Câu hỏi của Liễu Hương.
Hỏi: Kính thưa Thầy, theo người đời nói: “Người ta khi chết đi, thì hồn siêu phách lạc, hồn ở cây cả bóng cao, cầu ao, bóng mát và linh hồn người chết đi khắp đó đây”, có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Trong giáo lý của đạo Phật dạy: con người do năm duyên hợp lại thành, nên gọi là thân ngũ uẩn, khi người chết năm uẩn này tan biến mất, thân tứ đại này trở về với cát bụi hư vô, không còn sót một vật gì thường hằng (linh hồn hay Phật tánh).
Đức Phật đã xác định trong kinh như vậy, thì làm sao có linh hồn siêu, phách lạc, ở cây cả, bóng cao, cầu ao, bóng mát, đi đây, đi đó khắp nơi. Đó là một sự mê tín trong dân gian, với trí hữu hạn của con người không thể làm sao biết thế giới siêu hình được, nên phải tưởng ra như vậy. Còn các nhà tôn giáo tu hành chẳng tới đâu, rồi cũng dựa vào sự mê tín lạc hậu của dân gian ấy, để xây dựng tôn giáo của mình có một thế giới Thần Tiên (chư Thần, Thánh, Tiên, Phật v.v…). Đó là một thế giới siêu hình đầy hạnh phúc, mà cũng là một ước mơ của loài người, nhưng đó cũng chỉ là một thế giới ảo tưởng để mà thỏa mãn ước mơ.
Đã có thế giới Thần, Tiên tràn đầy hạnh phúc và an lạc, thì phải có thế giới địa ngục, mà đã có thế giới địa ngục thì phải có thế giới ma quỷ, có linh hồn người chết, có các đảng và cô hồn vất vưởng cây cao, bóng cả, cầu ao, bóng mát. Phần nhiều người ta nghĩ rằng những linh hồn chết oan không đi đầu thai được nên phải ở cây cao, bóng mát như vậy.
Trong bài kinh “Pháp Môn Căn Bản” Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta biết, (Bài kinh Pháp Môn Căn Bản này được trích ra từ tập 1 kinh Trung Bộ thuộc tạng kinh Việt Nam, trang 9) do trí hiểu biết của chúng ta có hạn lượng, nên đối với các pháp, không thể hiểu rõ, luôn luôn bị lầm chấp, vì dùng tưởng xác định các pháp, nên hiểu từ cái sai này, đến cái sai khác.
Cái thế giới hữu hình mà mọi người đang sống, đã không hiểu rõ nó, nên lầm chấp các pháp là thật có, rồi sanh ra dính mắc, do dính mắc không bỏ được, nên tạo biết bao nhiêu sự đau khổ cho mình cho người trải suốt nhiều đời kiếp.
Thế giới siêu hình là thế giới hình bóng của thế giới hữu hình. Thế giới hữu hình mà chúng ta đang hiểu biết bằng tưởng tri, thì thế giới siêu hình cũng hiểu biết như vậy. Do đó ta biết thế giới hữu hình và thế giới siêu hình là thế giới tưởng (thế giới không thật có).
Sự lầm chấp của con người, dùng tưởng để hiểu thân ngũ uẩn của mình, nên ai ai cũng cho nó là có thật, cho trong thân ngũ uẩn này có linh hồn bất biến từ vô thủy, cho nó là bản ngã của ta, còn thân ngũ uẩn này là của riêng ta (vật sở hữu của chính mình). Vì thế ai động đến thân tâm của ta, thì ta sẽ ăn thua đủ, không nhịn ai hết, nếu sức yếu thế cô thì ta ấm ức tức giận không bao giờ nguôi.
Cũng từ sự hiểu biết của tưởng tri, mà ta tưởng ra người chết có linh hồn không chết. Linh hồn mất thân không còn chỗ ở nương tựa, nên hồn siêu phách lạc đi khắp đó đây, hoặc đọa xuống địa ngục, thọ nhiều cực hình, chịu nhiều tội khổ, chờ đến khi mãn hạn, mới được tái sanh luân hồi, làm thân chúng sanh hoặc làm thân người.
Cũng từ bài kinh đó (Pháp Môn Căn Bản), Đức Phật đã xác định: “Người ta tưởng tri Sanh vật là Sanh vật… (có thật). Người ta tưởng tri chư Thiên là chư Thiên...(có thật). Người ta tưởng tri Phạm Thiên là Phạm Thiên. Người ta tưởng tri Quang Âm Thiên là Quang Âm Thiên...Người ta tưởng tri Biến Tịnh Thiên là Biến Tịnh Thiên…Người ta tưởng tri Quảng Quả Thiên là Quảng Quả Thiên…Người ta tưởng tri Thắng Giả là Thắng Giả (Abhibhù)...Người ta tưởng tri Không Vô Biên Xứ Thiên là Không Vô Biên Xứ Thiên...Người ta tưởng tri Thức Vô Biên Xứ Thiên là Thức Vô Biên Xứ Thiên...Người ta tưởng tri Vô Sở Hữu Xứ Thiên là Vô Sở Hữu Xứ Thiên....Người ta tưởng tri Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên...Người ta tưởng tri Sở Tri Kiến là Sở Tri Kiến...Người ta tưởng tri Sở Văn là Sở Văn..Người ta tưởng tri Sở Tư Niệm là Sở Tư Niệm..Người ta tưởng tri Sở Tri là Sở Tri....Người ta tưởng tri Đồng nhất là Đồng nhất..Người ta tưởng tri Sai biệt là Sai biệt...Người ta tưởng tri Tất cả là Tất cả...Người ta tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn…”. Pháp Môn Căn Bản kinh Trung Bộ tập 1 thuộc tạng kinh Pali - Việt Nam, trang 9
Qua đoạn kinh trên, chúng ta đã thấy rõ, con người đang sống trong thế giới tưởng, mà cứ tưởng rằng có thật. Vì tưởng rằng có thật do đó người ta mới đau khổ, vì tưởng rằng Niết Bàn có thật, nên người ta nghĩ đến tự ngã như là Niết Bàn (Phật tánh có bốn đức Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh), nên Phật dạy: “Người ấy tự nghĩ Niết Bàn là của ta – rồi sanh ra dục hỷ Niết Bàn”, tức là ham thích cảnh giới Niết Bàn, Phật dạy tiếp: “Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri Niết Bàn” (Pháp Môn Căn Bản kinh Trung Bộ tập 1 thuộc tạng kinh Pali - Việt Nam, trang 9). Nghĩa của đoạn kinh trên là chẳng hiểu gì về Niết Bàn cả.
