Saturday, October 16, 2010

VÔ MINH


Câu hỏi của Viên Minh.
 Hỏi: Kính thưa Thầy! Ngồi tu chỉ một niệm “gục” là tâm người ấy bị vô minh che đậy. Nếu trong một tháng mà tu không một niệm “gục”, thì tâm người ấy đã được thanh thản. Nếu con tu mỗi lần 10 hơi thở, con xả nghỉ một phút và tiếp tục tu 30 phút, như vậy con không bị “gục”. Khi xả nghỉ tâm con có lúc nhẹ nhàng, nếu con cứ tu như vậy, con còn bị vô minh che đậy nữa không? Cầu xin Thầy chỉ dạy.
  Đáp: Nếu con tu tập không bị “gục” và thất niệm thì con đã phá sạch vô minh, chỉ vì thời gian con tu hiện giờ còn ngắn lắm, chỉ cách khoảng 10 hơi thở xả nghỉ một phút, sức tỉnh thức chưa kéo dài được, nhưng con khéo thiện xảo tu như vậy và siêng năng không biếng trễ niệm “gục” và thất niệm không có, thì sức tỉnh thức sẽ cao độ, thời gian sẽ chiếm trọn ngày đêm, lúc bây giờ vô minh bị quét sạch.
  Vốn chúng ta sanh ra đời, mang nghiệp thân nhân quả khổ đau này, do từ nơi vô minh. Nếu quét sạch vô minh, thì chúng ta đã giải thoát hoàn toàn, đâu còn gì phải tu nữa. Chính vì phá vô minh, mà đạo Phật dạy ta tu tập, nhắm vào sức tỉnh giác. Từ Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở, đều phải tu trên Thân Hành Niệm, lấy mọi hành động của thân tu tập để tạo sức tỉnh thức, do tu như vậy nên không bị niệm “gục”. Nhưng con cũng nên nhớ: chỉ có giới luật nghiêm túc thì niệm “gục” mới không thăm con, như lời Phật đã dạy. Hiện giờ niệm “gục” đến thì nên dùng pháp Thân Hành Niệm mới quét sạch, ngoài pháp môn Thân Hành Niệm khó mà thắng niệm “gục”.
Tỉnh thức có thì vô minh không có, cho nên người tu còn gục và thất miệm là chưa có sức tỉnh thức. Do tu sai pháp, tu quá sức, ngồi nhiều, không đi kinh hành, không tu trong mọi hành động. Sức tỉnh thức chưa có thì vô minh còn; vô minh còn thì tham, sân, si còn; tham, sân, si còn; thì ác pháp còn; ác pháp còn thì tâm dục còn; tâm dục còn thì chưa giải thoát.
Muốn phá vô minh mà hành giả cứ tìm kiếm học hỏi và nghiên cứu, để được thông suốt giáo lý kinh điển thì hành giả đó, chỉ là học giả, vô minh lại càng vô minh hơn. Đừng nghĩ rằng học hỏi nghiên cứu thông suốt tam tạng kinh điển là hết vô minh. Đó là một điều nghĩ sai.
Các nhà Đại Thừa, các Thiền Sư, các nhà học giả, họ là những người thông suốt kinh sách, lý luận sắc bén, đối đáp như gió thổi, nhưng đối với đạo Phật, họ là những kẻ vô minh, chỉ vì chưa có sức tỉnh thức, còn “Gục”.
Các pháp môn tu tập thiền định của đạo Phật, được chia làm hai loại rất rõ ràng và cụ thể:
 1- Các pháp môn tu tập Tỉnh thức.
 2- Các pháp môn tu tập Chánh niệm.
Vấn đề tu tập, quan trọng trong đạo Phật, là phải tu tập như thế nào, để phá sạch vô minh?
Vì biết rõ do vô minh, nên nghiệp lực của con người, tiếp tục mãi tái sanh luân hồi và chịu biết bao đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác.
Muốn chấm dứt khổ đau thì phải đoạn dứt vô minh. Vì thế đường lối của đạo Phật, bắt đầu phải tu tập pháp nào trước. Vì đức Phật là hành giả tu tập các pháp môn của ngoại đạo, không đạt được giải thoát, nên Ngài đã quá thông suốt, khi dạy người tu thiền định, bắt đầu phải thực hành pháp môn trước  tiên: là “Thân Hành Niệm” Thân Hành Niệm, tức là nương theo hành động của thân nội và ngoại để tập tỉnh thức, nhờ có tỉnh thức tâm mới phá vô minh, tức là tâm luôn tỉnh thức trong Chánh niệm, (Thân niệm) nên đức Phật ghép hai danh từ này lại thành một tên thiền định của đạo Phật, “Chánh Niệm Tỉnh Giác Định”. Một loại định xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp, mang đến cho hành giả từng phút, từng giây giải thoát.
Pháp môn Chánh niệm tỉnh giác định là một pháp môn trong bốn pháp môn để tu tập ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, nên có tên gọi là “Tứ Chánh Cần”, một pháp môn ngăn ác, diệt ác tuyệt vời, luôn sống trong thiện pháp, an vui trong thiện pháp, khiến cho hành giả có một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.
Để tiếp tục pháp thứ hai, con đường của đạo Phật diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp hành giả tu tập “Định Vô Lậu” để triển khai tri kiến giải thoát.
Muốn tu tập Định vô lậu, hành giả phải có sự tỉnh thức khá cao, dùng sức tỉnh thức đó quán xét nhân quả trong mỗi tâm niệm, mỗi đối tượng, mỗi sự việc và mỗi hoàn cảnh. Từ đó sẽ thấy các pháp vô thường như thật, khổ như thật, vô ngã và bất tịnh như thật.
Trên đường tu tập, nếu con tu đúng như lời dạy trên đây, thì phải tu tập kế tiếp những pháp môn sau đây: Định Niệm Hơi Thở và Định Sáng Suốt, vì các lọai định này rất cần thiết để đẩy lùi các chướng ngại pháp. Do đẩy lùi các chướng ngại pháp thì mới phá sạch vô minh. Nhờ đó con không còn gục và thất niệm nữa, từ đây về sau tâm hồn con thanh thản, an lạc và vô sự. Từ đó một niềm vui vi diệu của đạo Phật xuất hiện mà không tìm nơi đâu có được.
vvvvv

(Trích Đường Về Xứ Phật tập IV)

No comments:

Post a Comment