Saturday, October 16, 2010

MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ TU SĨ ĐI XIN ĂN


THÌ THẾ GIAN NÀY SẼ RA SAO?
Câu hỏi của Chơn Thành
 Hỏi: Kính thưa Thầy, giả sử cả đất nước này đều là những người xuất gia tu hành theo Đạo Phật ba y một bát đi xin ăn, thì ai là người trồng cây và sản xuất ra lương thực và thực phẩm. Vậy phải  xin ăn ở đâu? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Câu hỏi của con chỉ là một giả thuyết, chứ không bao giờ có hiện thực. Giả sử nếu có thật đi nữa, thì điều này không khó con ạ! Từ các cấp lãnh đạo trong nước cho đến toàn dân đều tu hành theo đạo Phật hết thì con nên nhớ: “Đạo Phật là đạo trí tuệ”. Khi trường hợp ấy xảy ra, thì các nhà lãnh đạo trong nước sẽ chia tu sĩ thành hai dòng tu:
1- Dòng tiếp hiện
2- Dòng chuyên tu
Dòng tiếp hiện tổ chức giữ gìn trật tự, an ninh bờ cõi và sản xuất lương thực, thực phẩm, giúp đỡ cho dòng chuyên tu có thực phẩm sống hằng ngày, ngày một bữa để thực hiện chiều sâu của Phật pháp. Nếu những tu sĩ dòng chuyên tu, tu hành đã xong, thì rời khỏi dòng chuyên tu, để thay thế cho những tu sĩ dòng tiếp hiện, giữ chức vụ, vai trò thực hiện để tiếp tục giữ gìn an ninh, đất nước và sản xuất, lương thực, thực phẩm, v.v...
Vậy, lúc bấy giờ tu sĩ chuyên tu có chỗ, nơi đi khất thực và có tổ chức hẳn hòi, chứ có gì đâu mà sợ không có thực phẩm để sống tu hành.
Đó là một điều kiện được đặt ra giả thuyết, cho mọi người trên hành tinh này đều là tu sĩ Phật giáo hết, thì việc tổ chức hai dòng tu như vậy là hợp lý.
Dù con người có tu hay không tu, khi mà có người theo tôn giáo tu hành, thì sự tổ chức của tôn giáo phải có chia làm hai dòng tu, thì tôn giáo đó mới bảo đảm cho những người theo tu hành, còn nếu không có tổ chức như vậy thì tôn giáo ấy phát triển không vững vàng, có lúc thịnh, có lúc suy như tôn giáo Phật giáo hiện giờ. Sự tổ chức của Phật giáo hiện giờ thiếu chặt chẽ, phát triển theo anh hùng cá nhân, không phải phát triển theo tập thể. Một tôn giáo tổ chức phát triển theo tập thể có chiều sâu và có chiều rộng thì thế đứng vững vàng, còn phát triển theo anh hùng cá nhân, khi cá nhân ấy mất đi, hoặc làm một điều gì mất uy tín thì tôn giáo ấy sẽ bị suy vong và sụp đổ.
Cho nên, đứng về mặt tôn giáo, muốn tôn giáo đó hưng thịnh mãi mãi thì phải xây dựng nền kinh tế của tôn giáo đó vững vàng và mỗi tín đồ phải được trang bị học tập và trau dồi đức hạnh. Một nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người, có được như vậy thì tôn giáo ấy mới sống mãi trường tồn với loài người.
Trên thế gian này nếu có một tôn giáo biết tổ chức được như vậy, thì loài người trên hành tinh này sẽ sống trong cảnh Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn thực tế, chứ không phải còn là một giấc mơ mà con người hằng mơ ước từ bao thế kỷ nay.
Đối với con người trên thế gian này nếu tất cả đều biết tu hành theo Phật giáo sống thiện, sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì thì phước báu vô lậu vô lượng nên cây cỏ thảo mộc tự ra hoa trái đầy đủ sung mãn nên có lo gì đến sự đi khất thực. Phải không con?
vvvvv

(Trích Đường Về Xứ Phật tập VI)

No comments:

Post a Comment