ĐỂ CÚNG DƯỜNG CHƯ PHẬT CẦU VÔ THƯỢNG PHÁP
Câu hỏi của Mật Hạnh.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong Thiền Tông có câu chuyện Huệ Khả chặt cánh tay dâng lên cúng dường Bồ Đề Đạt Ma để cầu pháp an tâm (Phật Tánh), như vậy Đức Phật có dạy điều này không? Xin Thầy giải rõ cho chúng con được hiểu.
Gần đây có một số quý Thầy đốt, chặt một lóng ngón tay trỏ để cúng dường chư Phật.
Chặt đốt, ngón tay cúng dường chư Phật có ích lợi gì cho bản thân? Xin Thầy chỉ rõ cho chúng con được hiểu. Những người chặt, đốt ngón tay cúng dường chư Phật tu hành có chứng quả hay không?
Đáp: Hủy hoại cơ thể hoặc một phần cơ thể để cúng dường chư Phật, mà trong kinh sách Đại Thừa đã có dạy, như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm tựa có những câu dạy :
“Lại thấy có Bồ Tát[1]
Bố thí cả vợ con
Thêm thịt cùng tay chân
Để cầu vô thượng đạo
vvv
“Lại thấy có Bồ Tát
Đầu mắt và thân thể
Đều ưa vui thí cho
Để cầu trí tuệ Phật"
Qua đoạn kinh này chúng ta quán xét thấy kinh Đại Thừa lừa đảo và lường gạt dạy tín đồ bằng cách bố thí cúng dường của cải, tài sản, vợ con cho đến thân mạng.
Thứ nhất, lừa gạt để cướp đoạt tiền bạc, châu báu ngọc ngà. Lấy đạo vô thượng, hay là Phật tánh để trao đổi bằng vàng bạc, ngọc ngà châu báu. Ở đây, có nghĩa là cúng dường chư Phật.
“ Dùng các món nhân duyên
Mà cầu chứng Phật Đạo”.
Muốn cầu chứng được đạo quả giải thoát thì nên trao đổi bằng:
“1- Vàng bạc, ngọc ngà, san hô, trân châu, ngọc như ý, ngọc xà cừ, mã não, kim cương và các trân bảo khác cùng tôi tớ, xe cộ, kiệu cán làm bằng châu báu, vui vẻ đem cúng dường, đừng tiếc rẻ để cầu chứng đạo quả.
2- Cúng dường cả vợ và con cho chư Phật, cho người khác để cầu chứng đạo quả giải thoát.
3- Đoạn thân mạng, tay chân, đầu mắt của thân thể cúng dường cầu đạo vô thượng” .
Qua những đoạn kinh trên trong bộ kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, mà được mọi người từ Thầy Tổ, cho đến ngày nay người ta đã tốn biết bao nhiêu giấy mực, để luận và giảng về bộ kinh nổi tiếng nhất trong kinh sách Đại Thừa: “Diệu pháp Liên Hoa kinh”. Một bộ kinh mà được các Thầy Tổ và tất cả Phật tử xem là một vật quý báu, thường ca ngợi và truyền tụng. Do bộ kinh này mà có nhiều người, đã thành lập đạo tràng lấy tên kinh làm tên chùa, tên đạo tràng của mình (Chùa Pháp Hoa, Đạo Tràng Pháp Hoa).
Một bộ kinh dạy người hủy hoại cơ thể để cầu pháp Đại Thừa. Xưa, Tổ Huệ Khả đã hủy hoại một cánh tay dâng lên Tổ Bồ Đề Đạt Ma để cầu pháp Tối Thượng Thừa.
Sư Trừng Quán chặt ngón tay cúng dường chư Phật để cầu chứng Phật Tánh. Gần đây trong hàng huynh đệ của chúng tôi, khi vào tu viện Chân Không cũng có một sư đệ lúc bấy giờ Thầy ấy chỉ là một chú Sa Di mà rất gan dạ, đốt một lóng ngón tay để cầu pháp (Thầy P.T). Khi chúng tôi vào tu viện thì vị Thầy đó vẫn còn băng bó vết thương.
Gần đây chúng tôi có đọc một tờ báo Công An T.H. Hồ Chí Minh năm thứ XXIII Bộ mới số 776 ngày 21 tháng 9 năm 1999 có đăng tin, tựa đề: “ Sao lại tin những lời tà đạo?”