Đọc bài kinh này, chúng ta nhận xét đức Phật đã xác định: “Con người từ chấp ngã, tâm, linh hồn, Phật tánh, bản thể vũ trụ, cho đến 33 cõi trời và cảnh giới Niết Bàn đều do tưởng uẩn tạo ra. Từ đó con ngưòi dùng tưởng tri và ý thức để phân biệt hiểu các pháp, chứ thật sự các pháp không có thật”.
Thế giới siêu hình là thế giới bóng dáng mà con người lầm chấp có thật. Thật sự nó không có, nó chỉ là một hình bóng của tưởng uẩn mà thôi.
Có người đến hỏi Thầy Chơn Thành: “Con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu?”
Thầy Chơn Thành đáp: “Con người sanh ra từ dục, sống trong dục, chết trở về dục”. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn và đúng như lời Phật đã giảng trong kinh: “Con người sinh ra do từ nhân quả, sống trong nhân quả và chết đi về nhân quả”.
Bởi con người không rõ luật nhân quả, nên chịu mãi trôi lăn, muôn đời muôn kiếp trong nhân quả, mà không biết lối thoát ra khỏi nhân quả. Người hiểu biết nhân quả, luôn giữ gìn mỗi hành động thân, miệng, ý làm thiện với mình, với người, chẳng hề làm một điều ác nào cả, để mình không khổ và người khác không khổ. Theo luật nhân quả người làm thiện như vậy, khi chết sẽ sanh nơi thiện, hưởng được phước báo đầy đủ, sanh ra trong gia đình giàu có, muốn chi có nấy, lại được học hành đến nơi đến chốn và được nuôi dạy trong môi trường đạo đức sống toàn thiện, tạo thêm phước báo cho đời sau nữa. Ngược lại, kẻ không hiểu luật nhân quả, thường không giữ gìn những hành động thân, miệng, ý thiện, nên thường làm những điều ác, tạo khổ cho mình cho người, sống quãng đời hiện tại luôn luôn khổ đau, bất an, bất toại nguyện, v.v… Sau khi thân hoại mạng chung, chết sanh vào nơi bất thiện, hưởng quả báo nghèo cùng, khổ đau, bệnh tật, tai nạn, đói khát, thiếu cơm ăn, áo mặc, sống không nhà cửa, vất vưởng ngủ hè, ngủ chợ, không được học hành, sống trong môi trường thiếu đạo đức, nên càng ngày càng làm điều ác hơn, tạo nhiều nhân quả xấu, thì đời sống lại càng khổ đau hơn nhiều.
Sống trong môi trường ác nghiệt như vậy, thì lại tạo những điều cực ác hơn nữa và như vậy, khi thân hoại mạng chung, chết phải đọa vào những cảnh khổ hơn làm người bần cùng và sanh vào những loài thú vật, côn trùng, v.v…
Người đó lại hỏi nữa: “Tại sao các thầy bói lại biết đồ vật trong nhà mình, khi mình đến xem bói”, Thầy Chơn Thành trả lời: “Đó là do tưởng thức, chỉ có người tu chứng mới biết rõ ràng tận nguồn gốc của nó mà thôi. Thế giới tưởng không thể dùng trí hữu hạn của con người mà hiểu được, chỉ có trí vô hạn của Phật mới thấu suốt và biết nó như thật. Ví như, mới học toán lớp một, mà đòi hiểu toán đại học sao hiểu được? Muốn có trí vô hạn lượng, hiểu thấu suốt các pháp, thì phải tu tập.
Nếu không tin lời Phật dạy: “Thế giới siêu hình là thế giới tưởng, có hay không có thì phải tu tập theo đúng con đường của đạo Phật, thì tự mình chứng nghiệm không những thế giới siêu hình đó, mà còn thông suốt cả không gian và thời gian tận cùng của vũ trụ”.
Qua giáo lý kinh sách Nguyên Thủy của đạo Phật, đức Phật đã xác định nhiều bài kinh rằng: thế giới siêu hình chẳng có, đó chỉ là một thế giới tưởng của con người lưu xuất từ tưởng uẩn mà thôi, nó không bao giờ có thật sự.
Đức Phật cũng còn xác định rằng: Nếu thế giới siêu hình có thật, thì đạo Phật không có mặt trên hành tinh này. Tại sao vậy?
