Hỏi: Kính thưa Thầy, có tu sĩ đã thụ giới đến hàng Thanh Văn mà còn đứng trước Tam Bảo tuyên bố với Phật tử: “Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối”. Thưa Thầy, như thế các Phật tử biết được người ăn chay đều đả phá, nhất là những người ăn một bữa, thì họ nói là xưa kia, Đức Phật Thích Ca tu khổ hạnh đã thành Phật đâu, nhờ có tiên nữ dâng sữa tươi Ngài mới tỉnh ra. Rồi sau đó phải ăn rồi mới tu hành được. Vì là uống sữa vẫn là ăn mặn. Xin Thầy giảng và nói rõ cho con hiểu?
Đáp: Người xưa đã chẳng nói: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, miệng không vành nó méo tứ tung”. Câu nói: “Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối” đó là lối lý luận của những người đội lốt tu sĩ Phật Giáo phạm vào giới luật, dùng miệng lưỡi chống chế lỗi lầm để đánh lạc hướng Phật tử và tự tại ăn thịt chúng sanh mà chẳng chút lòng thương yêu. Đó là bọn Ma vương đội lốt tu sĩ Phật Giáo để phá hoại Đạo Phật, những hạng người này là trùng trong lông sư tử.
Không biết người ta hiểu như thế nào là ăn mặn và như thế nào là ăn chay. Ăn mặn có nghĩa là ăn thịt chúng sanh, không có lòng thương xót chúng sanh, coi mạng sống chúng sanh rất rẻ. Chà đạp, đánh đập, giết hại mà chẳng thấy sự đau khổ của chúng sanh.
Dù kẻ đó ăn rau cải, tương dưa nói chung là thực phẩm thực vật, nhưng không có tâm từ bi thương xót chúng sanh, thì kẻ đó đối với Phật Giáo là kẻ ăn mặn, kẻ đó đang sống trong ác pháp (tạo nhân ác, quả khổ cho chính họ), kẻ ăn chay đó là con bò ăn cỏ.
Còn kẻ nào ăn uống thực phẩm gì cũng được, miễn là trong thực phẩm đó không có sự giết hại, không có sự đau khổ của chúng sanh thì đó là ăn chay. Mục đích của Đạo Phật là từ bi, cho nên trong sự sống phải luôn luôn thị hiện lòng từ bi, thương xót tất cả muôn loài chúng sanh. Nếu có sự chết và khổ đau của chúng sanh thì không bao giờ ăn. Do đó mới gọi Đạo Phật, Đạo Phật chính là đạo “Từ Bi”.
Sữa là một thực phẩm trong thân động vật, do từ cây cỏ, rau cải, đậu đi vào thân động vật và chế biến thành, trong đó không có sự chết của chúng sanh. Vì thế người tu sĩ Phật Giáo được dùng, như Đức Phật ngày xưa đã thọ dụng sữa dê. Như vậy, đâu có lỗi gì với Đạo Phật. Vì Đức Phật đâu có dạy chúng ta ăn chay như Bà La Môn. Bà La Môn dạy chúng ta ăn chay như con bò ăn cỏ. Đức Phật dạy chúng ta ăn không thấy, không nghe, không nghi có nghĩa là ăn không thấy, không nghe và không nghi trong thực phẩm có sự chết chóc và sự đau khổ của chúng sanh. Trong “Bát Chánh Đạo”, Chánh Mạng là một điều quan trọng thứ nhất, vì nuôi Chánh Mạng bằng sự đau khổ và chết chóc của chúng sanh thì Chánh Mạng thành tà mạng. Và người nuôi tà mạng thì tu hành không thành Phật mà thành quỷ dữ. Vì thế, đừng lấy việc uống sữa dê của Đức Phật ngày xưa mà cho đó là thực phẩm mặn, để rồi lấy cớ ăn thịt chúng sanh cho thỏa thích.