“Tháng 6 năm 1999, qua nguồn tin quần chúng. Công An huyện Củ Chi phát hiện tại xã Tân Phú Trung có hai người một nam, một nữ tụ họp thêm một vài người dân đến nhà nghe giảng đạo. Đều là hai người này cùng bị mất một đốt ngón tay trỏ bên trái. Công An Củ Chi đã khám phá và ngăn chặn kịp thời nhóm tà đạo thuyết pháp những điều nhảm nhí, mê hoặc người nhẹ dạ cả tin, hủy hoại thân thể, bỏ vợ, bỏ chồng để đi tu v.v...”
Bài báo viết tiếp: “Vào đạo phải chặt đứt ngón tay và làm công quả”. Đúng vậy, Phật Giáo Đại Thừa thường nhận người làm công quả là những người chuẩn bị để cho xuất gia sau này. Những người này trong chùa gọi họ là Tịnh nhân.
Nếu những Tịnh nhân nào tự phát nguyện chặt ngón tay cúng dường chư Phật, để cầu pháp vô thượng thì những Tịnh nhân ấy được xem là những pháp khí Đại Thừa. Được Thầy Tổ lưu ý giúp đỡ và đào tạo họ trở thành những bậc lãnh đạo Phật Giáo. Trong giới tín đồ Phật Giáo cho rằng: “Ít ra những người này cũng là những bậc đại thượng trí thức” .
Qua bài kinh tựa của bộ kinh Pháp Hoa tuy không ép người khác hủy hoại cơ thể, nhưng cũng có ý đề cao khuyến khích sự hủy hoại cơ thể để cầu pháp Tối Thượng Thừa.
Những lời dạy trong kinh Pháp Hoa này, đi ngược lại lời dạy của Đức Phật, trong toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy.
Đạo Phật chủ trương không làm khổ mình khổ người, thế mà ở đây chặt, đốt ngón tay, hoặc chặt cánh tay dâng lên cúng dường, thì rõ ràng là đã tự làm khổ mình. Từ cha mẹ sanh ra không tật nguyền, bây giờ theo Phật Giáo Đại Thừa trở thành người tật nguyền, cụt tay, tàn tật. Vậy mà Thiền Tông vô minh ca ngợi vị Tổ thứ hai Huệ Khả là bậc pháp khí Đại Thừa. Chỉ có một lời ca ngợi suông trong kinh sách Đại Thừa mà đã biến vị Tổ thứ hai của Thiền Tông thành một người tàn tật, thật là ngu si chạy theo danh mà tự hại mình.
Trong kinh Phật Báo Ân của Đại Thừa Giáo có câu chuyện tiền thân Đức Phật: “Xưa, có một nhà vua chạy giặc, gặp lúc đói khát ăn thịt con để sống”. Người mới đọc qua câu chuyện tiền thân này nghe rất hay. Nhưng suy nghĩ lại, chúng ta mới thấy bản chất của loài thú vật hiện lên rất rõ ràng. Người ăn thịt người, cũng chẳng khác nào loài thú vật ăn thịt nhau, thì làm sao gọi là đạo đức làm người được.
Kinh sách Đại Thừa nói qua sự tưởng tượng của mình, một ngày cắt ba cân thịt ăn mà đứa con vẫn còn đi đứng được. Thì thử hỏi quý vị nghĩ sao? Người ta bị chừng một vết thương, mà còn nằm bệnh viện cả tuần lễ điều trị. Thế mà mỗi ngày cắt ba cân thịt mà còn đi được, thì kinh đó có vọng ngữ hay không? Có lừa đảo dối gạt người không?
Chúng ta nên đọc tiếp bài báo: “Chuyện tưởng như đùa, nhưng hoàn toàn có thật xảy ra ngay tại vùng ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh.
Chị N.T.N ở Tân Phú Trung, Củ Chi. Theo chồng về sống ở xã Tân Thới Nhì, Hốc Môn, cuộc sống gia đình rất hạnh phúc với bốn mặt con. Năm 1987, một lần đi chợ Hốc Môn thì N gặp bà Tân, trước đây là giáo viên dạy N học ở Tân Phú Trung. Bà Tân cho N biết, bà đang tu ở chùa Vạn Đức hay còn gọi là chùa Ba mẹ, ở thị trấn Hốc Môn. Từ đó N thường xuyên lui tới chùa để nghe thuyết pháp. Năm 1988, đứa con thứ năm chào đời được vài tháng thì N bỗng dưng bịnh tâm thần, bỏ chồng con vào chùa ở luôn không về nhà nữa. Một mình anh N.Đ.T. chồng N phải gồng gánh nuôi năm đứa con thơ hết sức cực nhọc, nhất là bé mới sanh.
