Saturday, October 16, 2010

CẬN TỬ NGHIỆP


Hỏi: Kính thưa Thầy, con đọc cuốn “Sống Và Chết” của dịch giả Thích Quang Phú giáo sư Phật học trường Quốc học Huế nói về cận tử nghiệp của người bệnh sắp chết qua đời:
1/ Khi người bệnh tắt hơi thở cuối cùng là lúc các hành trong thân đang tan rã, đau đớn, nếu động vào thân như thay quần áo v.v... làm cho người đó đau đớn hơn, nên sanh lòng sân hận, khiến cho nghiệp lực người đó chuyển từ từ sang ác, do đó sẽ bị đọa vào sáu nẻo luân hồi (mặc dù người đó là Tỳ Kheo vẫn bị đọa).
Đáp: Cuốn sách “Sống Và Chết” của dịch giả Thích Quang Phú dịch là cuốn tiểu luận cận tử nghiệp của Đại Thừa Giáo luận theo cận tử nghiệp của ngoại đạo (Bà La Môn) nên không đúng với ý nghĩa của Đạo Phật. Kinh sách Đại Thừa xây dựng cận tử nghiệp theo tưởng giải của tà giáo ngoại đạo, không đúng sự thật, chỉ có những người không biết thì tin, còn những người thông suốt kinh sách Nguyên Thủy thì không thể nào tin được.
Bài kinh Nhập Tứ Xuất Tức trong Trung Bộ tập 3 trang 249, Đức Phật đã dạy và xác định rất rõ ràng: “hơi thở vô, ra còn là thân, thọ, tâm và pháp của chúng sanh còn, hơi thở ra, vô dừng là thân, thọ, tâm, pháp của chúng sanh dừng”. Người nhập Tứ Thiền hơi thở ngưng nghỉ mà thân, thọ, tâm, pháp không hoại diệt là nhờ sức thiền định. Người bình thường không nhập được Tứ Thiền khi hơi thở ra vô ngưng nghỉ thì thân, thọ, tâm, pháp của người ấy cũng ngưng nghỉ.
Như trong kinh Phật dạy: Hành đã diệt thì lấy gì thân còn hoạt động, tâm thức đã mất thì lấy gì còn biết đau, thọ đã diệt thì lấy gì mà đau, hơi thở tức là hành diệt, thọ diệt, tâm diệt thì thân lúc bấy giờ như cục đá, gốc cây còn biết gì đau nhức, giận hờn. Cho nên kinh sách “Sống Và Chết” chỉ là tưởng giải của các nhà Đại Thừa. Giáo sư Quang Phú là một nhà học giả giảng theo kinh sách như vậy, chứ Ngài cũng không biết đúng, sai. Ngài giống như một con chim học nói, xưa các Tổ nói sao thì  bây giờ Ngài giảng lại như vậy.
Khi hơi thở dừng thì các hành trong thân đều dừng, các hành trong thân đều dừng thì thọ và tâm thức cũng dừng, mà thọ và tâm thức dừng thì còn biết đau biết nhức chỗ nào nữa đâu. Như vậy là một kiếp người đã hết rồi, không còn nữa. Cho nên kinh Sống Và Chết là loại kinh mê tín, loại kinh lừa đảo người, lừa đảo tín đồ.
Cận tử nghiệp chỉ là sự tưởng tượng của Tịnh Độ Tông để hộ niệm cho người sắp lâm chung, để giúp cho người sắp chết bình tỉnh giữ được niệm Phật Di Đà, niệm Phật A Di Đà, đó là một thiện niệm tốt nhất của pháp môn này.
Gốc nghiệp là do hằng ngày chúng ta huân tập nhân ác hoặc thiện, tới giờ sắp chết muốn cho toàn thiện thì không thể được. Nếu hàng ngày huân điều thiện thì thói quen thiện sẽ thể hiện trước giờ lâm chung cận tử nghiệp thiện; nếu huân tập điều ác thì thói quen làm việc ác sẽ thể hiện trước giờ phút lâm chung cận tử nghiệp ác. Đó là một lẽ công bằng, công lý và rất hợp lý của đạo Thánh Hiền.
Kinh sách Đại Thừa dạy không hợp lý, phi đạo đức Thánh Hiền có ngụ ý gian xảo lường gạt mọi người.
Suốt đời, sống làm điều ác gây biết bao tang tóc đau khổ cho người và muôn vật, đến khi sắp chết thì mới thỉnh các sư thầy và cư sĩ đến hộ niệm để cho người tỉnh táo niệm Phật theo mà quên đi những hành động ác, do quên đi những hành động ác mới tạo ra cảnh giới cận tử nghiệp thiện, từ đó thoát cảnh đọa sáu nẻo luân hồi để về Cực Lạc Tây Phương.
Kinh sách Đại Thừa rất xảo trá dạy cho chúng ta tạo cảnh cận tử nghiệp một cách lừa đảo, gian xảo lường gạt người trần tục của chúng ta. Nếu có cõi Cực Lạc Tây Phương thật sự thì chắc gì kinh sách Đại Thừa lừa đảo được Đức Phật Di Đà.
Nếu theo giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà tu tập “Tứ Chánh Cần” ngăn ác, diệt ác, sanh khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp, thì suốt đời chẳng làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh, thì cận tử nghiệp phải là thiện, cần gì phải nhờ người khác hộ niệm. Còn làm ác, chuyên làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh thì dù có rước hàng trăm vạn Tỳ Kheo cho đến các vị Phật ở khắp mười phương đến để hộ niệm cho người sắp chết, thì người ấy vẫn đọa địa ngục như thường. Vì luật nhân quả rất công bằng và công lý.
Những kinh sách Đại Thừa dạy phi chân lý, phi đạo đức như vậy, thế mà người ta nghe danh từ Đại Thừa, thì ai cũng tưởng mình tu theo pháp Đại Thừa là “ngon” “vĩ đại” “cao thượng”, nào ngờ bị lừa đảo mà không biết.
Kinh sách Đại Thừa là một loại kinh sách tưởng, kinh sách không đáng tin cậy, kinh sách nói mơ hồ trườn uốn như con lươn, nói hai mặt để khiến cho người ta không bắt bẻ được. “Nói như vậy, chứ không phải nghĩa như vậy”.
Tin hay không tin là quyền của quý vị, nhưng ít ra quý vị đừng để kẻ khác lừa đảo mình, quý vị hãy suy nghĩ đi. Đạo Phật dạy người không có lừa đảo, chân thật, tự lực cứu mình chẳng cần ai hộ niệm cho mình cả, chỉ có mình mới giải quyết sự đau khổ cho chính mình. Nên những bài pháp trong kinh Nguyên Thủy dạy tự mình sửa sai và khắc phục những điều ác để đem lại sự an vui cho mình, cho người trong hiện tại thì có lo gì ai hộ niệm để tạo cận tử nghiệp tốt cho mình.
vvvvv

(Trích Đường Về Xứ Phật tập VII)

No comments:

Post a Comment