Còn ngược lại ăn chay, ăn toàn rau cải mà tâm không có từ bi thương xót muôn loài chúng sanh thì giống như con bò ăn cỏ. Còn cho sữa là thực phẩm mặn là người đó không hiểu Đạo Phật và cũng không hiểu mục đích của Đạo Phật thì tu hành để làm gì?
Như ở trên chúng tôi đã nói, trong Bát Chánh Đạo có “Chánh Mạng”, Chánh Mạng, tức là nuôi mạng sống chân chánh. Muốn nuôi mạng sống chân chánh thì không nên nuôi nó bằng sự đau khổ của chúng sanh (như ăn thịt chúng sanh, gọi là ăn mặn).
Đối với Chánh Mạng, nếu giết hại chúng sanh làm thực phẩm để nuôi sống thân mạng thì đó là nuôi tà mạng, nếu tham lam trộm cắp, lấy của không cho về nuôi thân mạng, dù là ăn chay (thực phẩm thực vật rau cải) thì vẫn là nuôi tà mạng; nếu làm nghề cúng bái, tụng niệm, xem xăm, bói quẻ, coi ngày giờ tốt xấu, làm thầy địa lý, thầy pháp, thầy bùa, thầy thuốc châm cứu, v.v..... để trao đổi cuộc sống, đó là nuôi tà mạng; nếu đi khất thực tiền bạc, của báu để nuôi mạng sống đó là nuôi tà mạng; nếu buôn bán làm ruộng rẫy, trồng cây trái vườn tược để nuôi sống đều là nuôi tà mạng.
Tất cả mọi nghề nghiệp trên đây để nuôi mạng sống, đều không đúng đường lối tu tập của Đạo Phật. Cho nên nuôi mạng sống như vậy, thì dù tu ngàn kiếp cũng không thành tựu đạo giải thoát.
Xưa, Đức Phật vào rừng tọa thiền, loài khỉ vượn hái trái cây dâng cúng dường. Phật không thọ dụng khi thấy trong chùm trái cây chín có nhiều kiến, vì thọ dụng loài kiến sẽ bị động làm chúng đau khổ, nên Đức Phật dù đang đói nhưng không ăn.
Loài vượn thấy Đức Phật không ăn nên đến quan sát lại chùm trái cây, thấy kiến. Chúng đã hiểu ý Phật, nên đi hái trái cây khác không có kiến bu, lúc bấy giờ dâng lên Đức Phật nhận và thọ dụng. Qua chùm trái cây như vậy ta thấy rõ, khi thọ dụng thực phẩm (tức là nuôi mạng sống) Đức Phật hết sức cẩn thận. Chùm trái cây là thực phẩm chay hay mặn? Tại sao Đức Phật lại không ăn? Và tại sao lại ăn? Chắc quý vị ai cũng đều rõ, Đức Phật không ăn dù đó là món ăn chay, nhưng trong đó có sự đau khổ của chúng sanh. Đức Phật thọ dụng thực phẩm, trong đó không có sự đau khổ của chúng sanh. Sữa lấy ra từ loài động vật nhưng trong đó không có sự đau khổ của chúng sanh nên Phật thọ dụng. Trái cây lấy ra từ loài thực vật, nhưng có sự đau khổ của chúng sanh nên Ngài không ăn.
Câu nói “ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối” đó là bọn tà sư ngoại đạo mang lốt tu sĩ Phật Giáo, quyết tâm diệt Phật Giáo trên hành tinh này, chúng là trùng trong lông sư tử. Quý Phật tử là đệ tử của Phật phải cảnh giác bọn tà sư ngoại đạo này, đừng để chúng diệt Phật Giáo. Nếu Phật Giáo bị diệt thì loài người sẽ bị thiệt thòi, mất đi nền đạo đức nhân bản, nhân quả. Một nền đạo đức không làm khổ mình khổ người.
vvvvvv
(Trích Đường Về Xứ Phật tập VII)
No comments:
Post a Comment