Đạo Phật ra đời vì mục đích giải khổ cho con người. Nếu thật sự có thế giới siêu hình, tức là các pháp trên thế gian này không phải do duyên hợp tạo thành, mà phải do một đấng Vạn năng sáng tạo. Vì thế mọi sự trừng phạt và khen thưởng đều do vị này. Chúng ta hãy chịu khó đọc lại một đoạn kinh Tiểu Thừa trong tập kinh Tăng Nhất A-Hàm, tập 1 trang 455 thuộc tạng kinh Việt Nam. Các Thầy Tỳ kheo thưa hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! có sắc nào thường còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời, mà không di động chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào hằng còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời mà không di động chăng?”
Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ kheo ! Không có sắc nào hằng còn tồn tại mãi ở đời mà không biến đổi, lại không có thọ, tưởng, hành, thức nào, hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi”.
“Này các Thầy Tỳ kheo! Nếu lại có thức này (linh hồn, Phật tánh, Bản lai diện mục, Thần thức, v.v..) hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi, thì người tu Phạm hạnh (tu theo đạo Phật giới, định, tuệ) chẳng thể phân biệt được thiện ác và chẳng thể dứt hết gốc khổ”.
Lúc bấy giờ, đức Phật, lấy một ít đất để trên đầu móng tay và bảo: “Nếu chỉ còn một chút xíu đất trên móng tay ta, không thay đổi thường hằng, thì người tu theo Phạm hạnh (theo Phật giáo) chẳng thể chấm dứt các khổ”.
“Vì thế, này các Thầy Tỳ kheo ! Vì không còn chút xíu thức nào, nên mới thực hiện được phạm hạnh, dứt được mé khổ.”
Bài kinh trên đã xác định rõ ràng, nếu còn có một chút xíu thế giới siêu hình (linh hồn, thần thức) thì đạo Phật không có mặt trên hành tinh này, vì không thể tu tập, làm chủ sanh, già, bệnh, chết được mà đã tu tập không làm chủ được sanh, già, bệnh, chết thì mục đích của đạo Phật ra đời để làm gì?
Hay ra đời để bắt chước lục sư ngoại đạo, xây dựng thế giới siêu hình có Thần Thức, Linh Hồn, Tiểu Ngã, Đại Ngã, Chơn Như, Phật Tánh, Bản Thể Vạn Hữu, Bản Lai Diện Mục, v.v..
Thời đại đức Phật ra đời là thời đại dân trí còn thấp kém, con người đang sống trong mê lầm lạc hậu, mê tín, nên tất cả các tôn giáo khác đều theo sự lạc hậu, mê tín đó đang ở trong bối cảnh xã hội như vậy. Các tôn giáo cũng không thể nào thoát ra khỏi thế giới siêu hình tưởng đó. Vì vậy các tôn giáo cũng là những con người đang nằm trong thế giới tưởng uẩn của họ, cho nên không còn có cách nào khác hơn được nữa, họ phải xây dựng thế giới siêu hình vĩ đại hơn của con người đang có, để dễ lừa đảo hơn. Thế nên, pháp môn tu tập của các giáo phái cũng không thoát ra khỏi tưởng tuệ, thường sống trong tưởng tri. Cho nên, họ đều xây dựng thế giới siêu hình, có thần linh, có linh hồn, thì phải có sự cứu rỗi, có ban phước lành; thì phải có gia hộ, có trừng phạt, có giáng họa; có gia hộ, có trừng phạt, có giáng họa, thì phải có thưởng, có khen, v.v...
Vì thông suốt thời gian và không gian của vũ trụ, nên đạo Phật biết rất rõ các cõi đều do tưởng tri của con người sản xuất ra, nên mạnh tay đập phá thế giới hữu hình cũng như thế giới siêu hình, bằng một sự biết rất rõ, nó không có thật thường làm đau khổ cho loài người. Cho nên, qua những bài pháp chỉ thẳng rất thực tế và cụ thể, mà hiện giờ thời đại khoa học của chúng ta cũng phải chấp nhận những bài pháp đó thật là logic và khoa học.
Ngài chấp nhận cõi Trời, là chấp nhận việc làm thiện của con người. Những hành động thiện sẽ mang đến cho họ một cuộc sống an vui, thanh thản và hạnh phúc, đó là cảnh giới “Thiên Đàng”, Ngài chấp nhận ngay tại cuộc sống ở thế gian này, là cõi “Trời” chứ không ở cõi nào khác cả.
Ngài chấp nhận cõi địa ngục, là chấp nhận những việc làm ác của con người. Những hành động ác đó sẽ mang đến cho họ một cuộc sống tai ương, họa khổ, bất an, đó là cảnh giới địa ngục, tại thế gian này, chứ không có cõi địa ngục nơi nào khác cả.
Cho nên, “Thiên Đàng” hay “Địa Ngục” đều ở tại cảnh giới thế gian này, do chính bàn tay, khối óc, lời nói của con người tạo ra, chứ không phải có cảnh giới Thiên Đàng, Địa Ngục có sẵn để trừng phạt và khen thưởng con người.
Theo giáo lý của Đức Phật dạy: “chẳng có ai ban phước giáng họa cho con người, mà chính con người tự ban phước giáng họa cho mình”.
Ngài chấp nhận cảnh giới Niết Bàn là chấp nhận một trạng thái tâm hồn đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp.
Ngài không chấp nhận thế giới siêu hình huyễn hoặc, do tưởng tri bịa đặt ra để lừa đảo, lường gạt người khác, tạo cảnh giới mê tín, khiến cho con người tiền mất tật mang, mà chẳng ích lợi gì cho cuộc sống. Ngài thường cho thế giới đó là thế giới bóng dáng của thập nhị nhân duyên, thế giới tưởng tri của con người, vì vô minh chẳng rõ nên lầm chấp là có thật mà thôi.