N đến làm công quả tại chùa, ban ngày làm mọi việc lặt vặt, tối nghe thuyết pháp. Ít lâu sau N. được đưa lên chánh điện cầu nguyện để quên chồng con, vứt bỏ mọi vướng bận trần thế, ăn chay trường và sống kiếp tu hành. Nguyện xong N. dùng dao chặt đứt một đốt ngón tay trỏ bên trái, rồi cầm tay đang chảy máu ròng chạy lên chánh điện hiến dâng một đốt ngón tay để tỏ sự thành kính và một lòng theo đạo. N. được bà Thiện băng bó vết thương lại.
Nghe tin vợ chặt tay, anh T. có mặt ngay chùa để hỏi rõ sự việc, thì được một phụ nữ trong chùa giải thích ngắn gọn “cúng dường”. Anh T. kịch liệt phản đối vì việc làm kỳ cục và hết sức dã man này. Nhiều lần T. đến chùa năn nỉ vợ, kể cả la lối, đòi kêu C.A bắt, nhưng N. vẫn kiên quyết không về nhà.
Sau đó, bà Thiện đưa N. về chùa ở An Phú Đông để sống chung với bà. N. phải nhổ cỏ, chăm sóc vườn cây ăn trái của con gái bà Thiện. Có một lần N. thèm mặn nên đã lỡ ăn một miếng bánh mì kẹp thịt, khi ăn xong N. giựt mình, vì đã vi phạm lời nguyện. Để chuộc lỗi lầm này, N. dùng dao phay chặt thêm một đốt ngón tay út bên phải. Chính bà Thiện cũng băng bó vết thương cho N. C.A Hốc Môn phát hiện sự việc này, làm việc với N. và không cho N. ở chùa nữa. Tuy vậy, từ đó đến nay N. cũng không sống chung với chồng con.
Đến năm 1998 N.V.V. ngụ tại xã Tân Phú Trung, Củ Chi. Bỗng dưng lại bị bịnh nhức đầu, thay vì đến bịnh viện thì V. lại đi hết chùa này đến chùa khác ở Củ Chi, Bình Dương, Đồng Nai để trị bệnh, nhưng không có kết quả. Nghe đồn ở thị trấn Hốc Môn có chùa Vạn Đức trị bệnh rất hay nên V. nhanh chân tìm đến nhờ giúp đỡ, hy vọng sẽ nhanh chóng khỏi bịnh.
V. kể lại thuốc chữa bịnh của chùa là chén nước lạnh. Trị bịnh xong, V. ở chùa làm công quả, từ Củ Chi đến Hốc Môn khá xa, sáng đi chiều về rất mệt, nhưng V. quyết tâm vượt qua để được đóng góp chút ít công sức cho chùa.
Ngày 16- 2- 1999 (mùng một Tết. Vì đến làm công quả như thường lệ thì được bà Tâm trụ trì chùa khuyên bảo: “Phải về nhà tu tâm, ăn hiền ở lành và chịu khó nghe kinh thuyết pháp của chùa”.
Lúc 11 giờ ngày 3- 3- 1999, sau khi đi cắt lúa về nhà V. đứng trước tượng Phật Thích Ca được đặt tại nhà đọc lời nguyện sẽ đi tu, không sống chung với vợ con nữa. Liền sau đó V. đã dùng dao chặt dứt hai đốt ngón tay trỏ bên trái, chặt xong V. tự băng bó vết thương. Hiện V. đang sống chung với mẹ ruột, bỏ vợ cùng hai đứa con thơ”.
Như trên, những bài kinh của Đại Thừa đã tác động rất mạnh vào lòng tin của con người. Họ dám chặt tay, đốt ngón tay hoặc chặt một lóng ngón tay cúng dường chư Phật để cầu pháp giải thoát.
Giải thoát đâu không thấy, chỉ thấy toàn là sự đau khổ, một sự ngu dại làm khổ mình, làm khổ vợ con, làm khổ những người thân và còn làm công không cho người khác, bị lừa đảo mà không biết.
