Saturday, October 16, 2010

CHÁNH PHÁP, TÀ PHÁP


Câu hỏi của Liễu Hương.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có người bạn đồng tu, luôn nhắc nhở con, tất cả mọi giáo lý của Thầy không được đưa ai xem.
Thưa Thầy! Các bạn của con, tuy chưa được quy y làm đệ tử của Thầy, nhưng tâm trí thường xuyên hướng theo pháp môn của Thầy, thì con đưa những bài vấn đạo và giáo lý của Thầy có được không thưa Thầy?
Đáp: Được, giáo lý và đường lối tu tập của đạo Phật đã bị ngoại đạo dìm gần như mất gốc. Hôm nay được Thầy tu tập, thấy có kết quả thật sự, giải thoát được tâm hồn của mình, nên triển khai lại những lời Phật dạy chính gốc Nguyên Thủy, để giúp cho người đời sau không còn tu hành lầm lạc.
Hiện giờ người ta chỉ biết qua Phật giáo hữu ngã (Phật tánh), siêu hình (thế giới Cực Lạc, Niết Bàn), thần huyền (bùa chú), v.v…mang đầy tính chất mê tín, mơ hồ, trừu tượng, dị đoan, lạc hậu, v.v…
Kinh sách phát triển Đại Thừa do các nhà học giả xưa và nay biên soạn theo  tưởng giải của mình, đã biến giáo lý của đạo Phật thành một giáo lý hỗn tạp đủ mọi loại pháp môn (84 ngàn pháp môn). Nhìn đống kinh sách quá vĩ đại, kẻ tu pháp này, người tu pháp khác, nhưng nhìn lại cuối cùng, chẳng ai tu đến đâu cả, càng ngày càng thấy tu sĩ sống bừa bãi, phi Phạm hạnh và phạm giới luật nhiều hơn, do đó sanh ra nhiều tệ hại trong Phật giáo, người tu sĩ không còn có đạo đức, thiếu Phạm hạnh, xem thường tín đồ chẳng hiểu gì về giáo lý của đạo Phật, nên muốn giảng nói như thế nào tự do nói, nghĩa là xem tín đồ ngu dốt, ông thầy thuyết giảng gì cũng chẳng biết, bảo đúng cũng làm, bảo sai cũng làm, nói sao nghe vậy, chẳng dám cãi, chẳng dám sửa, chẳng dám nói. Đó là tín đồ Phật giáo hiện giờ.
Sau mười năm mài miệt tu tập trong thất, gần chín năm trời tu Thiền Đông Độ, nhưng không kết quả, đành trở về pháp môn Tiểu Thừa, tu tập “Giới, Định, Tuệ”, Tam Vô Lậu Học mà kinh sách phát triển Đại Thừa xem nó như là một pháp môn của ngoại đạo, cấm không cho tu sĩ (Tỳ kheo Tăng và Ni) tu học theo nó.
Nhưng, bắt đầu nghiên cứu và tu tập pháp môn này, Thầy đã thấy có kết quả ngay liền. Một sự giải thoát thật sự của kiếp sống con người, bằng cách sống đúng giới luật và hằng ngày tu tập “Tứ Chánh Cần”, ngăn ác diệt ác, lìa xa lòng ham muốn vật chất thế gian. Từ đó nhận xét rõ, tâm hồn sống thanh thản và an lạc, tâm gần như cục đất, chẳng biết thương ghét giận hờn ai hết. Tâm thường quay vô ít phóng dật, thân tâm ít muốn, biết đủ, luôn sống trầm lặng, thích thú độc cư, sống một mình mà an vui cả trời.
Sau khi ra thất, Thầy triển khai giáo pháp Nguyên Thủy, nhưng sợ đụng chạm Đại Thừa, lúc đầu tùy thuận với họ, nên Thầy cấm không cho lưu hành rộng rãi, vì thế bạn đồng tu của con, nhắc nhở không cho ai xem là vậy.
Giai đoạn này thì khác, cần phải vạch rõ và làm sáng tỏ lại Phật giáo, con nên đưa những bài vấn đạo và giáo lý Nguyên Thủy mà Thầy đã triển khai, để mọi người hiểu rõ về Phật giáo hơn.
vvvvv

(Trích Đường Về Xứ Phật tập IV)

No comments:

Post a Comment