Saturday, October 16, 2010

PHẬT VÀ A LA HÁN


Câu hỏi của Viên Minh.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy dạy trên bản thể giải thoát của một vị A-La Hán và Phật hoàn toàn đồng nhau. Cả hai đồng nhau mà sao vị A-La-Hán không thành Phật liền, và đến bao giờ vị đó thành Phật?
 Đáp: “Phật” là một danh từ chỉ cho người tu hành đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi, gọi là “Chứng đạt chân lí, tâm vô lậu hoàn toàn
“A-La-Hán” cũng là một danh từ chỉ cho người đã tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt tái sanh luân hồi, cũng gọi là “Chứng đạt chân lí”, tâm cũng vô lậu hoàn toàn.
Nếu chúng ta gọi Phật là A-La-Hán có đúng không?
 Đúng, vì tâm vô lậu và làm chủ sanh tử luân hồi giống nhau, nhưng Đức Phật cũng tự xưng mình là A-La-Hán.
 Nếu chúng ta gọi A-La-Hán là Phật có đúng không?
Đúng, vì A-La-Hán tu hành giải thoát như Phật, cũng tâm vô lậu, cũng làm chủ sanh tử luân hồi như nhau.
Hai người giải thoát giống nhau, làm chủ giống nhau, người thì gọi là “Phật”, người thì gọi là “A-La-Hán”, đó là thâm ý độc ác của các nhà Đại Thừa giáo, quyết tâm dìm các bậc tu hành chơn chánh của đạo Phật, xuống hàng chót “Tiểu Thừa”, thiền của bậc A-La-Hán tu hành,  thì gọi là “Thiền Phàm Phu”, còn thiền của Bồ tát tu thì gọi là “Đại Thừa Thiền, Phật Thiền, Như Lai Thiền”. Chỉ được có danh từ rất vĩ đại còn tu tập thì rơi vào tưởng định, một loại bệnh thiền định.
Mưu đồ nham hiểm của ngoại đạo, đưa giáo pháp của mình vào đạo Phật và tìm mọi cách tiêu diệt giáo pháp của đạo Phật để thành lập một Phật giáo mới “Đại Thừa Phật Giáo”. Ý đồ rất rõ ràng qua kinh sách Đại Thừa, Bồ Tát Giới và nhất là bốn bộ kinh A Hàm. Một bộ kinh mà các Tổ biên soạn để làm bước chuyển tiếp bằng những bài kinh móc nối chuyển qua Đại Thừa một cách có hệ thống, khiến cho hàng tín đồ Phật giáo không cách nào tìm ra sự gian dối và thâm ý ác độc của các giáo sĩ Bà La Môn.
Đọc bốn bộ kinh A Hàm và năm bộ kinh Nguyên Thủy, so sánh lại ta thấy có nhiều bài kinh mà các Tổ bịa đặt thêm để chuyển tiếp qua Đại Thừa một cách rõ ràng và cụ thể, nếu có dịp thuận tiện Thầy sẽ kê ra những bài kinh đó để cho tất cả tín đồ Phật giáo hiểu rõ thâm ý độc ác của họ hơn.
Hiện giờ, mọi người tu theo đạo Phật mà lại tu tập theo giáo pháp của ngoại đạo (Bà La Môn) thì thật là đau lòng, mọi người bị gạt mà không biết, tu hành chẳng đi đến đâu mà không hay, chỉ có ba hoa tranh luận hơn thua cao thấp bằng ba tấc lưỡi, thiền miệng, thiền  ngôn ngữ.
Các Bà La Môn giết đạo Phật mà không cần gươm đao, chỉ bằng những danh từ cay độc, hiểm ác sâu sắc “Đại Thừa, Tối Thượng Thừa, Phật Thừa của giáo pháp Bà La Môn còn Phật Giáo chánh gốc thì gọi là Tiểu Thừa”, những danh từ đó cũng đủ đã giết chết đạo Phật. Thật sự là vậy, đạo Phật đã chết từ lâu.
Hiện giờ tu sĩ Phật giáo đều chịu ảnh hưởng rất sâu về giáo lý Bà La Môn Đại Thừa, Tối Thượng Thừa. Kinh sách của họ viết ra đều lý luận theo kiểu Đại Thừa và Tối Thượng Thừa thuộc kinh sách Vệ Đà.  Còn Phật Giáo Nguyên Thủy thì họ đã bỏ quên mất, mặc dù có nhiều thầy Tỳ kheo đi học đại học Phật Giáo Nguyên Thủy ở Ấn Độ về, nhưng lối lý luận của họ đều chịu ảnh hưởng sâu sắc giáo pháp của Bà La Môn.
Tại sao vậy?
Tại vì giáo pháp Nguyên Thủy của đức Phật giới luật và đạo đức rất nghiêm chỉnh, đời sống phạm hạnh không thể tu sĩ thời nay sống nổi, chỉ vì tâm tham đắm vật chất danh lợi thế gian nên quý thầy dù học kinh sách Nguyên Thủy, nhưng vẫn thích sống đời sống Đại Thừa.
 Bởi vậy, Phật là A-La-Hán, A-La-Hán là Phật. “Phật là chúng sanh đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành”, câu nói này giữa chúng sanh và Phật còn không khác, chỉ khác nhau chỗ thời gian mà thôi, còn bậc A-La-Hán là người tu đã giải thoát hoàn toàn mà gọi là Tiểu Thừa, như vậy quý vị có thấu hiểu lòng dạ của các nhà Đại Thừa như thế nào không?
 Hai người tu hành đều chứng như nhau, làm chủ sự sống chết như nhau, có khác nhau là chỗ Phật là Đấng Giáo Chủ, người sáng lập ra tôn giáo Phật Giáo (Đạo Phật).
 Tuy biết rằng giáo pháp của đạo Phật tu hành không phải khó, nhưng khó với thời đại vật chất hiện nay, vì quá tiện nghi và quá đầy đủ, khiến người ta không bỏ được lòng tham muốn, giáo pháp của Phật rất rõ ràng và cụ thể tu hành đến đâu có giải thoát đến đó, không có mơ hồ trừu tượng. Vậy mà đã bị dìm mất hằng bao thế kỷ nay, khiến cho tín đồ Phật giáo không còn biết đường tu hành. Chúng tôi hiện giờ khai hoang lại con đường này, mong sao những thế hệ sau này có lộ trình tốt đẹp hơn để có pháp môn tu tập, đi đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn. Và những ước nguyện của chúng tôi được thấy con người trên hành tinh này, sống đối xử với nhau bằng đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người. Nếu được vậy thì đó là đạo Phật đã sống lại với con người và sống mãi mãi.
vvvvv

(Trích Đường Về Xứ Phật tập IV)

No comments:

Post a Comment