Thời đại đức Phật ra đời, là thời đại tình trạng dân trí còn thấp kém, lạc hậu, nên thường sống trong tưởng tuệ, không thể hiểu được thực thể của các pháp, luôn luôn bị các nhà tôn giáo “tưởng”, dồn nhét vào đầu óc con người, thêm những hình ảnh huyền bí, thần thông siêu việt, những linh hồn ngự trị ở cây cao bóng mát, những ma thiêng như đom đóm lập loè trong đêm tối, những vị thần linh khổng lồ vĩ đại, như đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế quyền uy sáng tạo vũ trụ, cai trị, xử phạt, ban phước, giáng họa cho cả loài người và chư thiên. Muốn cho thế giới tưởng đó hoạt động một cách hiệu nghiệm, các nhà tôn giáo dùng tưởng ấm của mình, bằng cách “ức chế ý thức và ám thị tưởng ấm”, khiến cho ý thức phải ngưng nghỉ, tưởng thức hoạt động. Muốn cho ý thức ngưng hoạt động và tưởng thức hoạt động các nhà tôn giáo phải tọa thiền, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, luyện bùa, luyện chú, ám thị, kệ tụng kêu gọi âm binh, tạo cảnh hồn ma, phách vía mờ mờ, ảo ảo, nói chuyện quá khứ, vị lai, trị bệnh, trừ tà, ếm quỷ, trừ ma linh hiển, khiến cho người ta quá sợ hãi và tin tưởng.
Cũng do thế giới siêu hình huyền ảo đó, bằng cách này hoặc bằng cách khác, tưởng giải ra mọi hình thức trừu tượng ảo ảnh. Con người đang sống trong tai ương, hoạn họa, bệnh tật khổ đau của nhân quả và đứng trước cảnh thiên tai, thủy tai, hỏa tai, địa họa sấm sét kinh thiên động địa, trước cảnh đó làm sao con người không sợ hãi, khiếp đảm và không tin tưởng thế giới siêu hình sao được.
Vì sợ hãi, con người phải xin gia nhập vào tôn giáo để nương tựa, nhờ sự gia hộ, cứu độ của đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Chúa, chư Phật, chư Bồ Tát, v.v… Từ đó con người đặt trọn niềm tin sống trong thế giới siêu hình tưởng, một thế giới hình bóng mà không biết cứ ngỡ rằng đó là thế giới chơn thật, đến khi chết bỏ thân này cũng sẽ trở về thế giới vĩnh viễn đó. Vì vậy mọi việc làm thiện ở đời này, đều hồi hướng cầu mong được chấp nhận về nơi ấy. Đó là một ảo tưởng của con người thời xa xưa và con người thời bây giờ cũng đang ở trong tâm nguyện như vậy.
Thế giới siêu hình này, đã ăn sâu vào tận gốc con người, một truyền thống lâu đời, khó mà gọt sạch được trong thời gian ngắn, mặc dù hiện giờ có người đã biết, đó là một thế giới tưởng (thế giới không thật có) tuy biết vậy nhưng cũng không thể bỏ được.
“Vả lại, trí hữu hạn của con người, không tài nào họ hiểu sự vật đúng như thật được, nên dù sao họ cũng phải tin rằng, có thế giới siêu hình.”
Đạo Phật ra đời, trong một giai đoạn con người đang sống trong thế giới tưởng, chịu ảnh hưởng của các tôn giáo thần quyền rất sâu đậm, nên khó thuyết phục con người đập phá thế giới siêu hình một sớm một chiều được. Vì vậy, đức Phật nói thẳng, nói mạnh, ai muốn hiểu sao tùy ý, sáng suốt thì nhờ vô minh mù mờ thì chịu. Cho nên, có những bài kinh đức Phật nói rất mạnh mẽ, để xác định rõ ràng, thế giới siêu hình không có, chỉ là tưởng tri.
Đọc kinh sách Nguyên Thủy, ta nhận xét rõ đạo Phật ra đời, quyết đem lại một sự hiểu biết thật sự cho con người, một cuộc sống chơn thật, khiến cho con người không còn lầm lạc để thoát ra khỏi cảnh khổ đau, bất an, bất toại nguyện v.v……
Pháp môn của Ngài tu tập, thiết thực, cụ thể, rất khoa học, không mơ hồ, trừu tượng, viển vông, thực tập để thoát khổ của kiếp làm người.
Muốn thoát kiếp khổ làm người, thì phải thực hiện một đời sống Phạm hạnh của một tu sĩ Phật giáo (giới luật) và tập tỉnh thức trong từng niệm của cuộc sống, không làm khổ mình, khổ người, bằng ý thức cụ thể, rõ ràng, đối với các pháp, luôn luôn lúc nào cũng cảnh giác không để tưởng thức xen vào. Vì có tưởng thức xen vào, thì mất ý thức tỉnh giác, đối với các pháp, lúc nào, tà niệm cũng hiện tiền, có tà niệm thì có ác pháp sanh khởi, ác pháp sanh khởi thì con người phải chịu khổ đau. Khi con người có khổ đau, có tai nạn, có bệnh tật v.v… Thì thế giới siêu hình tưởng phải đến với họ.
Khi đức Phật còn tại thế, người ta đặt trọn niềm tin ở Phật, nhờ thế mà có một số người sống đúng Phạm hạnh như Phật nên mới tu chứng đạt chân lí thật sự, vì sống theo gương hạnh của Phật, cho nên thoát ra khỏi kiếp khổ của con người, làm chủ sự sống chết, luân hồi.
