Saturday, October 16, 2010

CẦU PHÚC XIN LỘC


Hỏi: Kính thưa Thầy, đầu năm đi chùa để lễ bái cầu phúc, cầu lợi, có lợi lạc gì không thưa Thầy? Nhất là ngày rằm tháng giêng thì chùa nào cũng đông nghẹt, từ sáng sớm đến khuya, vì người ta nghĩ “Đi lễ quanh năm, không bằng đi ngày rằm tháng giêng!”
Chúng con cúi xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Đó là phong tục mê tín từ lâu trong các chùa Đại Thừa dùng cầu phúc cầu lợi để lừa đảo tín đồ Phật Giáo, đem phúc lợi cho những tu sĩ ngồi trong mát, ăn bát vàng hơn là phúc lợi cho tín đồ. Đi chùa để nghe pháp, nhớ lời Phật dạy về đạo đức làm người để sống toàn thiện. Nếu một người nghe lời Phật dạy, luôn luôn sống toàn thiện, thì phước lộc đầy đủ, cần gì phải đi chùa cầu phước, cầu lợi? Nếu đi chùa quanh năm, hoặc nhân ngày rằm tháng giêng đến lễ Phật, cầu chư Phật ban phúc ban lộc mà chẳng làm một điều lành, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, không hề tu tập nhẫn nhục, tùy thuận, vui lòng, lúc nào cũng có phiền não sân hận, bất toại nguyện, v.v... thì có ích lợi gì? Có Phật nào ban cho phúc lộc hay không? Đụng việc gì cũng làm to ra, la lối om xòm, chửi làng, mắng xóm, cuộc sống lúc nào cũng bỏn xẻn, ích kỷ, không hề giúp đỡ người bất hạnh thì dù có lạy Phật đến sói đầu, cầu phước, cầu lộc cũng chẳng có được chút nào. Đó là một việc làm mê tín, mơ hồ, phi đạo đức, không có thánh thần, chư Phật, chư Bồ Tát nào ban phước, ban lộc cho quý vị ấy được, vì những việc ban phước ban lộc như vậy, không đúng đạo đức công bằng và công lý.
Cầu phúc cầu lợi không bằng sống đúng đạo đức nhân quả. Không làm khổ mình khổ người thì cuộc sống sẽ có phước báo đầy đủ; đó chính là hành động đối xử với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng với mọi người.
Cầu phúc cầu lợi là một việc làm mê tín trừu tượng, ảo mộng. Vì chẳng có ai ban phước ban lộc cho mình, mà chỉ có chính mình làm được những hành động thiện; thân, miệng, ý không làm khổ mình khổ người. Đó sẽ là sự ban phước, ban lộc cho mình cụ thể, thiết thực và rõ ràng.
Đi chùa cầu phước, cầu lộc là việc làm thiếu trí tuệ. Nếu chúng ta làm ác, bỏn xẻn, ích kỷ, thì thử hỏi có ai dám đem phước lộc đến chúng ta chăng?
Phước lộc không phải tự dưng mà đến với chúng ta. Nó đến với chúng ta bằng tâm niệm tốt của chúng ta, do chúng ta biết thương người, biết giúp đỡ người trong cảnh bất hạnh tai ương, biết ban phúc ban lộc cho người gặp cảnh khó khăn.
Phước lộc đến với chúng ta phải đến với sự công bằng và công lý. Nếu ta làm xấu ác, chẳng giúp người trong cảnh khổ nạn thì khi chúng ta gặp khổ nạn chẳng có thần thánh hay ai giúp chúng ta được, và chẳng bao giờ có phước lộc đến với chúng ta được.  Nếu chúng ta có ban phước lộc cho người thì phước lộc mới đến với chúng ta, chẳng cần cầu khẩn gì cả. Thế nên Đức Phật đứng trong góc độ đạo đức nhân quả mà dạy chúng ta tu hành. Đầu năm đi chùa, lễ bái, cầu phúc, xin lộc chẳng được phước lộc mà còn bị kẻ khác lừa đảo, lường gạt, tiền mất tật mang. Đầu năm đi chùa lễ bái cầu phúc xin lộc để rồi trở thành những tín đồ Phật Giáo mê tín dị đoan, lạc hậu, bị người đời cười chê là những Phật tử ngu si, mê muội.
Đầu năm đến chùa xin được đảnh lễ bậc chân tu giới đức, để học hỏi những đức hạnh của người thì đó là phước là lộc. Người chân tu hướng dẫn và chỉ dạy cho mình những hành động sống để được phúc lộc an vui thanh thản và hạnh phúc. Đầu năm đi chùa cầu phúc xin lộc như vậy mới là chân chánh vì ích lợi thiết thực cho mình, cho người, cho xã hội và cho đất nước quê hương.
Tóm lại, đi chùa lễ bái cầu phúc xin lộc là hành động mê tín dị đoan, thiếu đạo đức, thiếu trí tuệ, là ngu si mê mờ. Đi chùa lễ bái bậc chân tu, xin dạy đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người là chân chánh, không mê tín lạc hậu. Đó là người cư sĩ đệ tử Phật thông minh và trí tuệ, tìm học những điều phúc lộc chân chánh, cụ thể, thực tế, không mơ hồ, trừu tượng.....
vvvvv

 (Trích Đường Về Xứ Phật tập VII)

No comments:

Post a Comment