳng phải làm gì. Các Chư Vị Bồ Tát, ở đây ta đang đề cập đến Quán Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát, Hai Vị Bồ Tát này là những Vị Phật chưa nhập Niết Bàn, vì thương chúng sanh trong đời mạt Pháp đầy ác trược, nên "thế thế thường hành Bồ Tát Đạo" trong cõi Ta Bà này, để hộ trì Chánh Pháp, gia hộ cho chúng sanh trong quá trình biến chuyển nghiệp duyên và tinh tấn tu hành để Giác Ngộ Giải Thoát. Người ta thường chuyên niệm Hồng Danh Nam Mô A Di Đà Phật để được vãng sanh về cõi Tịnh Độ sau khi đã xong kiếp người này. Thế nhưng tại sao có người vãng sanh, có người còn luân hồi, vậy thì phải xem hiện đời này họ đã làm gì: tốt hay xấu, lành hay dữ, gặp nghịch cảnh họ ra sao: giữ vững chân giá trị đạo đức hay đánh mất chính mình, giữ vững niềm tin Chánh Pháp hay đánh mất Tín Căn. "Thành hay bại bởi tại lòng ta, chứ không tại Phật Thích Ca dạy lầm."

    ReplyDelete