Đến khi đức Phật và các bậc Thánh Tăng nhập diệt, không còn ai làm gương hạnh, nên Phạm hạnh không còn với những bậc phàm Tăng. Giới luật bị bẻ vụn, không còn ai giữ gìn nghiêm túc, sống phóng dật theo dục lạc thế gian, ăn ngủ phi thời, không thiểu dục tri túc và không phòng hộ sáu căn. Từ đó các Ngài dựa vào pháp môn của ngoại đạo triển khai thành kinh sách Đại Thừa phát triển, thường lý luận để bảo vệ sự phạm giới, phá giới của mình, hòng che mắt tín đồ. Biến dần giáo pháp của đạo Phật thành một giáo pháp mê tín, Phật giáo biến thành thần giáo, đức Phật biến thành ông thần chuyên làm việc gia hộ ban phước. Pháp môn của Phật dùng để trau dồi thân tâm, sửa những lỗi lầm, xa lià ác pháp, viễn ly tâm ham muốn và tu tập nhập các loại định làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Thế mà bây giờ lại biến thành giáo pháp tụng niệm, cúng tế, trừ tà, ếm quỉ, trị bệnh, cầu an, cầu siêu, v.v… Dựng lên 33 cõi trời, và vô số cõi Phật, có một cõi Cực Lạc Tây Phương rất lý tưởng của loài người, một bản thể siêu việt vĩ đại (Phật tánh) thường, lạc, ngã, tịnh (an lạc và bất biến mãi mãi trường tồn). Kể ra tất cả các tôn giáo trên thế gian này, không có một tôn giáo hữu thần nào hơn được Phật giáo Đại Thừa.
Theo tưởng giải, dựa vào giáo pháp của ngoại đạo, kinh sách phát triển Đại Thừa đã dìm mất giáo pháp chơn chính của đạo Phật, đến giờ này, ngay chính vào thời đại của chúng ta, là thời đại khoa học hiện đại, thế mà, những con người có học thức, có trình độ trên đại học, vẫn còn tin có thế giới siêu hình và cũng còn mê tín như những người dân lạc hậu xưa kia, thì làm sao những người dân lao động, thiếu học không tin được.
Các nhà học giả Đại Thừa giáo rất khéo léo, đem tất cả giáo lý của ngoại đạo pha trộn lại, biến thành giáo lý Phật giáo Đại Thừa, trong đó có vay mượn giáo pháp Nguyên Thủy, nhờ đó dễ bề lừa đảo tín đồ Phật giáo, trong mọi giai cấp con người.
Ở đây, giới bình dân ít học, kiến thức hiểu biết còn hạn hẹp, trước cảnh tai ương, hoạn họa, bệnh tật nan y; trước cảnh thiên tai, dịch họa; trước cảnh bão lụt, địa chấn, hỏa sơn, khiến cho con người khiếp đảm, sợ hãi, trong sự khiếp đảm sợ hãi đó con người tưởng ra những vị thần linh có đầy đủ oai lực, có sự ban phước và cũng có sự giáng họa, theo hành động thiện ác của mỗi người.
Lợi dụng tưởng tri mê tín này, các tôn giáo xây dựng thế giới siêu hình, biến thành cõi Thiên Đàng và Địa Ngục, có chư Phật, Thánh, Tiên, Thần, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Diêm la, Thủy phủ, tà, ma, quỉ quái, v.v.. Xây dựng thế giới siêu hình xong các vị giáo chủ sản xuất những loại kinh, cúng tế, tụng niệm, cầu an, cầu siêu, làm lành, bố thí, phóng sanh và còn kêu gọi cúng dường trai Tăng, xây chùa, cất tháp, lập miếu, dựng đình, v.v…
Giới trí thức có hiểu biết hơn, thì không tin sự mê tín vu vơ đó, lại tin vào sự mê tín trừu tượng như: Bản Thể Vạn Hữu, Tâm, Tánh, Phật Tánh v.v.. Do đó họ chạy theo những pháp môn thiền định, tu tập để mong “Kiến tánh thành Phật”. Thật là buồn cười cho mọi người. Khi thấy tánh thành Phật thì làm lợi ích gì cho mình, cho người, hay chỉ dùng ba tấc lưỡi lừa đảo người khác. Thấy tánh thành Phật có hết tâm tham, sân, si không? Có làm lợi ích gì cho kiếp sống của con người không? Hiện giờ biết bao nhiêu người đã kiến tánh thành Phật mà đã hết tâm tham, sân, si chưa? Đã thành Phật chưa? Phật như thế nào? Hay là những danh từ “đại giác” suông? “chứng đạo” suông? “Giác ngộ” suông? Kiến tánh thành Phật sao còn tham tiền, tham bạc, ăn ngủ phi thời, giới hạnh, giới đức chẳng có, sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới v.v…
Trong khi đạo Phật, không chấp nhận thế giới siêu hình; không chấp nhận tụng kinh, cúng bái, cầu nguyện, tế lễ, thì cúng bái tụng kinh, cầu khẩn và tế lễ với ai cho ai đây? Đạo Phật là Đạo vô ngã. Vậy, ngồi thiền nhập định để kiến tánh thành Phật là Phật gì? Vô ngã sao lại còn có Phật?
Đạo Phật là một tôn giáo ra đời, để giải quyết bốn điều khổ của kiếp người “sanh, già, bệnh, chết”. Giáo pháp của Người xây dựng trên một nền tảng “Đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người”.
