Saturday, October 16, 2010

LÀM LỄ QUY Y CHO NGƯỜI CHẾT


Câu hỏi của Phật tử Luân.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật đã xác định rõ ràng không có thế giới siêu hình, tức là không có linh hồn, thần thức,……sau khi chết. Vậy mà tại sao chúng con thấy quý Thầy, quý Cô và quý cư sĩ Phật giáo lại dựa đâu mà cho rằng có thế giới siêu hình? Bằng chứng quý Thầy, quý Cô và quý cư sĩ đứng ra bày vẽ tổ chức lo toan đám ma, cúng vong, tiễn linh, chẩn tế cô hồn giải oan bạt độ, thậm chí còn có rất nhiều quý Thầy ngang nhiên ngồi trên pháp tòa để thuyết pháp giảng đạo làm lễ quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới cho những vong linh. Những việc làm của quý Thầy, quý Cô và quý cư sĩ đã đi ngược lại lời dạy chân thật của đức Phật và làm lệch lạc đường đi chân chánh của đạo Phật, khiến cho mọi người có hiểu biết sẽ nghi ngờ Phật giáo. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ và khiến cho mọi người không còn nghi ngờ Phật giáo nữa.
Đáp: Người ta không rõ mục đích quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới là gì? Cho nên mới dám làm những điều mê tín lừa đảo con cháu người đã chết. Quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới cho người đã chết là để lấy lòng Phật tử trong khi người Phật tử đang đau khổ vì mất mát những người thân thương, họ không còn sáng suốt nhận định, nên hễ quý Thầy bày vẽ làm điều gì thì cứ làm ngay liền để mãn nguyện lòng thương yêu của mình đối với những người thân.
Mục đích quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới là để sống và thực hiện một đời sống đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người, sống trong thiện pháp, sống biết tha thứ và thương yêu mọi người, mọi loài, chứ không phải quy y Tam Bảo là để được làm đệ tử của Phật, để ở cõi Diêm Đình vua Diêm Vương nể mặt, quỷ sứ, ngục tốt Ngưu Đầu, Mã Diện không dám hành hạ. Hiểu như vậy là mê tín là sai không đúng chánh tri kiến của đạo Phật. Còn nếu bảo rằng quy y Tam Bảo là để gieo duyên với Phật pháp thì lại còn sai hơn nữa, khi cha mẹ còn sống không bằng lòng thọ Tam Quy Ngũ Giới đến khi chết con cháu nhờ Sư, Thầy làm lễ Quy Y Tam Bảo thì vấn đề này không phải tự tâm nguyện của ông bà mà là một sự ép buộc của con cháu, như vậy thử hỏi làm sao có sự gieo duyên cho được, khi mà tâm không thành, ý không muốn.
Các Sư Thầy ngang nhiên ngồi lên pháp tòa thuyết pháp giảng đạo hoặc làm lễ quy y Tam Bảo cho những vong linh này là một việc làm mê tín, vô minh không thông hiểu đạo Phật, làm một điều phi Phật giáo, vì Phật giáo là một tôn giáo tự lực cánh sinh, chứ không nhờ vào tha lực nào cả mà phải tự mình khi còn sống có một sự thành tâm ước muốn để trở thành một con người có đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người, để trở thành một con người sống toàn thiện và để trở thành một con người sống với một tâm hồn thanh thản, an lạc, bất động trước các pháp. Và có sự ước muốn như vậy thì quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới mới có giá trị và ý nghĩa đúng nghĩa chân chánh của đạo Phật. Còn ngược lại là không có ý nghĩa tự lực, trên con đường cầu đạo giải thoát thì không có một người nào đi thay thế cho ai được mà phải chính nơi người đó, vì thế quy y cho người đã chết là một việc làm sai, gây mê tín, dị đoan, lạc hậu trong đạo Phật, đó là một việc làm tội lỗi.
Đạo Phật không chấp nhận sự thường hằng của linh hồn, thế mà Sư, Thầy lên pháp tòa thuyết pháp, quy y Tam Bảo và truyền ngũ giới cho vong linh thì đó là một việc làm của ngoại đạo lừa đảo lòng hiếu hạnh và tình thương yêu của tín đồ Phật giáo đối với người quá cố. Việc làm này chẳng có ích lợi gì cho người chết mà còn khiến cho tín đồ hao tiền tốn bạc một cách si mê.
Khi cha mẹ hay những người thân thương qua đời, lòng thương yêu của chúng ta đối với những người này, chỉ có một cách duy nhất là làm ích lợi cho người chết, cũng như giúp cho họ gieo duyên với Phật pháp thì chỉ có việc ấn tống kinh sách dạy về đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người. Nhờ có kinh sách này mà người sống có lợi ích rất lớn thì người chết cũng có lợi ích rất lớn. Tại sao vậy?
Tại vì người chết nghiệp lực sẽ tiếp tục đi tái sanh luân hồi ngay liền sau khi chết và đã trở thành một người mới, có nghĩa là chết đây sanh kia cũng giống như cây đuốc, cây đuốc này vừa tắt thì cây đuốc kia cháy sáng ngay liền để giữ ánh sáng liên tục không bị gián đoạn. Luật nhân quả cũng vậy thân này mất thì có thân khác ngay liền để giữ đạo luật nhân quả không bị gián đoạn.
Vì thế, kinh sách đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người được ấn tống và được phổ biến khắp cùng thì mọi người, ai cũng đều được đọc kinh sách này giúp cho họ có một đời sống đạo đức toàn thiện, một đời sống giải thoát an lạc. Đó là sự ấn tống kinh sách đạo đức nhân quả là gieo duyên quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới cho những người thân thương đã quá cố. Đó là sự báo hiếu rất lớn của chúng ta khi cha mẹ đã qua đời, những việc làm này đem đến lợi ích ngay liền là những người chung quanh chúng ta đang sống họ trở thành những người sống có đạo đức làm người, biết mang lại sự không đau khổ cho nhau, đó là chân hạnh phúc của loài người thiết thực và cụ thể hơn.
vvvvv

(Trích Đường Về Xứ Phật tập VI)

No comments:

Post a Comment