Saturday, October 16, 2010

MỜI ÔNG BÀ ĐÃ CHẾT VỀ ĂN TẾT


Câu hỏi của Liễu Nghĩa.
Hỏi: Kính thưa Thầy, hằng năm cứ đến ngày giỗ và sắp đến ngày Tết, người còn sống ra mồ mả mời ông bà, cha mẹ đã chết có từ 60, 70 năm nay, về ăn Tết với con cháu, như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Câu hỏi này có hai cách trả lời để xác định:
1- Mê tín
2- Chánh tín
Câu hỏi này mê tín như thế nào?
Như trong các kinh Đại Thừa dạy: “Người chết còn thần thức nên nghiệp dẫn thần thức đi luân hồi. Đó là hiện tượng thế giới siêu hình của tưởng tri Đại Thừa”. Nếu còn có thần thức, tức là linh hồn đi luân hồi tái sanh thì đến ngày Tết, ngày giỗ ra mộ mời những người như ông bà, cha mẹ đã chết lâu rồi, về ăn Tết với con cháu, mà đã đi đầu thai rồi còn đâu về ăn Tết với con cháu, đó là sự mê tín của Đại Thừa Giáo. Đối với Phật Giáo Nguyên Thủy thì con người do các duyên hợp lại mà thành, nên không có linh hồn và thần thức. Trong kinh Ngũ Uẩn đã dạy: “Thân người gồm có 5 duyên: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi một người chết thì năm duyên này đều tan rã sạch, không còn sót một chút xíu nào cả. Cái còn lại đi tái sanh luân hồi là “Nghiệp”. Nghiệp là những hành động thiện, ác của con người hằng ngày huân tập mà thành”. Vì thế, khi chết con người chẳng còn sót cái gì, thì làm sao về ăn Tết với con cháu được. Còn nghiệp là hành động thiện ác huân tập mà thành, thì nghiệp làm sao về ăn Tết với những người thân được. Vì thế, mời ông bà, cha mẹ về ăn Tết với con cháu là mê tín không đúng tính cách “Chánh Tín” của Đạo Phật.
Đại Thừa cho người chết còn có thần thức nên có cầu siêu: làm tuần 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giáp năm, ba năm v.v... Đó là lối mê tín lạc hậu của Đại Thừa Giáo, trong khi Phật Giáo Nguyên Thủy xác định: không có thế giới siêu hình, thế giới siêu hình chỉ là thế giới tưởng tri.
Mê tín dân gian cho rằng, người chết là đàn ông có 3 hồn 7 vía (tam hồn thất phách), đàn bà có 3 hồn 9 vía (tam hồn cửu phách).
Khi người chết chỉ còn một hồn một vía sống tại mồ mả, còn tất cả các hồn vía khác đều xuống dưới địa ngục âm ty để thọ tội, và tiếp tục đi tái sanh luân hồi. Do mê tín này, trở thành một tục lệ đến ngày giỗ, ngày Tết con cháu ra mộ mời ông bà cha mẹ đã quá cố lâu xa về ăn Tết với con cháu.
Từ mê tín của Đại Thừa, đến mê tín của dân gian đều đi ngược lại đường lối của Đạo Phật.
Mê tín của Đại Thừa là tạo ra nghề nghiệp tụng niệm, cầu siêu để kiếm miếng sống như các nghề nghiệp khác. Nhưng nghề tụng niệm cầu siêu là nghề lừa đảo lường gạt người, lấy hình thức báo hiếu cho những linh hồn ông bà, cha mẹ được siêu thoát về miền Cực Lạc Tây Phương.
Đại Thừa là loại giáo pháp mê tín có sách vở, có bài bản nên khó ai thấy được. Vì thế, mọi người đều sa lưới bẫy của Đại Thừa.
Nghề này đã trở thành một nghề cắt họng thiên hạ, tụng một ngọ có giá cả hẳn hòi không có mặc cả được.
Câu hỏi này về “Chánh Tín” như thế nào?
Hằng năm nhớ lại ngày mất cha, mất mẹ, mất những người thân. Hoặc những ngày tư, ngày Tết cả gia đình cười đùa, vui chơi, thì họ lại nhớ đến công ơn của những người quá cố, nên đến nơi an nghỉ cuối cùng của những người thân thương này, tức là thăm mồ mả. Khi thấy mồ mả của những người thân, con cháu tưởng chừng những người khuất mặt đang ở đâu đây, nên mới mời những người đó về vui chơi Tết với con cháu. Đó là lòng tưởng nhớ của những người còn sống, chứ người chết rồi, còn những gì mà về ăn Tết vui chơi với con cháu.
Khi làm một việc gì mà không biết, không rõ cứ theo phong tục thói quen xưa bày nay làm; hoặc tin theo các tôn giáo chỉ dạy, chẳng cần suy tư tìm hiểu gì cả thì sẽ mang ý nghĩa mê tín lạc hậu. Chính vì làm mà không thấu rõ là mê tín. Còn ngược lại, khi làm việc gì, thì phải hiểu rõ, biết rõ việc mình đang làm, không bị ảnh hưởng phong tục, tập quán, không bị tôn giáo lừa đảo, đầy đủ ý nghĩa đạo đức làm người thì việc ấy là “Chánh Tín”.
vvvvv

 (Trích Đường Về Xứ Phật tập VII)

No comments:

Post a Comment