Pháp môn của Người dạy tu tập tỉnh thức là để ngăn chặn lòng tham muốn và ngăn chặn các ác pháp, nhờ đó mới mang lại sự an vui, thanh thản và hạnh phúc cho mình, cho người. Một giáo pháp rất thực tế và cụ thể cho mọi người, nếu mọi người ai cũng ý thức và hiểu biết về pháp môn này, nỗ lực thực hiện sống đúng lời dạy của đức Phật, thì xã hội loài người sẽ trở thành Thiên Đàng, Cực Lạc, còn có cần gì đi tìm cõi Thiên Đàng, Cực Lạc mơ hồ, trừu tượng kia, mà chẳng bao giờ có.
Vừa rồi, chúng tôi được đọc một cuốn sách tựa đề “Sự sống sau khi chết”. Đọc xong cuốn sách này, nếu người nào không có tu tập theo giáo lý Nguyên Thủy của đạo Phật và không có chứng nghiệm pháp hướng tâm, thì chắc chắn phải tin rằng có thế giới siêu hình. Toàn bộ cuốn sách tác giả đã lượm lặt những mẩu chuyện “cận tử nghiệp”. Tác giả này chưa bao giờ tìm hiểu Phật giáo và nếu bây giờ có tìm hiểu và nghiên cứu Phật giáo thì ông ta cũng vẫn hiểu lầm lạc, vì một đám mây mù giáo pháp của Đại Thừa đã che phủ và lấp kín, lời dạy của đức Phật.
Những mẩu chuyện cận tử nghiệp của bao nhiêu người lâm sàng trên giường bệnh trong bệnh viện, tác giả đều cho đó là một trạng thái của cuộc sống sau khi chết. Họ đâu biết rằng trong thân tứ đại này, khi con người còn sống có cả hai thế giới hữu hình và vô hình, nhưng khi thân tứ đại này chết, thì cả hai thế giới ấy đều diệt sạch. Khi thân này còn sống, cái gì hoạt động trong thế giới hữu hình? Và cái gì hoạt động trong thế giới vô hình?
Khi còn sống, con người hoạt động trong thế giới hữu hình bằng “sắc thức”. Sắc thức gồm có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức; còn hoạt động trong thế giới vô hình thì chỉ bằng một “tưởng thức”.
Bình thường hằng ngày chúng ta sống làm mọi việc, thì ý thức điều khiển hoạt động do ý căn (bộ óc và thần kinh). Khi ý thức ngưng hoạt động giống như người đang ngủ, thì tưởng thức hoạt động, sinh ra giấc mộng (chiêm bao), cũng do ý căn (bộ óc và hệ thần kinh) điều khiển.
Cho nên một người bị bệnh tim, gan, phèo, phổi, v.v… một trong những bộ phận đó bị ngưng hoạt động, được xem như chết, nhưng thật chưa chết hẳn, ý thức ngưng hoạt động, hơi thở dừng, tim không đập, nhưng hệ thần kinh tưởng còn hoạt động, tức là tưởng thức hoạt động (chiêm bao). Giấc chiêm bao đó gọi là “cận tử nghiệp”. Hằng ngày trong cuộc sống họ ưa thích làm những điều ác, thiện, đi chùa, nhà thờ, cúng, bái, tụng, niệm, ngồi thiền, ước vọng được sanh lên Thiên Đàng gặp Chúa, được vãng sanh về Cực Lạc Tây Phương, gặp Đức Phật Di Đà, được thấy hào quang ánh sáng của chư Thiên, chư Phật, chư Bồ Tát, v.v… Đó là những người được theo các tôn giáo và được những giáo pháp của các tôn giáo đã ghi những ấn tượng vào đầu óc của họ bằng những hình ảnh Chúa, Phật, ánh sáng, hào quang, hoa sen, thì cận tử nghiệp sẽ thể hiện giấc mộng y như hình ảnh đó.
Lợi dụng cận tử nghiệp, Tịnh Độ Tông xử dụng hộ niệm để giúp người sắp chết, thực hiện giấc mộng trực vãng Tây Phương. Tịnh Độ Tông nghĩ rằng: nghiệp cuối cùng (cận tử nghiệp) có thể, thể hiện được những ước ao và ý nguyện lúc còn sống. Đó là về phần của những người có tôn giáo.
Còn những người không tôn giáo, thì cận tử nghiệp thực hiện giấc mộng theo tâm ham muốn danh, lợi, thương, yêu, mến, tiếc, giận hờn, tức tối, thù hận, căm ghét, la hét, sợ hãi, v.v.. Đó là những điều làm ác, ngược lại làm thiện thì cũng thấy cảnh vui tươi, hoan hỷ, sung sướng v.v..
Vì huân tập thành thói quen (nghiệp lực), lúc sắp chết, tưởng thức hoạt động từa tựa như giấc chiêm bao. Giấc chiêm bao chỉ có sáu thức ngưng hoạt động, còn toàn bộ cơ thể đều hoạt động bình thường.
Người sắp chết, cũng ở trong trường hợp này sáu thức ngưng hoạt động nhưng lại khác là do một tạng phủ nào bị hư hoại không hoạt động được, chứ không giống như người ngủ chiêm bao.
Đó là trường hợp người sắp chết tưởng thức hoạt động, nên thấy mình xuất hồn ra khỏi thân và thấy thân đang nằm trên giường bệnh, các y, bác sĩ đang làm hô hấp cứu chữa. Nhưng cũng có người lúc lâm sàng trên giường bệnh chết, bấy giờ duyên năm uẩn chưa phân ly, nên tưởng thức hoạt động, bịnh nhân như nằm mộng, thấy hào quang ánh sáng, chư Thiên Thần, chư Tiên, chư Phật, chư Bồ Tát, Ngọc Hoàng, Thượng đế, quỉ sứ, ngưu đầu, mã diện, vua Diêm La, v.v.. Nhờ hô hấp, cứu chữa của y, bác sĩ, bệnh nhân tỉnh lại, giống như một giấc mọng và kể lại cho những người thân nghe: “chắc chắn có sự sống sau khi chết, có địa ngục hẳn hoi”. Qua những hình ảnh đó, con người không ngờ, đó là một hình bóng, do tâm ước muốn mà tưởng thức thể hiện qua giấc mộng cận tử nghiệp.