Đối với tà giáo ngoại đạo, nếu chúng ta không đủ trí sáng suốt, minh mẫn thì sẽ bị những lời đường mật lừa đảo trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa như câu kinh này:
“Đầu mắt và thân thể
Điều ưa vui thí cho
Để cầu trí tuệ Phật”.
Muốn đạt được trí tuệ giải thoát của Đạo Phật, thì phải bố thí hay cúng dường thân thể hoặc một phần của thân thể, thì sẽ được trí tuệ giải thoát.
Do lời dạy này và những câu chuyện tiền thân Đức Phật hay những chuyện cổ tích về Đạo Phật như: Khi Đức Phật còn là Bồ Tát tu hạnh bố thí, Ngài đã thí thân cho cọp ăn. Thí thân cho cha mẹ ăn, như Thái tử Tu Xà Đề. Lấy thân làm một ngàn ngọn đèn thắp sáng để cầu pháp, như Chuyển Luân Thánh Vương trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo ân. Chuyện cổ Phật Giáo như Diệu Thiện còn gọi là nàng công chúa Ba, bố thí mắt, tay để làm thuốc cho cha gọi là báo hiếu của Phật Giáo Đại Thừa.
Nhưng gương bố thí thân mạng để cầu pháp, để báo hiếu, đối với Đại Thừa thì rất là tốt đẹp và cao thượng, nhưng lại xa rời thực tế và đạo đức làm người của Phật Giáo Nguyên Thủy. Nhất là Đại thừa không có đôi mắt nhân quả, nên thường tỏ ra những hành động một anh hùng cá nhân vô minh, vô đạo đức với mình (tự làm khổ mình vì người).
Đạo Phật không chấp nhận những điều này, chủ trương của Đạo Phật là không làm khổ mình khổ người. Thế mà tin theo lời dạy của kinh sách Đại Thừa, đã tự chặt tay, khoét mắt, đốt tay để cúng dường cầu pháp giải thoát: Giải thoát đâu không thấy chỉ thấy một sự khổ đau của mình. Đó là tự gieo ác pháp cho mình và còn làm khổ cho những người thân thương của mình.
Ngày xưa, ông Vô Não nghe một vị Bà La Môn dạy: Chặt được một ngàn ngón tay người thì chứng được đạo giải thoát. Tin lời dạy này, ông đã trở thành một hung thần. Một ác quỷ giết người không gớm tay. Chặt tay người, xỏ xâu thành chuỗi, chờ ngày giết cho đủ một ngàn người để chứng đạo. Đó là pháp môn ác đức làm khổ người, mạng sống con người trong kinh sách Đại Thừa được xem như một chiếc áo, muốn ném bỏ lúc nào cũng được (chiếc thân huyễn mộng). Cái nhìn như vậy, tức là Phật Giáo bị đồng hóa pháp môn ngoại đạo, nên làm khổ mình mà không biết còn gọi là cầu chứng trí tuệ giải thoát. Vậy trí tuệ giải thoát, sao ta lại ngu si để chuốc lấy sự đau khổ cho thân này, biến thân thể mình thành người tàn tật?
Trong thời gian tu hành tại tu viện Chân Không, chúng tôi cũng có một vài huynh đệ chặt hoặc đốt ngón tay để cúng dường cầu pháp. Nhưng đến nay đã 30 năm chúng tôi nhìn lại những huynh đệ đó đã không có sự giải thoát, mà lại cơ thể nay đau, mai ốm, mà lại đau ốm những bịnh tật nan y. Cuộc đời của họ vì tin giáo pháp Đại Thừa và quyết tâm tìm đường giải thoát cho nên không tiếc thân mạng. Dám đốt ngón tay, dám chặt ngón tay như cô N.T.N. và anh N.V.V. v.v... Và còn rất nhiều người nữa, thật là có tâm cầu pháp giải thoát điên dại.
Những pháp môn gì mà đưa con người đến chỗ tật nguyền, cụt tay, cụt chân. Cha mẹ sanh ra không tật nguyền, đến giờ theo Phật Giáo Đại Thừa, người có quyết chí tu hành cầu giải thoát, thì giải thoát đâu không thấy, chỉ thấy mình bị tàn tật. Thật là đau lòng!
Bởi tin theo lời Phật dạy như vậy, không ngờ đó là những lời của tà sư ngoại đạo, mạo nhận là lời Phật dạy để dễ bề lừa gạt người khác.