Nếu thật sự năm duyên ngũ uẩn phân ly, tan rã thì chẳng còn gì là của ta nữa hết, linh hồn, thần thức, Phật Tánh cũng tiêu tan hết, chỉ còn lưu lại nghiệp thiện, nghiệp ác mà thôi và tiếp tục theo nghiệp thiện, nghiệp ác đó, tương ưng vô minh theo hành động nhân quả của kẻ khác tái sanh luân hồi (Vô minh sanh hành, hành sanh thức).
Từ vô minh, chúng ta tạo nghiệp thiện nghiệp ác, trong cuộc sống hằng ngày, đến khi chết rồi, chỉ còn lại nghiệp thiện, nghiệp ác, rồi cũng theo vô minh, tiếp tục tái sanh luân hồi kiếp khác, cứ mãi như vậy, trôi lăn trong dòng nước nghiệp muôn kiếp muôn đời.
Do thế, đức Phật dạy: “con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả và chết trở về nhân quả”, chúng ta biết rất rõ, chẳng có thế giới siêu hình, chẳng có đấng tạo hóa nào cả, chẳng ai sanh chúng ta ra cả và cũng chẳng có ai ban phước, giáng họa cho ta được, mà chính chúng ta biết dừng dòng nước nghiệp, thì tất cả tai nạn, bệnh tật, đau khổ và sự tái sanh luân hồi đều chấm dứt.
Trí hữu hạn của con người không thấu suốt và không thấy rõ thế giới nhân quả, nên lầm chấp có thế giới này, có thế giới kia, rồi sanh ra dính mắc, cái này thường hằng, cái kia vô thường, từ đó tranh luận theo tưởng giải, kiến chấp, ngã chấp của mình, sản xuất ra biết bao nhiêu cái sai lầm, sai lạc, tự cho cái này đúng, cái kia sai, rồi chia phe nhóm ra bài bác, chỉ trích lẫn nhau, loanh quanh, lẩn quẩn suy tới, nghĩ lui cũng chỉ ở trong vòng tưởng thức mà thôi, không thể nào vượt ra khỏi sự hiểu biết hữu hạn của ý thức con người.
Đời sống của con người, sự hiểu biết lúc bình thường là ý thức, đến khi, gặp thiên tai, hỏa họa, sấm sét, chớp giăng, lũ lụt, bão tố, tai ách, bệnh tật nan y v.v….Trước những cảnh quá khiếp đảm sợ hãi đó, ý thức không thể nào hiểu nổi được, nên tưởng thức bắt đầu hoạt động, thì thế giới siêu hình hiện ra, có những vị Thần trong tâm tưởng của họ như: Thần Mưa, Thần Sấm, Thần Sét, Thần Núi, Thần Sông, Thần Cây, Thủy Thần, Hỏa Thần, Thổ Thần, v.v.. Tất cả những vị Thần này có thể ban phước, giáng họa cho loài người.
Với lòng thành kính tin tưởng và lúc nào cũng tựa nương vào những đấng thần linh này, nên có việc lớn, việc nhỏ gì cũng đều van vái, cầu khẩn, cúng bái các vị thần linh, lòng tin tưởng đó bắt đầu có hiệu nghiệm, thấy có sự linh nghiệm rõ ràng. Cho nên người ta nói rằng: gò mối mà cứ đến thắp hương cúng bái, thì gò mối cũng linh hiển. Cái linh hiển đó từ nơi đâu mà có? Chưa có ai hiểu được, ngoại trừ những bậc chơn tu, thạc đức, tu hành đúng theo đường lối của đạo Phật đạt đến Tứ Thiền, Tam Minh mới biết rõ từ nơi tưởng ấm của con người nhờ sức “ám thị” tạo ra, hay nói một cách khác, sự linh hiển đó, do lòng tin tưởng của chúng ta, tự động đã ám thị trong tâm chứ không phải có các thần linh trong thế giới siêu hình linh hiển thật sự.
Từ sự linh hiển đó, khiến cho người ta tin rằng, có thế giới siêu hình thật sự, có ma, có quỉ, có linh hồn người chết. Tin tưởng vào những hình bóng như vậy, gọi là mê tín, tin mà quên mình dám hy sinh cho những thần linh đó, gọi là cuồng tín. Đó là những giai đoạn đa thần, do từ lòng quá sợ hãi của con người sản xuất ra bằng tưởng thức, để an ủi tinh thần lúc quá khiếp đảm sợ hãi.
Tôn giáo ra đời cũng dựa vào lòng mê tín đó, không bỏ bớt các vị thần kia nhưng lại xây dựng một thế giới siêu hình nhất thần, do các đấng giáo chủ có đủ quyền năng điều khiển và sai khiến được các vị thần của dân gian đặt ra, họ có quyền năng tối cao hơn các vị thần khác, nên con người tin theo và xin gia nhập vào tôn giáo đó để được các vị thần trên hết ban phước cho mình.