Những người không biết về kinh sách Đại Thừa như các chú C.A thì cho đó tà giáo ngoại đạo, còn những người có nghiên cứu kinh sách Đại Thừa thì không thể lầm là tà giáo ngoại đạo. Họ biết rất rõ trong kinh sách Đại Thừa dạy rất nhiều điều phi đạo đức, lừa đảo, lường gạt người; dạy những điều mê tín và hủy hoại một phần cơ thể, cúng dường chư Phật để cầu pháp tối Thượng Thừa.
Từ ngày có Phật Giáo truyền vào đất nước chúng ta, sự mê tín dân gian không bớt mà lại còn thêm những sự mê tín khác nữa và những sự hy sinh vô nhân đạo đối với bản thân mình.
Vô nhân đạo đối với mình, là tự hủy hoại cơ thể mình, người vô đạo đức nhân quả là tự làm khổ mình. Xưa, kia Tổ Huệ Khả chặt cánh tay, Sư Trừng Quán chặt ngón tay, gần đây có các Thầy như P.T. - P.D. v.v... Và gần đây nhất là báo Công An đã đăng tin, có một số người ở chùa Vạn Đức Hốc Môn đã chặt ngón tay.
Hủy hoại cơ thể để được những gì hay đã tự làm khổ mình. Và sự tu tập như vậy đã đi ngược lại với Đạo Phật, Đạo Phật chủ trương: Khi vào đạo là không làm khổ mình khổ người, tức là giải thoát. Cớ sao đi tu lại làm khổ gia đình, vợ, con hay là chồng con, mà gọi là đi theo Phật? Đi theo Phật sao làm khổ mình khổ người, mà lại chính làm khổ những người thân thương của mình, thì Phật nào chấp nhận cho quí vị tu hành như vậy.
Chỉ có kinh sách Đại Thừa dạy người tu hành để được phước báo giải thoát, nhưng phước báo giải thoát đâu không thấy mà chỉ thấy sự đau khổ cho mình cho những người thân thương của mình, như trong bài báo chúng ta đã đọc ở trên.
Hiện giờ trong đất nước chúng ta, thỉnh thoảng nghe báo chí đăng tin vị giáo chủ này đến vị giáo chủ kia dạy nhiều loại pháp mê hoặc và lừa đảo người khác, như giáo chủ xứ Sương Mù, giáo chủ Pháp Hoa, giáo chủ Long Hoa Hội, giáo chủ Chân Không, Sư bán Khoai, Sư bán Chiếu, Sư mỏ Cày v.v...
Xét lại các giáo phái này, chịu ảnh hưởng kinh sách Đại Thừa mà sinh ra.
Giáo Phái chặt hoặc đốt ngón tay để cúng dường một phần thân thể của mình cầu pháp, thì trong kinh sách Đại Thừa gọi những người dám cúng dường được như vậy gọi là pháp khí Đại Thừa. Những người này được xem là bậc đại Bồ Tát.
Vì những danh từ ca ngợi rất cám dỗ của kinh sách Đại Thừa, nên khiến cho người ta dám chịu đau khổ, hy sinh thân mạng và bỏ cả vợ con hoặc chồng con. Họ làm như vậy, họ không thấy rằng họ là những người không có đạo đức, không có đạo đức với họ với những người thân, họ là những người vô minh, mù quáng đã tự làm khổ mình khổ người. Người tu hành như vậy không thể gọi là người tu theo Đạo giải thoát được.
Đọc qua các kinh sách Đại Thừa, chúng ta thấy rất rõ ràng. Đại Thừa Giáo chỉ là một giáo pháp hỗn tạp, góp nhặt và lượm lặt những tưởng tri của loài người từ Đông sang Tây làm giáo pháp của mình. Tưởng là hòa đồng hay là tổng hợp giáo pháp của ngoại đạo như vậy là cao siêu, là cao thượng. Nhưng nào ngờ giáo pháp ấy là một thứ đờm dãi trong ống nhổ, giáo pháp ấy giống như chiếc áo vá nhiều thứ vải. Cho nên Đại Thừa tự xưng giáo pháp mình có 84 ngàn pháp môn.
Khi Đức Phật ra đời và truyền đạo Ngài đã căn dặn chúng ta: “Chớ có tin... chớ có tin... v.v... Mà hãy tin những gì có lợi ích cho mình cho người, mà hãy tin những gì đừng làm khổ mình, khổ người”.
vvvvvv
(Trích Đường Về Xứ Phật tập VII)
No comments:
Post a Comment