Các nhà làm tôn giáo, chỉ cần thực hiện một vài thần thông tưởng nho nhỏ, do sự tu tập thiền định tưởng, hoặc dùng tưởng lực bùa chú, tạo ra những thần lực mà con người bình thường không thể làm được, thì mọi người sẽ theo tôn giáo mình rất nhiều. Ví như biến hóa, tàng hình, đi trên nước, đi trên lửa, đi trên hư không như chim bay, biết chuyện quá khứ vị lai của người khác, trị bệnh, trừ tà, ếm quỉ, v.v.. Làm những việc như vậy sẽ có nhiều người theo tôn giáo mình rất đông.
Có một số tôn giáo lợi dụng sự trị bệnh và cứu trợ tiền bạc, thực phẩm, gạo, sữa, đường, thuốc thang, v.v.. để lôi cuốn mọi người vào tôn giáo mình, đó là mánh khoé của các nhà làm tôn giáo. Cho nên Đại Thừa giáo có Tứ Nhiếp Pháp để nhiếp phục người khác vào tôn giáo mình.
Do dùng tưởng tập luyện, nên tâm danh, lợi, sắc dục vẫn còn, vì thế, khi có chút ít thần thông, thì lập thành một giáo phái, rồi hướng dẫn người theo giáo phái mình tu tập. Nếu vị giáo chủ không sa ngã danh, lợi và sắc đẹp, có giới luật, có kỷ cương hẳn hoi, có pháp hành và tu tập có kết quả, thì giáo phái đó được duy trì lâu dài, còn ngược lại không có kỷ luật, vị giáo chủ đắm say danh lợi và sắc dục thì thần thông tưởng biến mất, vị giáo chủ kia đi ở tù vì tội lừa đảo.
Trong đương thời, phát triển đạo giáo, thì vị giáo chủ bày ra đủ thứ mê tín, khiến con người hao tốn tiền bạc rất nhiều, nhưng cũng có điều dạy rất tốt, dạy người làm lành, biết thương yêu nhau, bố thí giúp nhau trong cảnh hoạn nạn, tương thân tương trợ đoàn kết với nhau. Nhưng rất độc tài và bảo thủ tôn giáo mình nên sách động tín đồ làm việc cực ác. Phần nhiều có chiến tranh trên hành tinh này đều do tôn giáo gây ra, máu xương con người chất như núi.
Bởi vậy, tôn giáo ra đời có lợi mà cũng có hại, lợi là dạy người làm thiện, tu thiện, biết thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau; hại là tôn giáo này tranh giành tín đồ với tôn giáo khác, vì hệ tư tưởng khác nhau. Nhưng xét cho cùng, tất cả các tôn giáo khác trên thế gian này đều lấy tưởng thức tu tập, thậm chí như: Võ công, Khí công, Khinh công, Nội công, Yoga, Dưỡng sinh đều tập luyện bằng tưởng lực, chỉ trừ ra có Phật giáo không dùng tưởng.
Phật giáo lấy ý thức chủ động điều khiển, lấy đạo đức nhân quả làm nền tảng vào đời, nên không làm khổ mình, khổ người, luôn sống với trí tuệ nhân quả, chuyển hóa được quả xấu thành quả tốt, luôn tạo nhân lành bằng hành động thân, miệng, ý, tránh tạo nhân ác, khiến đời sống mình và mọi người đều được tràn đầy hạnh phúc, an vui, chan hòa với nhau.
Những giáo lý và pháp môn đạo đức cao quý này, đã bị những giáo lý tưởng giải, kiến giải của các nhà học giả Đại Thừa triển khai ra và đã tìm mọi cách dìm mất giáo lý của đạo Phật, nên hiện giờ con người trên hành tinh này đã đánh mất đi một nền đạo đức nhân bản – nhân quả tuyệt vời không làm khổ mình, khổ người.
Nếu các tôn giáo cho rằng: có đời sống sau khi chết, và lấy những mẩu chuyện cận tử nghiệp của nhà sưu tầm Raymono A-Moody cho là thật, thì chúng tôi xin nêu một ví dụ.
Ví dụ, có một bệnh nhân cần phải mổ, trước khi mổ phải gây mê cơ thể cho người này. Khi bị gây mê, người này không còn biết gì hết, giống như người ngủ say, thì lúc bấy giờ linh hồn người này đâu bị gây mê, sao họ lại mất tiêu, không xuất linh hồn ra ngoài thân, để xem lại thân họ đang bị mổ, như các trường hợp trong sách này thuật lại. Trường hợp thứ hai, trong các nhà Thiền bảo rằng: “thể tánh con người hằng biết, hằng nghe, hằng thấy. Vậy, sao lúc gây mê chẳng còn nghe thấy biết gì cả?”
Phật dạy: “cận tử nghiệp”, người sắp chết thường thể hiện cận tử nghiệp như giấc mộng, thấy cảnh giới này, cảnh giới khác, có người thì mê man bất tỉnh chẳng biết gì cả, đó là tùy theo nghiệp (thói quen do lòng ham muốn), tiếp tục tái sanh, luân hồi theo nghiệp lực dục tương ưng với đối tượng nghiệp lực dục đó, ngay liền sau khi thân này, không còn phục hồi lại được nữa. Do đó sự sống sau khi chết không có, chỉ có một cuộc sống hiện hữu đang tiếp diễn trong luật vô thường nhân quả, từ thân này đến thân khác liên tục mãi, tiếp nối nhau mãi không bao giờ có kẽ hở, như ngọn đuốc này tắt, tiếp nối ngọn đuốc khác.
Đó là một đạo luật nhân quả bất di bất dịch, muôn đời muôn kiếp của loài người không có ai thay đổi được, bởi vì con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả và chết trở về nhân quả.
vvvvv
(Trích Đường Về Xứ Phật tập IV)
No comments:
Post a Comment